Gánh nặng bệnh tật từ ô nhiễm không khí
Tin Tức Năng Lượng Tháng tám 5, 2017 News Energy
Nangluong.news – Người dân Việt Nam đang phải chịu nhiều ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí, trong khi tại các dự án lại chưa thực hiện đánh giá tác động sức khỏe. Đặc biệt, nhiều người dân đang bị ảnh hưởng sức khỏe từ những nhà máy nhiệt điện than..
Nhiệt điện than- nguồn bụi khổng lồ
Tại Hội thảo “Ảnh hưởng ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng” được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, TS. BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) nhận định: Trong thời gian qua, nguồn ô nhiễm như các nhà máy sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng, phương tiện xây dựng và đặc biệt là nguồn ô nhiễm từ nhà máy nhiệt điện chạy than liên tục tăng. “Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm 40 nhà máy nhiệt điện than. Trong khi đó, báo cáo của nhóm nghiên cứu của trường Đại học Harvard về gánh nặng bệnh tật do nhiệt điện than tại Đông Nam Á đã ước tính rằng số ca tử vong sớm ở Việt Nam do ô nhiễm nhiệt điện than sẽ tăng từ 4.300 ca ở năm 2011 lên thành 15.700 ca vào năm 2030”, ông Tuấn nói.
Một địa phương được ông Tuấn đưa ra ví dụ là trường hợp xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Xã này nằm cách Nhà máy nhiệt điện than Ninh Bình 14km về phía Tây Nam và ở gần nhiều nhà máy sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng khác do đó có đến 70% người dân trên 65 tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi qua khám lâm sàng được phát hiện mắc các bệnh về hô hấp và tim mạch. Nghiên cứu của Trung tâm RTCCD cũng chỉ ra rằng, ở xã này trung bình hàng năm có 97 người chết, trong đó có 39 người chết do ung thư.
Ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cũng chỉ ra mức độ ô nhiễm của các nhà máy nhiệt điện than. Hiện có một số nhà máy nhiệt điện than mới được xây dựng có lắp bộ lọc tĩnh điện và xử lý được 99,7% lượng bụi và chỉ còn khoảng 0,25% tương đương với 7,7 tấn bụi/ngày đêm từ nhà máy này bay ra ngoài không khí. Như vậy, đối với những nhà máy nhiệt điện ở Ninh Bình và Phả Lại (Quảng Ninh) không có bộ lọc tĩnh điện thì lượng bụi sẽ bay ra ngoài không khí lớn gấp nhiều lần. Đồng thời, từ nay đến năm 2030 sẽ sản xuất 40.000 MW nhiệt điện than tương đương với 40 nhà máy nhiệt điện than được xây dựng thì lượng bụi thải ra không khí cũng sẽ rất lớn. Trong khi đó, từ nay đến năm 2020 Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 85 triệu tấn than/năm từ Indonesia, Australia… Do đó, Nhà nước và các doanh nghiệp cần phải khống chế chất lượng than nhập khẩu để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam.
Theo báo cáo Hiện trạng Môi trường quốc gia năm 2016 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố vừa qua, ô nhiễm môi trường không khí gây ra tình trạng xung đột giữa doanh nghiệp gây ô nhiễm với dân cư liền kề. Căng thẳng này thường do các doanh nghiệp gây ô nhiễm thuộc các lĩnh vực như nhiệt điện, sản xuất xi măng, chế biến thủy, hải sản hoặc các doanh nghiệp sử dụng nhiều hóa chất độc hại. Những doanh nghiệp này có vị trí gần với các khu đô thị, thậm chí nằm trong các khu vực đô thị đã gây ra tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới chất lượng môi trường và sức khỏe người dân.
Cần có đánh giá tác động sức khỏe
GS. Lê Vũ Anh, Chủ tịch Hội Y tế công cộng cho biết: Hiện tất cả các dự án của Việt Nam đều có đánh giá tác động môi trường nhưng hầu như không có đánh giá tác động sức khỏe hoặc có đánh giá cũng rất sơ sài. Trong khi đó, các dự án cần phải có đánh giá tác động sức khỏe để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân sống xung quanh dự án. Theo ông Anh, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đánh giá tác động sức khỏe, nhưng việc này chưa được đưa vào hệ thống pháp luật của Nhà nước do đang trong quá trình xây dựng. Ngoài ra, sau khi đánh giá tác động sức khỏe được đưa vào hệ thống pháp luật thì cần phải một thời gian dài mới thực hiện được việc này.
Theo bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Tổ chức Live Learn, hiện ô nhiễm không khí đang là vấn đề cần ưu tiên xử lý hàng đầu nhưng các cơ quan chức năng chưa quan tâm đến vấn đề này. Bà Nguyệt đưa ví dụ, khi Tổ chức Live Learn công bố chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội nhưng chỉ có một số trường học quốc tế và Đại sứ quán Mỹ đưa ra cảnh bảo và hướng dẫn người dân bảo vệ bản thân khi ô nhiễm không khí.
TS Ngô Văn Toàn- Tổng hội Địa chất Việt Nam cũng khẳng định, ô nhiễm không khí là vấn đề lớn và ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, do đó Nhà nước phải trưng cầu ý kiến người dân khi xây dựng nhà máy nhiệt điện than. Theo ông Toàn, việc nhập công nghệ sản xuất nhiệt điện lạc hậu của các nước trên thế giới đã gây ra ô nhiễm không khí.
Về giải pháp lâu dài cho nguồn điện, theo ông Trần Đình Sính, Việt Nam có thể sử dụng năng lượng mặt trời ở khu vực miền Trung và năng lượng gió để sản xuất điện nhằm giảm ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn điện từ năng lượng mặt trời. Ông Sính cho biết, vừa qua Chính phủ đã đưa ra mức giá 2.000 đồng/MW điện mặt trời trong thời gian từ tháng 6/2017 đến tháng 6/2019, nhưng hết thời gian này thì chưa có chính sách cụ thể, nên nhiều doanh nghiệp kêu khó. Bởi Việt Nam chưa có quy hoạch vùng sản xuất điện mặt trời chỉ có một số vùng nhỏ lẻ, nếu doanh nghiệp đi mua đất, chuyển quyền sử dụng đất cũng phải mất một năm và mất thêm một năm để xin đấu nối đường dây với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Mặc dù, giá điện mặt trời của Việt Nam rẻ hơn các nước trên thế giới nhưng lại chưa giải quyết được những khó khăn cho doanh nghiệp… Còn đối với năng lượng gió thì doanh nghiệp vẫn ít doanh nghiệp mặn mà.
Nguồn www.baohaiquan.vn