Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Nangluong.news – Tại kỳ họp thứ 20, Hội đồng nhân dân thành phố khóa 8 diễn ra trong 4 ngày, từ 8 – 11/12/2015,... KỲ HỌP THỨ 20 HĐND TPHCM: Nhiều chuyển biến trong nghiên cứu khoa học gắn kết với nhu cầu thị trường

Nangluong.news – Tại kỳ họp thứ 20, Hội đồng nhân dân thành phố khóa 8 diễn ra trong 4 ngày, từ 8 – 11/12/2015, các đại biểu được nghe báo cáo về tình hình kinh tế – văn hóa – xã hội năm 2015 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2016; báo cáo công tác hoạt động của một số cơ quan, ban ngành; báo cáo thẩm tra tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố; kết quả giải quyết kiến nghị cử tri từ kỳ họp thứ 18 đến nay… Đặc biệt, đối với việc thực hiện các giải pháp phát triển khoa học và công nghệ, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã ghi nhận một số kết quả bước đầu khả quan.

Trung tâm thông tin khoa học và công nghệ TP.HCM ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ với doanh ngh

Trung tâm thông tin khoa học và công nghệ TP.HCM ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp

Thời gian qua, thành phố chú trọng đến việc gắn kết giữa nghiên cứu và nhu cầu của thị trường nhằm nâng cao tỷ lệ ứng dụng của đề tài, tăng cường đặt hàng trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng kết quả nghiên cứu, hỗ trợ đề tài sau nghiệm thu nhằm góp phần tích cực vào sự phát triển các lĩnh vực đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội – quốc phòng – an ninh. Giai đoạn 2011 – 2014, tỷ lệ ứng dụng thực tế của các kết quả nghiên cứu khoa học đạt trung bình khoảng 35,5%, trong đó năm 2014 đạt khoảng 39% (tăng so với chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2015 đạt 35%). Tiêu biểu các sản phẩm như: chip vi xử lý 8 bit RISC thương mại SG-8V1 là sản phẩm chip vi xử lý đầu tiên của Việt Nam được chính thức đưa ra thương mại có khả năng cạnh tranh về giá lẫn tính năng; máy vắt bã sắn VBS-14; công nghệ xử lý lục bình làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ; công nghệ sản xuất chế phẩm protein thủy phân và màng ruột sấy khô từ phế phẩm của quá trình chế biến vỏ bọc xúc xích…

Với chủ trương lấy doanh nghiệp làm trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất – chất lượng hỗ trợ chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, thành phố đã chỉ đạo triển khai một số các chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng KH&CN vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, cụ thể như:

– Phê duyệt chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2015 – 2020 nhằm thực hiện mục tiêu chung là đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực năng suất, chất lượng; tiết kiệm năng lượng và sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp nhà nước.

– Chương trình chế tạo thiết bị sản phẩm thay thế nhập khẩu: tổng số đề tài, dự án thực hiện trong giai đoạn 2014 – 2015 là 14 đề tài, dự án. Một số kết quả nổi bật của chương trình như sau: 100% đề tài, dự án đều có địa chỉ ứng dụng tại doanh nghiệp, trong đó 82,76% các đề tài, dự án thực hiện thuộc các ngành ưu tiên của thành phố như: cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, hóa dược và nhựa – cao su, năng lượng điện mặt trời, năng lượng tái tạo… Giá thành sản phẩm trung bình khoảng từ 30 – 80% so với giá sản phẩm nhập khẩu, có chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu và đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp ứng dụng sản phẩm. Trên 80% các đề tài, dự án đều xuất phát từ nhu cầu đổi mới công nghệ thiết bị, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp, theo đó doanh nghiệp đặt hàng đã được sử dụng thiết bị, dây chuyền với chất lượng tương đương thiết bị, dây chuyền ngoại nhập và giá thành hợp lý.

– Chương trình chế tạo robot công nghiệp: tổng số đề tài, dự án thực hiện trong giai đoạn 2014 – 2015 là 10 đề tài, dự án. Đây là chương trình mang tính tiên phong trong hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tiếp cận công nghệ cao trong các lĩnh vực điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin nhằm tiến tới làm chủ công nghệ tự động hóa trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Việc phát triển doanh nghiệp KH&CN sẽ làm nền tảng cho việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu KH&CN tại doanh nghiệp, đồng thời tăng cường sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học, nhà quản lý. Giai đoạn 2014 – 2015, thành phố đã cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho 8 doanh nghiệp. Đến nay, tổng số doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn thành phố là 22, các doanh nghiệp hầu hết đăng ký hoạt động thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin – truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, bảo vệ môi trường…

Thành phố cũng khai thác hiệu quả Quỹ phát triển KH&CN, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp trong quản lý và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Ngoài ra, chương trình “Vườn ươm sáng tạo KH&CN trẻ” đã và đang là môi trường thuận lợi để nâng cao và phát huy khả năng sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong thanh niên thành phố, là một giải pháp sáng tạo của riêng TP.HCM và là chương trình duy nhất trong cả nước hỗ trợ cho các nhà khoa học trẻ, các nhà nghiên cứu trẻ triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Hàng năm, chương trình thu hút hơn 150 đề tài đăng ký tham gia và đã góp phần không nhỏ vào quá trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao cho thành phố, đồng thời huy động lực lượng trí thức trẻ giải quyết các vấn đề KH&CN của thành phố.

Nghiên cứu khoa học ở Trường đại học bách khoa TP.HCM - Ảnh: T.L

Nghiên cứu khoa học ở Trường đại học bách khoa TP.HCM – Ảnh: T.L

Nguồn: Khoa Học Phổ Thông