Google phủ sóng internet toàn cầu bằng khinh khí cầu
Pin Năng Lượng Mặt TrờiTin Tức Năng Lượng Tháng mười một 4, 2015 News Energy
Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Google tin rằng họ sẽ sản xuất kịp tiến độ để đưa khinh khí cầu vào tầng bình lưu, phủ sóng internet một phần Trái đất trong năm sau, BBC đưa tin.
Những chiếc khinh khí cầu này của Google sẽ mang sứ mạng phủ sóng internet toàn cầu trong năm sau – Ảnh: Google |
Ban đầu, thiết bị trên khí cầu này chỉ có thể cung cấp đường truyền internet tương đương 3G, nhưng giờ đây nó có thể cung cấp đường truyền tốc độ lên đến 10 Mbit/giây cho các thiết bị sử dụng ăng-ten trên mặt đất.
Bên dưới các khí cầu này được lắp hai thiết bị thu phát sóng radio để thu phát dữ liệu, kèm theo đó là một radio dự phòng, một thiết bị định vị GPS và máy tính cho chuyến bay, một hệ thống điều khiển độ cao để di chuyển khí cầu tìm luồng gió thích hợp đưa nó đến vị trí mong muốn, và cuối cùng là pin năng lượng mặt trời.
“Ban đầu, khí cầu chỉ bay được 7 đến 10 ngày, nhưng giờ chúng tôi đã có những quả bay được đến 187 ngày”, Mike Cassidy, Phó chủ tịch dự án Loon cho biết.
“Chúng tôi cũng đã cải tiến quy trình thả khí cầu. Ban đầu cần có 14 người để thả trong 1 đến 2 giờ, tuy nhiên hiện tại với một trục tự động, chúng tôi có thể thả một quả khí cầu trong 15 phút mà chỉ cần 2 hoặc 3 người”, ông chia sẻ thêm.
“Chúng tôi cần khoảng 300 khí cầu hoặc hơn để tạo một vòng mạng liên tiếp vòng quanh Trái đất. Khi một khí cầu bay theo gió ra khỏi quỹ đạo, một quả khác sẽ bay vào thế chỗ nó. Chúng tôi hy vọng năm sau sẽ tạo được vòng mạng liên tục đầu tiên trên thế giới và có thể phủ sóng thông suốt ở một số khu vực nhất định. Và nếu mọi thứ ổn, chúng tôi sẽ bắt đầu thử nghiệm dịch vụ này cho khách hàng thương mại”, Mike Cassidy nói.
Ngoài dự án Loon, Google cũng đang phát triển một dự án khác mang tên Titan, sử dụng máy bay không người lái chạy bằng năng lượng mặt trời để phát internet đến những vùng không được kết nối trên thế giới. Được biết, Facebook cũng đang phát triển một dự án tương tự bằng thiết bị bay không người lái.
Hoàng Uy