Mỹ ra đòn quyết định ép giá dầu về 20 USD/thùng
Tin Tức Năng Lượng Tháng Mười Hai 20, 2015 News Energy
Nangluong.news – Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ vốn tồn tại suốt 40 năm qua tại nước này.
Dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu nằm trong gói dự luật chi tiêu và giảm thuế trị giá 1.800 tỷ USD, vừa được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, ngày 19/12 (theo giờ Việt Nam) với 65 phiếu thuận và 33 phiếu chống.
Thượng viện Mỹ đã cho phép xuất khẩu dầu thô, đồng thời tiếp tục gia hạn quyết định giảm thuế thêm 5 năm đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển nguồn năng lượng xanh nhằm thúc đẩy khai thác năng lượng tái tạo.
Động thái này đánh dấu thay đổi trong chính sách năng lượng của các nghị sỹ Cộng hòa và là một phần trong thỏa thuận “hai bên cùng có lợi” mà các nghị sỹ của hai đảng đã thảo luận trong hai tuần qua.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ, việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô sẽ giúp Mỹ đảm bảo an ninh dầu mỏ, tạo nguồn cung mới cho các đối tác và đồng minh của Mỹ tại châu Âu và châu Á, giảm phụ thuộc vào nguồn cung của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga.
Ngoài ra, nhiều công ty cũng được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng này, trong đó phải kể đến những đại gia như Exxon Mobil Corp,ConocoPhillips và Chevron. Tuy nhiên, những lợi ích của việc này, theo các chuyên gia kinh tế, còn rộng lớn hơn thế.
Xuất khẩu dầu mỏ khởi sắc sẽ giúp thu hút đầu tư vào hoạt động sản xuất và vận chuyển mặt hàng này, kiến tạo thêm việc làm, giúp nguồn cung dầu khí ổn định hơn và cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ…
Bên cạnh đó, việc Chính phủ Mỹ bật đèn xanh đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ cũng sẽ giúp các đồng minh châu Âu của nước này, vốn đang phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga, có thêm lựa chọn (về nguồn cung).
Trong khi đó, nguồn cung dầu từ OPEC tiếp tục dư thừa. OPEC cũng có thể sản xuất dầu ồ ạt, tiến tới con số 32 triệu thùng/ngày, theo dự báo của Goldman Sachs.
Hơn nữa, thị trường còn phải tiếp nhận cả nguồn dầu mới do Iran tung ra sau khi nước này nối lại sản xuất dầu vì được Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trong vài tháng tới. Hệ quả là kho dầu toàn cầu sẽ “tràn trề” vào mùa xuân tới đây.
Giá dầu đã rớt hơn 50% trong vòng 18 tháng qua do nguồn cung thừa mứa và mức cầu ì ạch. Trong báo cáo công bố ngày 17/12, các nhà phân tích Goldman Sachs viết: “Đà giảm của giá dầu giảm sau cuộc họp của OPEC đã tiếp tục khi mà các thành viên ngày càng bất đồng rõ rệt và OPEC thiếu phản ứng về mặt nguồn cung”.
Thực tế trước đây cho thấy mỗi khi giá dầu giảm mạnh, động thái cắt giảm sản lượng của OPEC lập tức giúp giá dầu phục hồi. Nhưng vào tháng 11/2014, Saudi Arabia, nước chủ chốt của OPEC, đã thay đổi chính sách, quyết định ngừng bảo vệ giá dầu, theo đuổi chiến lược giành thị phần bằng cách tối đa hóa sản lượng. Chiến lược này đã có dấu hiệu “đơm hoa kết trái” khi sản lượng dầu đá phiến Mỹ bắt đầu giảm.
Hiện nay, giá dầu ở mức thấp nhất trong gần 7 năm qua. Hôm 17/12, tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 1/2016 đã xuyên thủng ngưỡng 35 USD/thùng.
Trong khi dự đoán của Goldman Sachs cần thời gian kiểm nghiệm thì về ngắn hạn, chuyên gia phân tích Gene McGillian thuộc Tradition Energy, nhận định giá dầu có khả năng sẽ “thử nghiệm” các mức đáy của năm 2008, thời điểm giá dầu WTI được giao dịch quanh mức 32 USD/thùng.
Đã quanh ngưỡng 20 USD/thùng
Theo Bloomberg, một số nhà sản xuất dầu thô trên thế giới đã phải chịu mức giá thực tế còn thấp hơn nhiều so với giá dầu WTI.
Nhiều loại dầu thô Mexico đã có giá dưới 28 USD/thùng, mức thấp nhất trong 11 năm qua. Iraq thì đang cung cấp nhiều loại dầu khác nhau cho các khách hàng của nước này ở châu Á với giá khoảng 25 USD/thùng. Ở phía tây Canada, một số nhà sản xuất đang bán dầu với giá dưới 22 USD/thùng.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, nguyên nhân chính đẩy giá dầu thô tại thị trường toàn cầu lao dốc là do các thành viên OPEC vẫn còn bất đồng về chủ trương cắt giảm sản lượng khai thác hàng ngày vốn đang dư thừa khá nhiều so với nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu.
Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, các bộ trưởng dầu mỏ của OPEC không thể nhất trí được về mức trần sản lượng dầu thô. Một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng bất đồng này là khi Iran tuyên bố, sẽ không xem xét bất kỳ việc giảm sản lượng nào cho đến khi sản lượng dầu của nước này trở lại ngưỡng trước khi các lệnh trừng phạt được áp đặt.
Nguồn: Báo Đất Việt