Miền Nam sẽ bớt ‘nóng’ nhờ điện gió, điện mặt trời?
Năng Lượng GióNăng Lượng Mặt TrờiNăng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng hai 22, 2019 Năng Lượng News
Đã có khoảng 8.000 MW điện gió và điện mặt trời được chấp thuận quy hoạch chỉ trong khoảng 1 năm qua và vẫn còn tới chừng 22.000 MW khác đã được nhà đầu tư đăng ký chờ duyệt.
Dự án Điện gió kết hợp điện mặt trời Phú Lạc
Đó là con số được Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết khi trao đổi với Thanh Niên. “Gần một năm qua là quãng thời gian Bộ Công thương nhận được nhiều nhất các đề xuất triển khai dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, sau khi Thủ tướng có các quyết định thay đổi cơ chế giá mua điện mặt trời và điện gió”, ông Vượng nói.
Giá đầu tư giảm, giá bán tăng
Theo Bộ Công thương, trong hơn một năm trở lại đây, Bộ đã tiếp nhận đề xuất của cả trăm nhà đầu tư với tổng cộng khoảng 340 dự án điện mặt trời, điện gió với tổng công suất dự kiến khoảng 28.000 MW, trong đó, điện mặt trời khoảng 26.000 MW và số còn lại là điện gió. Nếu đem so với tổng công suất đặt của toàn hệ thống điện quốc gia hiện có là 48.000 MW thì con số các dự án năng lượng tái tạo nói trên là rất lớn. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2018, số dự án điện gió và điện mặt trời được phê duyệt để bổ sung quy hoạch mới chỉ khoảng 7.500 MW. Như vậy, vẫn còn trên 20.000 MW điện gió, điện mặt trời đang “xếp chỗ”. Trong số này, có không ít các dự án với công suất lên đến hàng trăm MW.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, bên cạnh việc giá mua điện gió, điện mặt trời tăng lên theo các quyết định mới đây thì suất đầu tư ngày càng rẻ hơn cũng là điều khiến năng lượng tái tạo sẽ được đầu tư mạnh. Theo ông Vượng, trong 10 năm, suất đầu tư điện mặt trời đã giảm 70 – 80%, còn điện gió giảm khoảng một nửa. “Trên thị trường thế giới, 10 năm trước giá làm ra 1 kWh điện mặt trời 30 cent thì giờ chỉ 6 – 7 cent. Cùng với đó, trước đây công suất 1 tổ máy chỉ 1 – 2 MW nhưng nay cao nhất đã lên đến.
9 – 10 MW nên cũng giúp giảm giá thành”, ông Vượng nói. Tính toán của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho biết, ở thời điểm tháng 7.2019, giá FiT cho 1 dự án điện mặt trời (quy mô 50 MW) ở các tỉnh có bức xạ nhiệt cao như Ninh Thuận, Bình Thuận là 6,57 – 7,14 cent/kWh. Ở các vùng có bức xạ thấp hơn như miền Bắc thì giá từ 8,7 – 9,45 cent/kWh. Khoảng 2 năm sau, mức giá ở vùng có bức xạ nhiệt cao sẽ còn khoảng 5,5 cent/kWh. Đây được coi là mức giá lý tưởng nhất cho chủ đầu tư các dự án điện mặt trời.
“Điện miền Nam có bớt căng thẳng” ?
Ông Vượng cho biết, do hàng loạt dự án nhiệt điện như Long Phú, Sông Hậu, rồi các nhà máy BOT… chậm tiến độ so với Quy hoạch 7 nên thời gian vừa qua câu chuyện nguy cơ miền Nam căng thẳng điện trong các năm sau 2020 được nhắc tới nhiều. Nếu có thêm 20.000 MW năng lượng tái tạo sẽ làm giảm nguy cơ căng thẳng điện cho miền Nam. Song, ông cũng lưu ý rằng, hệ số công suất không cao, nên cùng với phát triển các dự án điện tái tạo thì vẫn phải đẩy các dự án nhiệt điện đang thi công lẫn đang đàm phán để tiếp tục xây dựng.
“Nếu 1 nhà máy điện than hay điện khí 1 năm có thể vận hành 7.000 giờ thì điện gió hay điện mặt trời chỉ chưa đến 1/3 vì số giờ có nắng, có gió chỉ 6 – 7 giờ/ngày, tức mỗi năm chỉ vận hành chưa được 2.000 giờ. Cho nên, chúng ta vẫn phải cần những nguồn năng lượng khác để dự phòng, đảm bảo an ninh năng lượng”, ông Vượng nói.
Tuy nhiên, đó là nói trong trường hợp các dự án điện gió, điện mặt trời được triển khai suôn sẻ. Còn thực tế là, trên diễn đàn năng lượng tái tạo những ngày qua, đã xuất hiện hàng loạt ý kiến than phiền về việc các dự án đang bị ách tắc từ khâu bổ sung quy hoạch do vướng luật Quy hoạch mới. Thứ trưởng Vượng xác nhận, từ 1.1.2019, việc bổ sung quy hoạch phải dừng lại để chờ nghị định hướng dẫn. Ông Vượng cho hay, trước đây, ngành điện có quy hoạch năng lượng nói chung, có quy hoạch điện lực quốc gia, quy hoạch điện lực tỉnh, vùng và quy hoạch cho từng dạng như điện gió, điện mặt trời.
“Nhưng theo luật Quy hoạch mới thì ngành điện chỉ còn quy hoạch điện quốc gia và phần điện lực được tích hợp trong quy hoạch tỉnh. Mà cả 2 loại này đều do Thủ tướng phê duyệt. Trong khi đó, theo luật Điện lực thì để triển khai các dự án điện phải theo quy hoạch. Cho nên, hiện nay nếu một nhà đầu tư đề xuất 1 dự án thì liệu có cần bổ sung vào quy hoạch hay không cũng chưa rõ. Nếu cần bổ sung thì phải để Thủ tướng phê duyệt hay phân cấp cho bộ, hay là để địa phương… đều phải chờ hướng dẫn. Thế nên, trong gần 2 tháng qua, không có dự án nào được phê duyệt mới”, ông Vượng giải thích.
Kiến nghị Chính phủ cho hưởng giá điện mặt trời đến 2020
UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ cho kéo dài chính sách giá điện mặt trời tại Quyết định (QĐ) số 11-TTg đến năm 2020.
Theo Sở Công thương tỉnh Bình Thuận đến hết tháng 1.2019, trên địa bàn tỉnh có 90 dự án điện mặt trời với tổng công suất đăng ký đầu tư 5.347,72 MWp, tổng vốn đầu tư 137.106,85 tỉ đồng. Trong đó, 28 dự án đã được Thủ tướng và Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch bổ sung (trong số này 26 dự án được cấp quyết định đầu tư và đã khởi công, xây dựng – PV); 57 dự án đã được UBND tỉnh trình Bộ Công thương thẩm định bổ sung quy hoạch; còn 5 dự án khác, nhà đầu tư đang lập hồ sơ bổ sung quy hoạch.
Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Đỗ Minh Kính cho biết tất cả các dự án điện mặt trời vẫn đang “chạy đua” với QĐ số 11-TTg của Thủ tướng (về cơ chế khuyến khích và giá điện mặt trời). Bởi vì, QĐ số 11-TTg có hiệu lực đến 30.6.2019. Nếu triển khai sau thời điểm này thì các dự án không được hưởng chính sách từ quyết định trên. “UBND tỉnh Bình Thuận sẽ đốc thúc các dự án triển khai nhanh. Đồng thời kiểm soát chặt việc thay đổi chủ đầu tư, chuyển đổi, sang nhượng dự án. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các dự án điện mặt trời hiện nay của Bình Thuận không phải do thiếu vốn, mà là vướng titan. Những dự án này về nguyên tắc phải chờ điều chỉnh quy hoạch vùng dự trữ titan mới được phép tác động vào đất. Mặt khác, mốc thời gian 30.6.2019 là rất ngắn hạn. Hiện Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các dự án được hưởng chính sách từ QĐ số 11-TTg đến hết năm 2020”, ông Kính cho hay.
Nguồn: Báo Thanh Niên