Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Nangluong.news – Sau hơn 1 tháng “ăn ngủ” với mô hình nhà năng lượng sạch, sản phẩm của Ánh Dương hoàn thành đúng tiến... Mơ ước thành phố năng lượng sạch của cô bé lớp 5

Nangluong.news – Sau hơn 1 tháng “ăn ngủ” với mô hình nhà năng lượng sạch, sản phẩm của Ánh Dương hoàn thành đúng tiến độ để dự thi Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi TP.HCM năm 2016.

Mới chỉ học lớp 5 và chưa được học môn vật lý, Phan Lê Ánh Dương, học sinh trường tiểu học bán trú Thới Nam, Hóc Môn, TP.HCM vẫn có thể sáng tạo được mô hình nhà năng lượng mặt trời thu điện năng từ nguồn tài nguyên vô tận này.

Ý tưởng lóe lên một cách bất ngờ

Những lần cùng cả gia đình đi vào trung tâm thành phố, Ánh Dương nhận thấy những tòa nhà cao tầng hai bên đường đều có những tấm kính lớn. Thời tiết nắng nóng, những tấm kính phản chiếu ánh sáng mặt trời làm thành phố càng thêm nóng bức. Lúc đó, một suy nghĩ lóe lên trong đầu cô học trò tiểu học, tại sao không biến những chiếc kính đó thành kính thu năng lượng mặt trời.

Ánh Dương còn nghĩ đến việc lắp các tấm pin mặt trời lên nóc các tòa nhà để thu nạp năng lượng sử dụng cho việc thắp sáng các ngôi nhà.

Ánh Dương chia sẻ “Điện mặt trời là nguồn năng lượng thiên nhiên vô tận. Nếu con người biết khai thác và sử dụng nguồn năng lượng này sẽ giảm tải áp lực cho nguồn điện năng tạo ra từ nhiệt điện, thủy điện tại các nhà máy hiện nay. Khai thác điện mặt trời, chúng ta sẽ không phá rừng, không đắp đập giữ nước ngăn dòng chảy của sông, suối. Điều này giúp con người ngăn được nguy cơ lũ lụt”.

1_62220

Ánh Dương giới thiệu ý tưởng của mình với ban giám khảo và hàng trăm học sinh tại Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu nhi TP.HCM năm 2016. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp.

Các tấm pin mặt trời khi lắp đặt sẽ được lập trình để có khả năng di động giúp hứng được ánh sáng mặt trời vào tất cả các thời điểm trong ngày. Khi trời tối, tấm pin mặt trời sẽ quay về vị trí ban đầu vào buổi sáng để tiếp tục nhận ánh sáng vào ngày hôm sau. Năng lượng thu được sẽ được dự trữ qua một bộ phận tích điện.

Bắt tay vào biến ý tưởng đó trở thành hiện thực

Không để ý tưởng bị “nguội lạnh”, cô học trò mới học lớp 5 đã sử dụng những vật dụng phế thải trong gia đình để tạo ra mô hình nhà năng lượng mặt trời cho riêng mình.

Những miếng nhựa quảng cáo đã bỏ đi được em sử dụng làm vách tường cho ngôi nhà. Việc thiết kế mô hình tòa nhà cao tầng bằng vật liệu giấy quả thật là một trở ngại lớn với cô học trò lớp 5. Ánh Dương phải dành nhiều giờ cắt tỉa tỉ mẩn, khéo léo tạo hình từng phần cho ngôi nhà năng lượng sạch của mình.

Ngoài ra, Ánh Dương còn thông minh sử dụng các tấm pin mặt trời cỡ nhỏ gắn vào phần mô hình trên nóc nhà để hoàn thiện hệ thống. Ánh Dương nhớ như in những lần rong ruổi theo mẹ đi tìm vật liệu pin mặt trời tại chợ Nhật Tảo (Quận 10). Lúc đó, cả hai mẹ con đều gặp khó khăn ở chợ vì không biết mua ở quầy nào.

“May mắn lúc đó mẹ và em nhận được sự giúp đỡ của một anh là sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM. Em kể ý tưởng của mình và sau đó được anh sinh viên đó về tận nhà giúp đỡ gắn các tấm pin mặt trời vào ngôi nhà mô hình” – Ánh Dương kể.

Khi thiết kế ngôi nhà xong, Ánh Dương tiếp tục làm mạng điện vận hành các tấm pin mặt trời. Khó khăn lại tiếp tục “theo đuổi” cô học sinh khi em chưa có nhiều kiến thức về mạch điện. Vậy là Ánh Dương và mẹ phải lên mạng tìm hiểu cách làm hệ thống điện cho ngôi nhà.

Sau hơn 1 tháng “ăn ngủ” với mô hình nhà năng lượng sạch, sản phẩm của Ánh Dương hoàn thành đúng tiến độ để dự thi Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi TP.HCM năm 2016.

Niềm vui với em như được nhân lên khi Mô hình ngôi nhà năng lượng sạch của em giành giải nhất bảng A dành cho khối học sinh tiểu học. Trong khi đó, ở các bảng khác của khối THCS, THPT đều không có sản phẩm nào đạt giải nhất.

“Đây là kết quả khiến em rất bất ngờ. Từ công trình này, em hy vọng khi học lên các lớp cao hơn, có nhiều kiến thức hơn, em sẽ làm cho các tấm kính năng lượng mặt trời tự động xoay theo hướng ánh sáng mặt trời” – Ánh Dương quyết tâm.

Nguồn: Baomoi