Làm quen với cúp điện và hóa đơn điện tăng do Biến đổi khí hậu
Tin Tức Năng Lượng Tháng Một 16, 2016 News Energy
Nangluong.news – Cho tới giữa thế kỉ 21, biến đổi khí hậu có thể khiến hàng loạt nhà máy điện trên thế giới đối diện với nguy cơ thiếu hụt năng lượng và buộc các quốc gia phải tìm các nguồn năng lượng thay thế khác. Đó là kết luận của nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Nature Climate Change.
Cho đến nay, người ta thường xem các nhà máy điện là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Nhưng mặt khác, khi biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, chính các nhà máy này cũng bị tác động.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá tác động tiềm tàng của những đợt nóng ngày càng tăng cường về cả tần suất lẫn cường độ đối với 25.515 công trình thủy điện và 1.427 nhà máy nhiệt điện trên khắp thế giới. Nghiên cứu chỉ ra rằng, sản lượng điện từ 86% công trình thủy điện và 74% nhà máy nhiệt điện nêu trên sẽ bị cắt giảm đáng kể vào khoảng giữa thế kỉ, dẫn đến tăng hóa đơn dịch vụ và thường xuyên xảy ra cúp điện.
Theo nghiên cứu, cho đến giữa thế kỉ, các công trình thủy điện sẽ giảm tới 17% năng suất hàng năm và 30% năng suất theo tháng khi nguồn nước ngày càng cạn kiệt. Các nhà máy nhiệt điện cũng sẽ sụt giảm tới 12% năng suất cho đến giữa thế kỉ, mặc dù hơn 2/3 chỉ giảm 1/3 năng suất, không chỉ vì thiếu hụt nguồn nước mà còn do việc làm mát các nhà máy năng lượng trở nên khó khăn và đắt đỏ khi nước nóng lên.
Đây là những kết luận mới nhất kêu gọi sự quan tâm trước tác động của biến đổi khí hậu đối với các công trình năng lượng, đồng thời nhấn mạnh chính phủ và các công ty năng lượng còn bị động và quá ít chuẩn bị cho một tương lai nóng hơn.
Một nghiên cứu tương tự cùng được đăng tải trên Tạp chí Nature Climate Change vào năm ngoái cũng đã chỉ ra rằng hạn hán và các đợt nắng nóng tại miền Tây nước Mỹ có thể làm giảm sản lượng điện tới 8,8% vào khoảng giữa thế kỉ, theo kịch bản 10 năm hạn hán. Một nghiên cứu khác vào năm 2012 cũng trên Tạp chí này đã dự báo năng suất các nhà máy điện trong các tháng hè có thể giảm tới 19% tại Châu Âu và 16% tại Hoa Kỳ vào khoảng 2031-2060.
Đã và đang phải hứng chịu nạn khan hiếm nước và mất điện do hạn hán và các đợt nắng nóng, nhiều quốc gia đang phát triển đã bắt đầu xem xét lại nguồn năng lượng mà họ đang sử dụng. Tanzania hiện đang tái cân nhắc phương án năng lượng cho nền kinh tế khi hạn hán đã làm khô kiệt những dòng sông đang cung cấp nguồn nước cho thủy điện, từ đó lên kế hoạch chuyển đổi từ thủy điện (vốn đáp ứng 35% nhu cầu năng lượng) sang các nguồn năng lượng truyền thống hơn như nhiên liệu hóa thạch.
Nghiên cứu mới cũng đưa ra một vài khuyến nghị giúp đẩy lùi cuộc khủng hoảng năng lượng trong những thập kỷ tới. Theo đó, các tác động có thể được hạn chế nếu chức năng thích ứng khí hậu được quy định bổ sung cho các công trình, nếu sử dụng nước biển làm mát hệ thống sản xuất nhiệt điện thay vì nước ngọt, hay giảm bớt các nhiên liệu sử dụng nhiều nước để sản xuất như khí tự nhiên. Những rủi ro cũng có thể được giảm thiểu nhờ tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và quang năng.
Nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ cần tăng 10% hiệu quả của các nhà máy thủy điện – đặc biệt là các tuabin – là có thể hoàn toàn bù lấp những rủi ro từ biến đổi khí hậu. Thế nhưng với các nhà máy nhiệt điện, nếu chỉ tăng 20% hiệu quả thì vẫn là chưa đủ.
Hầu hết các công trình này sẽ được đầu tư tại các nước đang phát triển. Do đó, các biện pháp thích ứng càng trở nên cần thiết từ những bước đầu tiên.