EU sẵn sàng giúp Việt Nam hiện thực hóa các cam kết tại COP 21
Năng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng Chín 22, 2016 Năng Lượng News
Nangluong.news – Tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), Việt Nam cam kết sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.
Với những điều khoản đạt được trong Thỏa thuận Pa-ri COP21, Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và bài học để giúp Việt Nam biến “cam kết thành hành động” để chống biến đổi khí hậu.
Phát biểu trong cuộc gặp gỡ báo chí diễn ra hôm qua (21-9) tại Hà Nội, Đại sứ-Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Bru-nô An-giơ-lê (Bruno Angelet) cho biết, Việt Nam là một trong 10 nước trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). “EU có nhiều kinh nghiệm trong nỗ lực chống tác động của BĐKH, vì thế chúng tôi sẵn sàng giúp Việt Nam hiện thực hóa các cam kết của mình tại COP 21”, Đại sứ Bru-nô An-giơ-lê khẳng định.
Theo Đại sứ Bru-nô An-giơ-lê, hiện nay EU đang có ba hỗ trợ lớn dành cho Chính phủ Việt Nam. Thứ nhất, hợp tác thảo luận với các đối tác trong việc đề ra các chính sách giúp Việt Nam giảm nhẹ tác động của BĐKH. Thứ hai, EU và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hợp tác trong một chiến lược tăng trưởng xanh. “Vào ngày 1-10 tới, EU và các quốc gia thành viên cùng với Chính phủ Việt Nam tổ chức một hội thảo về chia sẻ ý tưởng liên quan tới nội dung này”, Đại sứ cho biết thêm.Thứ ba, EU có gói giải ngân hỗ trợ cho việc cải cách ngành năng lượng của Việt Nam. EU có khoản viện trợ không hoàn lại 350 triệu ơ-rô để giúp Việt Nam, thông qua Bộ Công Thương, cải cách ngành năng lượng và tập trung vào các nội dung cụ thể như: Điện khí hóa nông thôn nhằm bảo đảm điện có thể được mang tới cho 100% hộ gia đình Việt Nam; nâng cao việc sử dụng năng lượng tái tạo thông qua điều chỉnh cơ cấu nguồn thu năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả…
Đại sứ Bru-nô An-giơ-lê (thứ ba, từ trái sang) cùng các đại sứ, đại diện các Đại sứ quán thành viên EU tại Việt Nam tham dự buổi gặp gỡ báo chí.
Nhấn mạnh BĐKH và môi trường đang là những vấn đề mang tính toàn cầu, và cũng là ưu tiên trong Chiến lược phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam, Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Giê-han Rô-cát (Jehane Roccas) khẳng định, Bỉ luôn sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong cuộc chiến chống BĐKH.
Theo Đại sứ Giê-han Rô-cát, tại Hội nghị Rio năm 1992, BĐKH và môi trường là hai nội dung quan trọng được đề cập tới, trở thành vấn đề “nóng” của toàn cầu. Bỉ đã ưu tiên cho vấn đề này từ thời điểm đó. Bỉ là quốc gia không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, hạn chế về nguồn năng lượng mặt trời cũng như đường bờ biển ngắn. Bỉ phải dựa vào sự nỗ lực của chính mình để đưa ra những giải pháp tốt nhất chống lại tác động của BĐKH.
Đại sứ Giê-han Rô-cát khẳng định, Bỉ sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong việc chống BĐKH, thông qua 5 hoạt động chính, bao gồm: Đối thoại về chính sách; hỗ trợ hợp tác song phương; hợp tác trong lĩnh vực quản lý nước và phát triển đô thị; hợp tác thông qua các tổ chức phi chính phủ; hợp tác về mặt học thuật. Theo Đại sứ, trong hoạt động hỗ trợ hợp tác song phương, từ năm 2019, Bỉ sẽ giải ngân 85 triệu ơ-rô giúp Việt Nam trong việc chống BĐKH và môi trường. 3 tỉnh của Việt Nam đang gặp khó khăn về môi trường sẽ được nhận nguồn vốn hỗ trợ này là Hà Tĩnh, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Cũng giống như Đại sứ Bỉ, Đại sứ Hà Lan Ni-en-ke Tờ-rút-tơ (Nienke Trooster) cũng khẳng định, Hà Lan có khoản giải ngân 10 triệu ơ-rô giúp TP Hồ Chí Minh trong dự án quản lý và cung cấp nước sạch cho thành phố và một triệu ơ-rô cho Trường Đại học Cần Thơ để nghiên cứu về quản lý đất đai, nguồn nước và nước biển dâng. Đại diện Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho biết, Đức đóng góp 20% trong tổng số 350 triệu ơ-rô mà EU cam kết dành cho Việt Nam trong việc chống tác động của BĐKH và môi trường. Theo vị đại diện này, một nhà máy phong điện vừa được khởi động tại Việt Nam với nguồn vốn hỗ trợ 50 triệu ơ-rô từ phía Đức. Dự kiến, nhà máy phong điện này sẽ chính thức khánh thành ngày 25-11 tới.
Trong khi đó, đại diện của Đại sứ quán Phần Lan, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Anh, Tây Ban Nha cũng cho biết, bên cạnh các dự án chống BĐKH và môi trường mà họ đang triển khai tại Việt Nam, các nước này sẽ tiếp tục dành các gói hỗ trợ mới cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như: Trồng lúa để giảm phát thải khí nhà kính, trồng rừng, hỗ trợ ngành khí tượng-thủy văn, xây dựng bản đồ bức xạ mặt trời…
Với những cam kết mà Phái đoàn EU tại Việt Nam và các nước thành viên EU đưa ra, các Đại sứ đều mong muốn truyền tải đi một thông điệp: “BĐKH là thách thức của toàn thế giới. Chúng ta chỉ tạo ra sự thay đổi khi tất cả mọi người cùng chung tay đối phó, nâng cao hiểu biết của người dân trong bảo vệ môi trường. Sự giúp đỡ của các nước thành viên EU sẽ góp phần giúp Chính phủ và nhân dân Việt Nam đạt được những kết quả tích cực trong cuộc chiến chống BĐKH”.
Theo: Qdnd.vn