Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Nangluong.news – Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Bộ Công Thương phối hợp với... Hội thảo APEC về các thông lệ tốt đối với phát triển năng lượng gió

Nangluong.news – Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức “Hội thảo APEC về các thông lệ tốt đối với phát triển năng lượng gió”, trong hai ngày 4 và 5/10, tại Hà Nội.

1

Đây là sự kiện tiếp nối các chuỗi sự kiện thúc đẩy hợp tác APEC về năng lượng gió mà Việt Nam đã tổ chức trong các năm 2013 và 2015. Hội thảo là điều kiện thuận lợi để các chuyên gia, đại diện các nền kinh tế thành viên APEC thảo luận, trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và các thông lệ tốt trong quá trình thúc đẩy hợp tác về phát triển năng lượng gió trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hội thảo cũng hướng tới việc xây dựng các khuyến nghị chính sách thiết thực cho APEC, trên cơ sở báo cáo tổng kết của các nghiên cứu hiện trạng (case studies) tại bốn thành viên APEC: New Zealand, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam, đã được các chuyên gia thực hiện trong thời gian qua. Kết quả của hội thảo sẽ là đóng góp hữu ích, thiết thực cho các diễn đàn liên quan đến hợp tác năng lượng của APEC trong thời gian tới.

Có thể thấy rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ trên thế giới nói chung và trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng, nhu cầu về sử dụng năng lượng đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như các nhu cầu khác về an sinh xã hội. Trong khi nhu cầu tiêu dùng năng lượng của nhân loại là vô hạn thì các nguồn tài nguyên thiên nhiên lại hữu hạn và khả năng tái sinh của chúng đòi hỏi thời gian rất dài, có khi lên tới hàng triệu năm (ví dụ như than đá, dầu mỏ v.v.), cộng thêm giá thành đắt đỏ của các nguồn năng lượng khó tái sinh.

Trong bối cảnh đó, nhằm duy trì và phát triển cuộc sống, con người phải kiếm tìm những nguồn năng lượng có khả năng tái tạo nhanh chóng hoặc ngay lập tức như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng nước và năng lượng sinh học v.v. Đây là những loại hình năng lượng dễ kiếm, tái tạo nhanh chóng và đặc biệt là rất sạch và bền vững, không gây nguy hại tới môi trường sinh thái với giá thành thấp hơn. Những lý do nêu trên đã khiến một trong những loại hình năng lượng tái tạo quan trọng là năng lượng gió ngày càng đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế an toàn, bền vững cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên thế giới và tại các khu vực.

Xét khía cạnh an ninh năng lượng, năng lượng gió là nguồn năng lượng khổng lồ tại chỗ, luôn luôn sẵn sàng, không tốn chi phí nhiên liệu, không mang các rủi ro địa – chính trị, không phụ thuộc nhiên liệu nhập khẩu với giá cả thất thường và từ các vùng bất ổn. Điều này lại càng quan trọng đối với các nền kinh tế APEC đang phát triển, vốn có hạn chế về nguồn lực kinh tế. Thực tế thời gian qua, năng lượng gió là nguồn năng lượng phát triển nhanh nhất với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm xấp xỉ 29% trên phạm vi toàn cầu.

Mặc dù năng lượng gió có nhiều ưu thế như vậy, song ở các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam, năng lượng gió lại là lĩnh vực tương đối mới, chưa phát triển và chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong tổng cung năng lượng của nền kinh tế, dù vị thế địa lý của các nền kinh tế APEC được thiên nhiên ưu đãi về nguồn năng lượng này. Ví dụ, nếu xét tiêu chuẩn để xây dựng các trạm điện gió cỡ nhỏ phục vụ cho phát triển kinh tế ở những khu vực khó khăn thì Việt Nam có tới 41% diện tích nông thôn có thể phát triển điện gió loại nhỏ. Nếu so sánh con số này với các nước láng giềng thì Campuchia có 6%, Lào có 13% và Thái Lan là 9% diện tích nông thôn có thể phát triển năng lượng gió. Tuy nhiên, lợi thế địa lý này cho tới nay, vẫn chưa được tận dụng một cách triệt để và hiệu quả.

Nguyên nhân của tình trạng này là do đa số nền kinh tế đang phát triển trong khu vực APEC đều có chung đặc điểm là sự thiếu và yếu của cơ sở hạ tầng và kiến thức chuyên môn, sự nghèo nàn về kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình quản lý và vận hành bộ máy hoạt động, sự hạn chế của các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực về công nghệ và tài chính. Hơn nữa, do phụ thuộc nhiều vào điều kiện thiên nhiên nên năng lượng gió mang tính bất ổn cao; chi phí đầu tư, duy tu, bảo dưỡng thiết bị lớn và chưa phổ biến; chuỗi cung ứng trên thị trường, phục vụ việc sản xuất nguyên liệu đầu vào và phát triển thương mại về năng lượng gió còn gặp nhiều bất cập v.v. Thực tế này đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho các thành viên APEC, đặc biệt là các thành viên đang phát triển trong quá trình thúc đẩy phát triển năng lượng gió.

Mục tiêu chung của hợp tác APEC trong lĩnh vực năng lượng là nhằm hướng tới giảm 45% cường độ sử dụng năng lượng trong khu vực vào năm 2035 và tăng gấp đôi tỷ lệ các loại hình năng lượng tái tạo trong tổng số năng lượng trong APEC vào năm 2030 theo chỉ đạo của các nhà lãnh đạo APEC tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 22, Bắc Kinh, Trung Quốc. Theo đó, những năm gần đây, APEC đã và đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác sôi nổi, thiết thực và hiệu quả, hướng tới mục tiêu chung này của khu vực.

Với sự tham gia của đông đảo học giả, các nhà hoạch định chính sách, đại diện các doanh nghiệp và tổ chức, hiệp hội trong và ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các thông lệ tốt về phát triển năng lượng gió sẽ được chia sẻ, thảo luận nhằm đưa ra nhiều sáng kiến, khuyến nghị thực sự có ý nghĩa nhằm tối đa hóa hiệu quả của hợp tác chính sách thông qua việc xác định những rào cản đối với lĩnh vực năng lượng gió và đề xuất các giải pháp chính sách cho hợp tác APEC trong thời gian tới. Kết quả của hội thảo sẽ được báo cáo lên các diễn đàn liên quan của APEC nhằm sớm biến định hướng chính sách thành hiện thực.

Nguồn: Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương