Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Ngày 27-2, tại Hà Nội, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã tổ chức họp báo công bố “Báo cáo kế... Khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển năng lượng tái tạo

Ngày 27-2, tại Hà Nội, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã tổ chức họp báo công bố “Báo cáo kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam” (phiên bản 2.0) với trọng tâm là năng lượng tái tạo.

Báo cáo lần này nhằm cập nhật tới Chính phủ, các cơ quan chức năng có liên quan, các nhà đầu tư tư nhân về những thay đổi nhanh chóng về nhu cầu điện năng và đưa ra các đề xuất phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam. Báo cáo lần này được hoàn thành nhờ sự nỗ lực của tập thể các thành viên VBF với vai trò là một kênh đối thoại chính sách cấp cao giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm 15 hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Trước đó, ấn bản đầu tiên “Kế hoạch Năng lượng sản xuất tại Việt Nam (MVEP)” (phiên bản 1.0) đã hoàn thành trong giai đoạn 2016 – 2017. Tuy nhiên, trong bối cảnh năng lượng tái tạo tại Việt Nam phát triển nhanh chóng và khả năng tăng sử dụng khí trong sản xuất điện, VBF đã cập nhật và sửa đổi báo cáo này hoàn chỉnh và sát với thực tế hơn.

Phát biểu tại buổi họp báo, bà Virginia Foote, đại diện Liên minh VBF, cho biết, trong khi năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và trở nên bức thiết đã đặt ra yêu cầu khai thác nguồn năng lượng tái tạo, sạch, an toàn để thay thế. Việc làm này còn có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ môi trường sống. Do đó, các cơ quan chức năng nên khuyến khích việc sử dụng hệ thống pin mặt trời trên các tầng mái, thậm chí có thể lan tỏa thành các phong trào rộng khắp trong cộng đồng xã hội.

Theo ông Rockhold, Trưởng nhóm nghiên cứu điện và năng lượng (VBF), Việt Nam có nhiều tiềm năng về nước, gió và năng lượng mặt trời để phát triển điện sạch. Cơ hội để xây dựng nhà máy khí và pin cho điện tái tạo là rất khả thi. Cũng đã có nhiều nhà đầu tư rất quan tâm tới lĩnh vực này. Cơ bản là cần những cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích và thúc đẩy họ từ chỗ chỉ quan tâm sang hiện thực hóa thành các quyết định đầu tư.

“Thực tế cho thấy, khối tư nhân có thể thực hiện được nhiều việc đối với các dự án năng lượng và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Sau khi biểu giá bán điện FiT được ban hành vào tháng 9-2016, khối tư nhân đã lắp đặt được xấp xỉ 5,2 GW năng lượng mặt trời. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai khi việc chuyển sang sử dụng khí như một phụ tải nền để hỗ trợ hàng chục các dự án năng lượng tái tạo được đề xuất. Do đó, hơn lúc nào hết, thúc đẩy hợp tác đối tác công tư trong phát triển năng lượng tái tạo là việc làm cần thiết ở thời điểm này” – ông John Rockhold nói.

Theo đánh giá của VBF, nhu cầu sử dụng điện đang ngày càng tăng cao và việc hoàn thiện hệ thống truyền tải điện cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt, trong khi đó, nguồn lực của Nhà nước lại có hạn. Vì thế, rất cần động lực để thúc đẩy hợp tác đối tác công tư. Qua đó, đề cao hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong các khâu như quản lý, phân phối giá bán lẻ hợp lý…

Báo cáo lần này của VBF đưa ra 6 khuyến nghị cơ bản để phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, bao gồm:

Thứ nhất, khuyến khích các chuyên gia năng lượng trong khu vực tư nhân tham gia hỗ trợ xây dựng Tổng Sơ đồ Điện VIII, trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, khí, pin lưu trữ và sử dụng hiệu quả năng lượng. Trừ lĩnh vực pin lưu trữ mới trở thành giải pháp có chi phí phải chăng trong thời gian gần đây, khuyến nghị này phản ánh các mục tiêu đã được nêu trong Báo cáo – phiên bản 1.0 trước đây.

Thứ hai, thực hiện các quy định pháp luật và các ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư tư nhân phát triển các dự án năng lượng tái tạo có quy mô lớn và nhỏ, chẳng hạn như điện mặt trời áp mái, pin lưu trữ, trang trại điện mặt trời, điện mặt trời nổi, điện gió ngoài khơi và trên bờ, điện sinh khối; đơn giản hoá quy trình phê duyệt dự án trong khi vẫn duy trì các hệ thống điện an toàn.

Thứ ba, chuẩn hóa Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) và Hợp đồng mua bán điện (PPA) thành hợp đồng có khả năng được chấp nhận cấp vốn quốc tế, được sử dụng toàn cầu cũng như tại các nước ASEAN.

Thứ tư, công bố lộ trình giá bán lẻ điện đến năm 2025, trong đó cần phản ánh sự dịch chuyển theo hướng định giá theo thị trường, điều chỉnh số giờ áp giá điện đỉnh và cân nhắc áp dụng biểu giá bán lẻ khác nhau cho các khu vực khác nhau và các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Thứ năm, đánh giá nhu cầu cấp thiết về phát triển hệ thống lưới truyền tải và cách thức phát triển hạ tầng lưới điện có chi phí thấp nhất nhằm hỗ trợ cho lượng điện năng lượng tái tạo và nguồn điện truyền tải gia tăng.

Thứ sáu, đánh giá nguyên nhân và giải pháp cho cường độ sử dụng năng lượng rất cao và ngày càng tăng so với các nước láng giềng khu vực có GDP bình quân đầu người tương đương hoặc cao hơn và chuẩn bị chiến dịch tuyên truyền cộng đồng về tránh lãng phí năng lượng ở cấp độ dân cư, văn phòng và nhà máy sản xuất.

Nguồn: ĐTTCO