Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Với nền tảng mua bán điện mặt trời mới này, các chủ nhà lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời có thể bán... Thí điểm nền tảng mua bán điện mặt trời giao dịch ngang hàng tại Singapore

Với nền tảng mua bán điện mặt trời mới này, các chủ nhà lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời có thể bán điện trực tiếp cho người mua thay vì phải phát lên lưới và bán cho ngành điện.

Nền tảng giao dịch điện mặt trời ngang hàng có tên SolarShare là một dự án của công ty khởi nghiệp về sáng tạo năng lượng Electrify (Singapore). Nền tảng này cho phép việc mua bán điện mặt trời diễn ra trực tiếp giữa người bán điện và người tiêu thụ điện theo giá thỏa thuận. Nhờ đó, người tiêu thụ điện (người dân, các doanh nghiệp) có thể mua điện mặt trời với giá rẻ hơn mức giá từ điện lưới, còn chủ đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái thì bán được lượng điện dư thừa với giá cao hơn. Dự án này đã được công ty Electrify phối hợp cùng Senoko Energy (một công ty năng lượng hàng đầu Singapore) và Engie Factory (công ty con của Tập đoàn điện lực Engie – Pháp) triển khai thí điểm với sự tham gia của 100 khách hàng của Senoko Energy.

thi-diem-nen-tang-mua-ban-dien-mat-troi-giao-dich-ngang-hang-tai-singapore-1SolarShare là một nền tảng mua bán điện mặt trời giao dịch ngang hàng (P2P)

Với SolarShare, các hộ gia đình, doanh nghiệp mua điện mặt trời sẽ kết nối với người bán (chủ nhà, chủ sở hữu bất động sản thương mại có lắp đặt điện mặt trời áp mái) thông qua một nền tảng giao dịch trực tuyến vận hành trên công nghệ blockchain – công nghệ Synergy. Theo đó, SolarShare cho phép người bán điện chào giá bán cao hơn, sát với giá bán lẻ (thay vì phải bán cho lưới điện với mức giá gần sát giá bán sỉ, thấp hơn nhiều). Người tiêu dùng điện cũng được chào giá mua trên nền tảng này. Khi người mua và người bán đưa ra giá chào khớp nhau, họ sẽ được ký một hợp đồng mua bán điện mặt trời có thời hạn 6 tháng. Sau đó, Electrify sẽ lắp đặt đồng hồ điện thông minh ở cả bên mua và bên bán, nhằm xác định chính xác tổng lượng điện mua bán trong thời hạn của hợp đồng thông qua lưới điện quốc gia. Vào ban đêm hoặc những ngày không có nắng, nguồn cung điện hạn chế, Senoko Energy sẽ bổ sung nguồn cung điện để đáp ứng nhu cầu năng lượng của cả hai bên, tránh xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung. Mỗi cuối tháng, người mua điện sẽ được nhận hóa đơn tiền điện hợp nhất của Senoko Energy. Với mỗi hợp đồng mua bán điện mặt trời giao dịch ngang hàng SolarShare, Electrify sẽ thu phí giao dịch 5%.

thi-diem-nen-tang-mua-ban-dien-mat-troi-giao-dich-ngang-hang-tai-singapore-2Vào ban đêm hoặc khi nguồn cung cấp năng lượng mặt trời bị hạn chế, Senoko Energy sẽ cung cấp điện cho cả bên mua và bên bán

Theo bà Jenny Chase, Giám đốc bộ phận phân tích điện mặt trời, Công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng mới BloombergNEF (Anh), SolarShare sẽ giúp các nhà đầu tư điện mặt trời tăng doanh thu, nhờ đó khuyến khích phát triển các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, tăng trưởng nguồn năng lượng sạch. Qua dự án này, Electrify muốn chứng minh tính khả thi thương mại của công nghệ giao dịch năng lượng ngang hàng Synergy đã được họ thử nghiệm kỹ thuật thành công hồi đầu năm 2019. Thử nghiệm lần này sẽ giúp Electrify rút ra các bài học để đảm bảo công nghệ Synergy đạt kết quả tối ưu, từ đó sẵn sàng triển khai ra khắp quốc gia Singapore.

Ông Martin Lim, Giám đốc điều hành Công ty Electrify cho biết Synergy là một trong rất ít công nghệ trên thế giới hiện nay cho phép thực hiện giao dịch năng lượng ngang hàng ở quy mô thành phố. Công nghệ này được thiết kế dành riêng cho các thành phố hiện đại, giúp các chủ nhà tận dụng mái để lắp đặt hệ thống, tối đa hóa tiềm năng điện mặt trời ở đô thị. Mục tiêu của Electrify là nắm giữ 20% thị phần mua bán điện mặt trời ngang hàng ở Đông Nam Á và đạt doanh thu 25 triệu USD vào năm 2025. Họ đang đàm phán với các công ty năng lượng, điện lực ở các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Úc, Nhật Bản để triển khai công nghệ Synergy tại các thị trường này.

Giám đốc bộ phận thương mại của Senoko Energy – ông James Chong – cho rằng khái niệm giao dịch năng lượng ngang hàng rất sáng tạo và thông minh. Ông này tin tưởng về sự hợp tác với Electrify và Engie Factory vì đây chính là tương lai của ngành công nghiệp năng lượng, với sự thúc đẩy của một cộng đồng chung chí hướng về năng lượng sạch. Mục tiêu của Senoko Energy khi đầu tư vào dự án SolarShare là nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng tái tạo ở “đảo quốc sư tử” và cho phép người dân đa dạng sự lựa chọn mua điện.

Nguồn: Tổng hợp