Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Kinh nghiệm truyền thông đại chúng cho dự án điện hạt nhân đầu tiên Kinh nghiệm truyền thông đại chúng cho dự án điện hạt nhân đầu tiên
Trong khuôn khổ dự án hợp tác kỹ thuật VIE 2010, phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân – Pha 2 đã... Kinh nghiệm truyền thông đại chúng cho dự án điện hạt nhân đầu tiên
Trong khuôn khổ dự án hợp tác kỹ thuật VIE 2010, phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân – Pha 2 đã diễn ra hội thảo phát triển thông tin và truyền thông điện hạt nhân do Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức.
Giới thiệu mặt bằng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Giới thiệu mặt bằng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Bên lề hội thảo, ông Trần Văn Luyến, Ban Quản lý điện hạt nhân Ninh Thuận, đã chia sẻ những kinh nghiệm truyền thông đại chúng cho dự án điện hạt nhân đầu tiên.

– Xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn trong công tác truyền thông cho dự án điện hạt nhân trong giai đoạn đầu tiên?

Ông Trần Văn Luyến: Trước năm 2007, các hoạt động thông tin đại chúng liên quan đến điện hạt nhân được tiến hành chủ yếu bởi Viện Năng lượng nguyên tử thông qua các hội nghị, hội thảo, triển lãm dành cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các công ty và các tổ chức liên quan.

Sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thành chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 năm 2006, trong đó có nói đến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương.

Năm 2007, thành lập Ban chuẩn bị đầu tư dự án điện hạt nhân và năng lượng tái tạo thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm và triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền.

Đến năm 2008, thành lập văn phòng đại diện Ban chuẩn bị đầu tư tại Ninh Thuận, chịu trách nhiệm phối hợp với địa phương về công tác thông tin tuyên truyền tạo sự đồng thuận tối đa trong dân chúng.

Đến tháng 4/2011, thành lập Ban Quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận (tiền thân là Ban chuẩn bị đầu tư dự án điện hạt nhân và năng lượng tái tạo) phụ trách các vấn đề quan hệ quốc tế và quan hệ cộng đồng, trong đó tập trung vào cộng đồng địa phương và người dân sinh sống trong vùng dự án.

Đối tượng trong vùng dự án mang quan điểm, suy nghĩ của cộng đồng dân cư đa tôn giáo, nhiều sắc tộc nên để thuyết phục dân chúng, ngoài kiến thức chuyên môn còn cần nhiều kinh nghiệm truyền thông, nói trước đám đông, ứng xử và quan hệ công chúng.

Đặc biệt, sự hoài nghi, quay lưng với điện hạt nhân của số đông trong cộng đồng hay hơn 80% số người được hỏi đều lo ngại về sự cố hạt nhân, về rủi ro phóng xạ đối với sức khỏe con người và môi trường sống. Vì vậy, cách thức thông tin tuyên truyền quyết định sự thành công của dự án.

– Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm truyền thông thực tế đã thành công tại địa điểm triển khai dự án điện hạt nhân?

Ông Trần Văn Luyến: Kinh nghiệm truyền thông tại địa điểm xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được phân chia thành các nhóm, trong đó chú trọng đến nhóm người nhạy cảm như các chức sắc tôn giáo, nhân sỹ trí thức trong cộng đồng dân tộc Chăm… bởi họ có trách nhiệm, có tiếng nói và ảnh hưởng tới cộng đồng của họ, một tiếng nói của họ đáng trăm giờ thuyết trình của tuyên truyền viên.

Bên cạnh đó vẫn tuyên truyền đến các nhóm thông thường, hộ gia đình… Đáng chú ý, khi tuyên truyền tại địa điểm dự án phải nói tới mục tiêu cần phát triển điện hạt nhân, nguyên nhân chọn Ninh Thuận là nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, cũng như điện hạt nhân là gì và có ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường và con người hay không.

Điều đặc biệt quan tâm là việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận thì Ninh Thuận được gì hay quốc gia được gì khi xây dựng điện hạt nhân.

Thực tế việc truyền thông tại địa điểm dự án giai đoạn đầu khá vất vả, Ban Quản lý điện hạt nhân Ninh Thuận tổ chức tới 100 hội thảo “bỏ túi” nghĩa là chỉ với máy tính, màn chiếu để đến những nơi người dân cần thông tin và chưa hiểu điện hạt nhân tuyên truyền cho họ hiểu và ủng hộ.

Đặc biệt, trong quá trình truyền thông người dân vùng dự án mong muốn nhiều hơn những gì họ được hưởng về bồi thường, muốn nhiều lợi ích hơn, cũng như quan tâm đến ảnh hưởng của an toàn phóng xạ, môi trường và con cái họ có được tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực, làm việc cho nhà máy điện hạt nhân hay không…

Vì vậy, việc thông tin và truyền thông để người dân ủng hộ và hài hòa lợi ích rất quan trọng. Có thể nói đến thời điểm này, việc thông tin và truyền thông đã đạt kết quả bước đầu. Tuy nhiên việc thông tin và truyền thông phải thường xuyên, liên tục trong thời gian trước khi xây dựng, đang hoạt động và kể cả khi nhà máy dừng hoạt động.

Để công tác thông tin, tuyên truyền đạt hiệu quả, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020./.

Solarv Team