Giá dầu và năng lượng xanh P2: Luôn rẻ hơn dầu
Năng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng chín 29, 2015 News Energy
Chi phí sản xuất điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo đã đạt mức tương đương hoặc thấp hơn chi phí nhiên liệu hóa thạch ở nhiều nơi trên thế giới, theo một báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế (IRENA).
Giảm 40% trong vài năm
Báo cáo của IRENA mang tên “Chi phí sản xuất năng lượng tái tạo năm 2014” cho biết điện sinh học, thủy điện, địa nhiệt và điện gió trên đất liền đều rất cạnh tranh hoặc rẻ hơn than đá, dầu và các nhà máy điện khí đốt, cho dù không có hỗ trợ tài chính và bất chấp giá dầu giảm. Báo cáo đã được công bố tại hội nghị hàng năm của IRENA ở Abu Dhabi trong tháng 1.
Quang điện mặt trời (PV) đang dẫn đầu xu hướng sụt giảm chi phí, với lắp điện năng lượng mặt trời trên mỗi mô-đun PV giảm tới 75% kể từ cuối năm 2009, chi phí sản xuất điện từ năng lượng mặt trời trên quy mô nhà máy cũng giảm 50% kể từ năm 2010. Một báo cáo khác do Deutsche Bank công bố trong tháng 1 dự báo các chi phí tạo ra điện năng từ năng lượng mặt trời sẽ giảm 40% trong vòng 3-4 năm tới. Deutsche Bank cũng dự báo chi phí sản xuất năng lượng mặt trời trên mái nhà sẽ đánh bại chi phí sản xuất năng lượng từ nhà máy điện chạy than và dầu chỉ trong vòng 2 năm.
Chưa bao giờ chi phí để tránh biến đổi khí hậu nguy hiểm, tạo việc làm và giảm các hóa đơn nhập khẩu nhiên liệu lại rẻ như hiện nay. Những gói thầu năng lượng mặt trời gần đây cho thấy ngay cả khi dầu chỉ còn 10USD/thùng và khí đốt còn 5USD/MMBTU, năng lượng mặt trời vẫn là một lựa chọn rẻ hơn. “Ông Amin – Tổng giám đốc IRENA“
Adaba Sultan Ahmed al Jabber, Quốc vụ khanh của United Arab Emirates, cho biết trong một bài phát biểu tại hội nghị hồi tháng 1 rằng xu hướng chi phí của ngành năng lượng mặt trời sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc giá dầu lao dốc. Ông Al Jaber nói các khoản đầu tư vào hoạt động khai thác năng lượng sạch trên thế giới đã tăng 16% trong 12 tháng qua lên 310 tỷ USD.
Trong khi đó, sản lượng điện của các tuabin gió và tấm thu năng lượng mặt trời tăng 26% trong cùng kỳ, đạt khoảng 100.000MW. Theo ông Al Jaber, năng lượng tái tạo vốn được coi là dạng năng lượng thay thế đắt đỏ, song đã dần trở nên cạnh tranh hơn do chi phí khai thác giảm mạnh và công nghệ ngày càng phát triển.
Ông cũng cho rằng giá dầu giảm là cơ hội để các nước cắt giảm trợ cấp nhiên liệu – đã lên tới khoảng 550 tỷ USD trong năm 2013 tính trên quy mô toàn cầu. Bên cạnh đó, phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời, gió và các nguồn năng lượng khác, là rất cần thiết để đáp ứng mục tiêu cắt giảm lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới.
Adnan Amin, Tổng giám đốc IRENA, cho biết các dự án năng lượng tái tạo trên toàn thế giới hiện nay có hiệu quả về chi phí tương đương hoặc cao hơn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt khi tính các yếu tố bên ngoài như ô nhiễm tại địa phương, thiệt hại về môi trường và sức khỏe cộng đồng.
“Cuộc chơi đã thay đổi. Giá năng lượng tái tạo giảm mạnh tạo ra một cơ hội lịch sử để xây dựng một hệ thống năng lượng sạch và bền vững để ngăn chặn biến đổi khí hậu một cách hợp lý” – ông Amin nói. Những phát hiện chính trong báo cáo IRENA bao gồm các chi phí trung bình cho năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời. Giá panel năng lượng mặt trời đã giảm 75% kể từ năm 2009, và dự kiến sẽ tiếp tục giảm. Việc lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời hộ gia đình hiện nay rẻ hơn tới 70% so với năm 2008.
Từ năm 2010 đến cuối năm 2014, chi phí phát triển năng lượng mặt trời quy mô nhà máy giảm đến 65%. Chi phí trung bình của năng lượng gió trong khoảng từ 0,06USD/kWh ở Trung Quốc và châu Á, đến 0,09USD/kWh ở châu Phi. Bắc Mỹ cũng có những dự án điện gió cạnh tranh, với mức chi phí trung bình 0,07USD/kWh, cá biệt một số dự án có chi phí chỉ 0,04USD/kWh.
Các dự án năng lượng mặt trời ở quy mô nhà máy cạnh tranh nhất hiện nay có chi phí 0,08USD/kWh không cần hỗ trợ tài chính từ chính phủ và trong tương lai giá có thể thấp hơn nhờ các nhà cung cấp năng lượng mặt trời có thể tiếp cận được nguồn tài chính rẻ hơn.
Không lo dầu 10USD/thùng
Tương tự IRENA, một trong những ngân hàng lớn nhất ở Trung Đông và các nước Vùng Vịnh giàu dầu mỏ cho rằng nhiên liệu hóa thạch không thể cạnh tranh với công nghệ năng lượng mặt trời về mặt giá cả. Báo cáo của Ngân hàng Quốc gia Abu Dhabi (NBAD) tin rằng trong tương lai các khoản đầu tư sẽ được thay thế gần như hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo.
Báo cáo cho biết các khu vực Vùng Vịnh, Trung Đông và Bắc Phi sẽ cần thêm 170GW điện trong thập niên tới và cách rẻ nhất, hiệu quả nhất là thông qua năng lượng mặt trời và gió. Giá cả không còn là vấn đề đối với ngành năng lượng tái tạo. NBAD nói sự gián đoạn của gió và năng lượng mặt trời không phải là một vấn đề, trong khi lưu ý nguồn nhiên liệu hóa thạch là hữu hạn và ngày càng khó tiếp cận, các chính phủ có xu hướng muốn củng cố an ninh năng lượng sẽ muốn giảm phụ thuộc vào biến động của giá dầu. Xu hướng chung của thế giới cũng là giảm carbon trong nền kinh tế để đáp ứng với vấn đề khí hậu và ô nhiễm.
Báo cáo của NBAD rất được chú ý vì nó đến từ một ngân hàng hàng đầu trong Vùng Vịnh, một khu vực giàu dầu mỏ nhất thế giới, và nhu cầu về năng lượng cũng đang tăng chóng mặt, có thể vượt qua khả năng sản xuất nội địa, khiến các nước như Kuwait và UAE có thể trở thành những nhà nhập khẩu năng lượng thay vì xuất khẩu như trước đây. Báo cáo là sự hợp tác của NBAD với Masdar (cơ quan năng lượng tái tạo của chính quyền Abu Dhabi), Đại học Cambridge và PwC.
Báo cáo cho biết điện năng từ PV và gió đã được nối với lưới điện ở nhiều khu vực, và dự báo sẽ có mặt ở 80% thị trường thế giới trong vòng 2 năm tới. Dẫn chứng về chi phí rẻ của năng lượng mặt trời, báo cáo cho biết Công ty ACWA Power của Saudi Arabia vừa thắng gói thầu 200MW trị giá 23 tỷ USD ở Dubai, với chi phí cam kết chỉ 0,0584USD/kWh, không cần sự hỗ trợ của chính phủ, là mức giá rẻ nhất trên thế giới hiện nay ở quy mô nhà máy.
Mức giá này hiện thấp hơn 1/3 so với các nhà máy điện chạy bằng khí đốt và ACWA tin rằng chi phí sẽ tiếp tục giảm. Hiện nay nhiều vùng ở Saudi Arabia và các nước Vùng Vịnh phải dựa vào các nhà máy điện chạy bằng dầu và khí đốt để cung cấp điện. Báo cáo nhấn mạnh nhiều cơ hội đầu tư dài hạn, đặc biệt là công nghệ lưu trữ và năng lượng mặt trời tập trung. Theo đó, các công nghệ này hiện đang ở phía sau năng lượng mặt trời và năng lượng gió trên bờ nhưng đang nhanh chóng bắt kịp.
Theo: Đầu tư Sài Gòn