Khánh Hoà: Khởi sắc từ dự án cấp điện nông thôn
Năng Lượng Mặt TrờiNăng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng Một 11, 2019 Năng Lượng News
Vừa qua, Đại diện Liên minh châu Âu, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức và Bộ Công thương Việt Nam đã kiểm tra Dự án Cấp điện nông thôn tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra thì từ khi dự án cấp điện nông thôn nói trên đi vào hoạt động không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa người dân mà còn làm cho kinh tế xã hội nhiều vùng dân cư khởi sắc .
Trước đó, trong khuôn khổ hợp tác giữa Liên minh châu Âu và Chính phủ Việt Nam, hai bên đã thông qua chương trình Định hướng hỗ trợ đa niên cho Việt Nam trong giai đoạn 2014-2020 về phát triển năng lượng bền vững và một trong những nội dung quan trọng của phát triển năng lượng bền vững chính là phát triển năng lượng tái tạo. Do đó, trong đợt công tác tại Khánh Hòa, Bộ Công thương và Liên minh châu Âu rất quan tâm đến việc triển khai thực hiện các dự án về phát triển năng lượng tái tạo cũng như cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo tại địa phương.
Đại diện liên minh Châu Âu trao đổi với đại diện Bộ Công thương Việt Nam về Dự án Cấp điện nông thôn
Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2015-2020 (gọi tắt là dự án 2081) được phê duyệt theo Quyết định số 11821/QĐ-BCT ngày 30-10-2015 của Bộ Công thương và do Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư là 146.322.161.744 đồng. Trong đó, 85% từ ngân sách Trung ương và 15% còn lại do EVNCPC thu xếp. Dự án được triển khai trên địa bàn 56 xã thuộc 5 huyện của tỉnh Khánh Hòa có quy mô 49 trạm biến áp với tổng công suất 4.043kVA; 22 km đường dây trung áp; 175km đường dây hạ áp; phần công tơ và nhánh rẽ cấp điện cho khoảng 7.140 hộ dân.
Dự án 2081 có thời gian triển khai là 5 năm (2015 – 2020) chia làm 3 giai đoạn thực hiện: giai đoạn 1 tại huyện Cam Lâm, giai đoạn 2 tại huyện Diên Khánh và giai đoạn 3 tại 02 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa. Tại huyện Cam Lâm, dự án 2081 có quy mô 8,8 km đường dây trung áp; 76,3km đường dây hạ áp; 18 trạm biến áp với tổng công suất 2.777,5kVA; lắp đặt công tơ, dây dẫn sau công tơ và mạng điện trong nhà cho 2.169 hộ dân với tổng số vốn đầu tư là 64,9 tỉ đồng.
Dự án được EVNCPC giao Ban quản lý dự án Điện nông thôn miền Trung quản lý và được khởi công từ giữa tháng 10-2016, chỉ sau hơn 2 tháng thi công đã hoàn thành đóng điện. Trong quá trình triển khai dự án trên địa bàn huyện Cam Lâm, PC Khánh Hòa đã phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA Điện nông thôn khu vực Miền Trung, đơn vị thi công và đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, quan hệ tốt với chính quyền địa phương xã, huyện để công trình triển khai nhanh, hoàn thành đúng tiến độ.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trường Bộ Công Thương, đánh giá cao nổ lực triển khai và hoàn thành đúng tiến độ dự án cấp điện nông thôn tại huyện Cam Lâm của tập thể CBCNV ngành điện miền Trung nói chung và Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (PC Khánh Hòa) nói riêng. Ngoài ra, ông Vượng cho rằng huyện Cam Lâm là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng điện mặt trời, một số dự án đang triển khai tại đây sẽ là điều kiện thuận lợi giúp người dân được sử dụng năng lượng sạch và rẻ, đồng thời còn có thể bán lại cho ngành điện nguồn điện không sử dụng hết. Đây cũng là giải pháp mà ngành Điện đang hướng đến nhằm khắc phục tình trạng thiếu điện cho sản xuất.
Nhờ có điện việc chăn nuôi phát triển kinh tế nông thôn gặp nhiều thuận lợi
Một trong những quan tâm của phái đoàn EU là việc đấu nối lưới điện và tổ chức giám sát tình hình sử dụng điện tại khu vực nông thôn. Khi được biết Điện lực Cam Lâm đã hoàn thành 100% việc triển khai lắp đặt hệ thống thu thập dữ liệu công tơ từ xa (RF-Spider) nên có thể quản lý tốt lưới điện tại địa phương, ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam rất hài lòng. Ông cũng tỏ ra ngạc nhiên và thú vị với thực tế tại những vùng sâu, vùng xa của Việt Nam cũng có đầy đủ trạm y tế, có trường học, có hệ thống điện, có nước sạch phục vụ cuộc sống của nhân dân.
Ông Nguyễn Trí Tuân, Phó Chủ tịch huyện Cam Lâm phấn khởi cho biết: Được sự quan tâm của Trung ương và ngành điện, từ năm 2016 tại huyện Cam Lâm có khoảng hơn 6.000 hộ dân của 22 thôn, tổ dân phố thuộc 13 xã, thị trấn đã được thụ hưởng lợi ích từ dự án 2081. Trước đây, tại các khu vực chưa có lưới điện hoàn chỉnh thì chất lượng cấp điện không ổn định, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển kinh tế và sinh hoạt của nhân dân.
Theo ông Tuân, từ khi hoàn thành dự án 2081 tại huyện Cam Lâm, lưới điện đi đến đâu thì hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đến đó, chất lượng cấp điện tốt hơn, đời sống bà con được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt là các cơ sở sản xuất kinh doanh của người dân gặp nhiều thuận lợi, nguồn điện được cung cấp đến tận các cơ sở sản xuất dẫn đến giá thành sản phẩm ổn định.
Ông Mai Xuân Hùng, một người dân đang sinh sống tại huyện Cam Lâm cho biết: Trước đây khi chưa có dự án thì điện rất yếu, do đó việc trồng trọt và chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Đàn heo của gia đình tôi lúc đó chỉ có vài trăm con. Chi phí mua dầu chạy máy nổ để sưởi ấm đàn heo con rất tốn kém. Từ khi có dự án, dòng điện mạnh, ổn định, chi phí tiền điện cũng thấp hơn rất nhiều so với chạy dầu nên đàn heo hiện nay đã tăng lên 2000 con, việc trồng trọt gặp nhiều thuận lợi, kinh tế gia đình phát triển hơn.
Nguồn: Báo Văn Hóa