Đức phát triển năng lượng tái tạo nhờ mở cửa thị trường điện
Tin Tức Năng Lượng Tháng Hai 26, 2016
Nangluong.news – Một điểm nhấn quan trọng trong Báo cáo Việt Nam 2035 chính là phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở nguồn năng lượng xanh và thân thiện với môi trường.
Tại hội thảo “Cải cách thị trường điện cạnh tranh ở Đức, bài học cho Việt Nam” do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức cuối năm vừa qua, GS-TS Andreas, chuyên gia đến từ Trường Kinh tế và Luật Berlin, CHLB Đức khẳng định: Mở cửa thị trường là điều kiện để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Trước năm 2007, chỉ có 4 công ty kinh doanh điện, Đức đã kiên quyết phá bỏ sự tập trung của thị trường, thu hút nhiều công ty mới tham gia vào sản xuất cung ứng điện, phát triển mạnh điện từ năng lượng tái tạo. Đến nay, điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời…) đã chiếm tới 45% công suất lắp đặt và 1/4 điện sản xuất được tiêu thụ là sử dụng năng lượng tái tạo. Qua trao đổi với PV Trang tin ngành điện ICON, GS-TS Andreas khẳng định “sản xuất năng lượng từ nguồn năng lượng tái tạo chi phí bỏ ra có thể bằng 0 đồng”.
PV: Thưa ông, vừa rồi ông có nói về việc “xanh hóa” thị trường điện ở Đức và sẽ tiếp tục tăng cường nhằm đạt được mục tiêu tới 80% NLTT ở Đức. Vậy theo ông đến khi nào thì Đức đạt được con số này ?
– GS-TS Andreas: Bộ máy lãnh đạo của Đức đã đặt ra mục tiêu này đến năm 2050 sẽ đạt được. Từ giờ đến đó vẫn còn vài thập kỷ cho nên đây là một quy trình dài.
PV: Ông nói rằng sản xuất năng lượng từ nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) chi phí có thể bằng 0 đồng. Ông có thể phân tích kỹ hơn về vấn đề này ?
GS-TS Andreas: Tôi xin nói rõ đây là chi phí cận biên, còn chi phí nói chung sẽ khác. Bây giờ cứ đặt tình huống bạn không sử dụng các nguồn NLTT, như vậy để sản xuất ra điện bạn sẽ phải sử dụng các nguồn năng lượng không phải tái tạo từ một số các nguồn năng lượng sơ cấp. Để làm như vậy thì phần đầu tư ban đầu và việc sử dụng các nguồn năng lượng sơ cấp, chúng ta sẽ tính ra được giá thành cho mỗi đơn vị điện sản xuất ra nó là bao nhiêu. Ví dụ, bạn phải đốt than đá để làm ra điện thì lúc đấy chúng ta sẽ tính chi phí đầu vào để sản xuất ra một đơn vị điện là mất bao nhiêu. Trong khi đó, nếu các năng lực của bạn đã có sẵn rồi, máy móc được lắp đặt rồi mà bạn sử dụng năng lượng gió chẳng hạn, thì bạn không phải bỏ ra một chi phí nào.. Như thế, chi phí cận biên để sản xuất thêm một đơn vị điện nữa sử dụng năng lượng gió khi đó bằng 0.
PV: Vâng thưa ông, tại Việt Nam, để sản xuất điện gió, điện mặt trời đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn và điều này cũng đang hạn chế sự phát triển NLTT ở VN. Ngoài những yếu tố này thì theo ông còn những yếu tố nào khác hạn chế phát triển NLTT ở Việt Nam ?
GS-TS Andreas: Tôi cho rằng, bất kỳ sự đầu tư nào vào năng lượng thì đều tốn kém cả, chi phí đều cao cả đặc biệt là khi các bạn tính đến việc có những đầu tư mới. Thế thì tại sao các bạn không sử dụng thật tốt những công nghệ mà hiện giờ chúng ta đang có. Và khi chúng ta phải đầu tư mới thì sao chúng ta không tính đến việc làm sao đó đầu tư vào những hệ thống mang tính bền vững và tốt cho hệ sinh thái. Tôi cũng xin bổ sung thêm một câu chuyện thực tế ở Đức, đấy chính là kể cả 1 số công ty (mà đây là 2 trong số 4 công ty lớn vốn đã thống lĩnh thị trường ở Đức là Ion và ARWN) – họ đã bất chấp chủ trương của nhà nước đưa ra là sẽ đầu tư vào NLTT, họ không hề đầu tư vào NLTT – và bây giờ thì họ đang gặp những rắc rối rất lớn.
PV: Vừa rồi ông nói rằng, việc phát triển thị trường năng lượng ở Đức cũng gắn song song với việc phát triển NLTT. Vậy ông có thể chia sẻ cụ thể về thực tế này ?
GS-TS Andreas: Thực tế chúng tôi cũng đang có những khó khăn nhất định và đã rút ra nhiều bài học nhưng chắc chắn là việc chuyển đổi này trong tương lai sẽ rất là tốt… Như tôi đã nói ban đầu thì đó chính là vừa đồng thời làm thế nào đó để tạo ra sự cạnh tranh ở trên chính thị trường nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo về mặt sinh thái cho nên mới diễn ra 2 quá trình song song như vậy. Việc diễn ra 2 quá trình song song như vậy vẫn đang trong quá trình để chúng tôi rút ra những kinh nghiệm, những bài học.
Nguồn: icon.com.vn