Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu nhằm làm “lụt” nền kinh tế Nga? Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu nhằm làm “lụt” nền kinh tế Nga?
Nangluong.news – Theo chuyên gia thị trường chứng khoán Nga George Vashenko, việc hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ sẽ khó có... Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu nhằm làm “lụt” nền kinh tế Nga?

Nangluong.news – Theo chuyên gia thị trường chứng khoán Nga George Vashenko, việc hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ sẽ khó có thể nhanh chóng được thực hiện vì Mỹ hiện không có tiềm năng xuất khẩu lớn.

Mỹ có thể trở thành một trong những đối tác xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới

Mỹ có thể trở thành một trong những đối tác xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới

Dự kiến trong tuần này, Quốc hội Mỹ sẽ thông qua quyết định hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ ra nước ngoài đã có hiệu lực từ năm 1975. Động thái này nhiều khả năng sẽ khiến giá dầu mỏ tiếp tục “dò đáy” và có thể khiến nền kinh tế Nga sẽ chịu những hậu quả nặng nề.

Mỹ sẽ hủy lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ

Theo thông tin do các nghị sỹ thuộc 2 viện của Quốc hội Mỹ cung cấp cho tạp chí The Wall Street Journal, trong tuần này Quốc hội Mỹ sẽ chính thức hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ ra nước ngoài đã tồn tại 40 năm qua ở Mỹ.

Đây được coi là một trong những thay đổi lịch sử trong chính sách của Mỹ. Sự thay đổi này phản ánh những thành tựu lớn về kinh tế và chính trị đạt được nhờ sự bùng nổ trong lĩnh vực khai thác dầu mỏ ở Mỹ.

Quyết định cho phép xuất khẩu dầu mỏ là thành tố then chốt trong các cuộc đàm phán giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trước thềm phiên họp toàn thể Quốc hội Mỹ sẽ được khai mạc vào ngày thứ Tư (16/12) tới đây.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin cung cấp cho The Wall Street Journal, đây vẫn chưa phải là quyết định cuối cùng và vẫn có thể bị thay đổi nhưng những người ủng hộ việc hủy bỏ lệnh cấm này đang có cơ sở để hy vọng.

Thượng nghị sỹ Heidi Haytkamp khẳng định: “Chúng tôi lạc quan một cách thận trọng rằng chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận (về vấn đề trên)”.

Các biện pháp hỗ trợ các nguồn năng lượng sinh thái và các nguồn năng lượng tái sinh, trong đó có biện pháp tăng cấp tín dụng cho các công ty thuộc mảng năng lượng gió và năng lượng mặt trời, là một phần quan trọng trong quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu của Quốc hội Mỹ.

Trước đó, Thư ký Báo chí Tổng thống Mỹ Josh Ernest tuyên bố rằng Tổng thống Mỹ B.Obama dự định sẽ bỏ phiếu phủ quyết dự luật trên: “Chúng tôi không cho rằng Quốc hội Mỹ cần phải thông qua các đạo luật trong lĩnh vực này”.

Trong khi đó, các công ty và tập đoàn dầu mỏ của Mỹ là những đối tượng ủng hộ mạnh mẽ việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ. Đại diện các công ty này cho rằng, quyết định này của Quốc hội Mỹ sẽ góp phần làm gia tăng sản lượng dầu mỏ cung cấp cho các nhà sản xuất quốc tế đang chịu nhiều thiệt hại do giá dầu vẫn ở mức thấp.

Trái lại, các công ty chế biến dầu, dưới sự ủng hộ của hàng loạt nghị sỹ đảng Dân chủ, lại phản đối việc hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ. Lý lẽ được đưa ra là nếu như lệnh cấm này được dỡ bỏ thì nhiều khả năng một lượng dầu lớn của Mỹ sẽ bị đưa ra nước ngoài và có khả năng làm tăng giá xăng cho thị trường Mỹ.

Cuộc cách mạng dầu đá phiến được thực hiện thành công đã giúp Mỹ gia tăng sản lượng khai thác dầu đến hơn 90% (tính từ năm 2008). Do giá dầu liên tiếp suy giảm, giá xăng của Mỹ cũng đã giảm đến mức thấp nhất kể từ năm 2009 khi giá 1 gallon chỉ khoảng 2 USD (1 gallon Mỹ tương đương 3,78 lít).

Ảnh mang tính chất minh họa.

Ảnh mang tính chất minh họa.

Còn theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), giá 1 gallon xăng trong năm 2016 sẽ rơi vào khoảng 2,36 USD.

Thông tin về khả năng Quốc hội Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu đã bắt đầu có những tác động lên giá dầu mỏ trên thị trường quốc tế. Giá dầu Brent đã giảm 4,5%, xuống mức còn 37,93 USD/thùng ở thị trường châu Âu.

Trong khi đó, trên thị trường trao đổi hàng hóa New York, giá dầu tương lai (giao trong tháng 1/2016) cũng sụt giảm 3,1%, xuống còn 35,62 USD/thùng.

Đòn đánh vào nền kinh tế Nga?

Theo chuyên gia phân tích Artem Zviagilsky thuộc MFX Broker, sự kiện này chỉ có những tác động về mặt tâm lý hơn là sẽ có những tác động thực sự nào làm thay đổi tương quan trên thị trường “vàng đen” quốc tế.

Những thành viên thuộc đảng Cộng hòa đang cố gắng thúc đẩy dự thảo này (hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu) nhằm phục vụ cho các mục đích chính trị (để giảm giá dầu trên thị trường quốc tế và qua đó gây áp lực lên nền kinh tế Nga).

Về phía đảng Dân chủ, đảng này đang cố gắng phong tỏa “sáng kiến” hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu vì các mục đích kinh tế. Theo đảng này, nếu lệnh cấm xuất khẩu dầu được dỡ bỏ, một lượng dầu khí giá rẻ sẽ thất thoát khỏi thị trường nội địa và khiến giá năng lượng ở chính nước Mỹ sẽ gia tăng nhanh chóng.

Hiện nay, tổng sản lượng sản xuất dầu mỏ ở Mỹ đã vượt qua con số 9 triệu thùng/ngày đêm, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ lại lên đến 18 triệu thùng.

Do đó, Artem Zviagilsky cho rằng Mỹ sẽ khó có thể xuất khẩu được nhiều dầu vì tỷ lệ khai thác và tỷ lệ tiêu thụ khá chênh lệch. Trong trường hợp khả quan nhất, Mỹ chỉ có thể xuất khẩu được 700-800 nghìn thùng dầu/ngày đêm.

Như vậy, việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ sẽ không đem lại những kết quả thực sự.

Chính vì vậy, theo chuyên gia trên thị trường chứng khoán Nga George Vashenko, việc hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ sẽ khó có thể nhanh chóng được thực hiện vì Mỹ hiện không có tiềm năng xuất khẩu lớn. Mặc dù hiện khai thác được khoảng 9 triệu thùng/ngày đêm nhưng bối cảnh giá cả hiện tại không thuận lợi cho việc xuất khẩu.

Bối cảnh hiện tại cho thấy rằng Mỹ có thể trở thành một trong những đối tác xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới nhưng khả năng này chỉ có thể trở thành hiện thực trong tương lai trung hạn với các điều kiện đi kèm như giá thành cao, các nước Arab và Venezuela vì một lý do nào đó giảm sản lượng khai thác dầu.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ “Expert- Chuyên gia”, tờ báo chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thế giới, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Tờ báo được thành lập năm 1995.

Nguồn: Infonet