Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Việc phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng điện mặt trời tại Việt Nam đã và đang là xu hướng được... EVN HANOI đẩy mạnh phát triển điện mặt trời áp mái

Việc phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng điện mặt trời tại Việt Nam đã và đang là xu hướng được quan tâm chú trọng đặc biệt.

Trong những năm gần đây, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đặc biệt là năng lượng mặt trời được đánh giá là rất có tiềm năng tại Việt Nam. Song hành cùng áp dụng khoa học công nghệ trong việc phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng mặt trời tại Việt Nam đã và đang là xu hướng được quan tâm chú trọng đặc biệt, góp phần tiết kiệm điện năng cho quốc gia cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo đại diện lãnh đạo EVN HANOI cho biết, EVN HANOI đã cho triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại trụ sở Tổng công ty, Trung tâm sửa chữa điện nóng (hotline) – Công ty Lưới điện cao thế TP. Hà Nội, Công ty Điện lực Nam Từ Liêm, các trạm biến áp 110 – 220kV… Việc sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời sẽ góp phần tiết kiệm điện, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh đồng thời bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Điện mặt trời mái nhà tại Công ty Điện lực Nam Từ Liêm

Nhờ vào việc tận dụng diện tích mái nhà tại các Công ty Điện lực trên địa bàn Hà Nội, EVN HANOI đã triển khai lắp đặt giảm chi phí và lượng điện năng tiêu thụ tại trụ sở và các Trạm biến áp, góp phần giảm công suất nguồn cho lưới điện Hà Nội, đồng thời, khi lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái sẽ che được việc chiếu nắng trực tiếp từ mặt trời vào các tòa nhà, công sở.

Năm 2017, Trung tâm sửa chữa điện nóng (thuộc Công ty Lưới điện cao thế TP. Hà Nội) là đơn vị tiên phong lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái đầu tiên trong toàn Tổng công ty, hệ thống sửa chữa điện nóng Yên Nghĩa đã thu được sản lượng điện đạt gần 7.000 kWh, bình quân 1.400 kWh/tháng, đáp ứng gần 60% nhu cầu tiêu thụ điện của Trung tâm.

Đại diện Công ty lưới điện cao thế TP. Hà Nội cho biết, các tấm pin năng lượng mặt trời (NLMT) trên mái nhà tại đây được thiết kế gồm 2 hệ thống: Hế thống điện mặt trời hòa lưới (công suất: 20,28 kWp) và hệ thống điện mặt trời dự phòng (công suất: 3,12 kWp).

Với hệ thống điện mặt trời hòa lưới, nếu điện năng tạo ra bằng nhu cầu tiêu thụ của tòa nhà, tòa nhà sẽ nhận điện hoàn toàn từ NLMT này. Khi công suất từ nguồn điện mặt trời nhỏ hơn nhu cầu tiêu thụ, tòa nhà sẽ nhận thêm nguồn điện từ lưới. Nếu công suất điện mặt trời lớn hơn công suất tiêu thụ, phần điện năng dư thừa sẽ được phát lên lưới điện quốc gia. Trong trường hợp mất điện lưới thì hệ thống điện mặt trời hòa lưới sẽ tự động được cách ly để đảm bảo an toàn cho lưới điện.

Tại hệ thống năng lượng mặt trời áp mái của Công ty Điện lực Nam Từ Liêm, ông Nguyễn Văn Điện – Trưởng Phòng Kinh doanh cho biết, hệ thống năng lượng mặt trời áp mái của Công ty có 140 tấm pin với công suất đặt là 31,8 kWp được lắp đặt từ tháng 7/2018; Thống kê của hệ thống cho biết đến nay đã “sản xuất” ra hơn 20.000 kWh (số điện) tương đương giảm phát khí thải C02 khoảng 13 tấn.

Hệ thống có các ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh để theo dõi số liệu được thống kê hàng ngày; theo số liệu từ Công ty Điện lực Nam Từ Liêm, có những ngày nắng lớn, hệ thống đã phát ra hơn 200 kWh/ngày.

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn về điện mặt trời. Trong đó, việc ứng dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời lắp mái để sản xuất điện sẽ góp phần giúp các gia đình, doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí tiền điện và giảm áp lực cung ứng điện cho ngành Điện, đặc biệt là vào mùa nắng nóng.

Nguồn: VietQ.vn