Doanh nghiệp ngành da giày đẩy mạnh chuyển đổi xanh hóa sản xuất
Tin Tức Năng Lượng Tháng mười 10, 2022 Năng Lượng News
Nhằm tận dụng cơ hội từ các FTA , nhiều doanh nghiệp ngành da giày đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh hóa sản xuất, thích ứng các tiêu chuẩn xanh cũng như các quy định về xuất xứ hàng hóa.
Triển vọng tăng trưởng trong giai đoạn 2022-2031
Trong lĩnh vực da giày, hiện Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ hai trên thế giới về xuất khẩu – chỉ sau Trung Quốc, và đứng ở vị trí thứ ba về sản xuất – sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Lợi thế từ các FTA đã được các doanh nghiệp ngành da giày tận dụng và trở thành động lực để ngành này vượt qua thách thức, phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Xuất khẩu da giày đạt trên 14 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm nay, tăng 13% so với cùng kỳ, trong đó nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng cao, như: thị trường Bắc Mỹ (24%), Liên minh châu Âu – EU (17,5%)…
“Báo cáo nghiên cứu về Ngành Da giày ở Việt Nam, 2022-2031” từ một trong những công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, Research and Markets, dự báo sản xuất và xuất khẩu giày dép của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2022-2031. Đặc biệt, báo cáo này chỉ ra, hiện hai thương hiệu “khổng lồ” trong ngành giày dép toàn cầu là Nike và Adidas đã chọn Việt Nam làm nơi sản xuất chính, và một phần của chuỗi cung ứng giày dép toàn cầu đang dần chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam vì chi phí thấp hơn. Nike hiện có hơn 100 nhà cung cấp tại Việt Nam, với 96 nhà máy tập trung ở khu vực phía Nam. Trong khi đó, năm 2021, có đến khoảng 40% tổng sản lượng giày dép của Adidas được sản xuất tại Việt Nam.
Dự báo thị trường da giày Việt Nam giai đoạn 2022-203 tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 8,1% (Nguồn ảnh: Research and Markets)
Xu hướng chuyển đổi xanh hóa sản xuất
Sản xuất và tiêu dùng bền vững, ưu tiên các sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường đang trở thành xu thế toàn cầu, kéo theo các quy định, tiêu chí ngày càng khắt khe về trách nhiệm với môi trường và cộng đồng đối với các doanh nghiệp sản xuất, bao gồm cả các doanh nghiệp ngành da giày.
Năm 2021, Hạ viện Đức đã thông qua Đạo luật về Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, đưa ra quy định buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ các quyền con người và một số yêu cầu về trách nhiệm thẩm định về môi trường trong chuỗi cung ứng của họ. Đạo luật này sẽ được áp dụng từ ngày 01/01/2023 và sẽ tác động rất mạnh đến chuỗi sản xuất của ngành da giày khi xuất khẩu vào thị trường EU.
Tuy nhiên, khi xuất khẩu vào thị trường EU, các sản phẩm giày dép của Việt Nam sẽ được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5%-4,2% so với các đối thủ cạnh tranh khác. Lợi thế lớn từ việc giảm, xóa bỏ hàng rào thuế quan vào EU đã giúp các sản phẩm da giày của Việt Nam chiếm trên 80% thị phần tại thị trường này. Chính vì thế, việc tiếp nhận, chủ động thích ứng, tuân thủ các tiêu chuẩn xanh cũng như các quy định về xuất xứ hàng hóa, thực hiện đổi mới sáng tạo đã và đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Bên cạnh đó, theo nhận định từ các chuyên gia, thời gian tới, người tiêu dùng sẽ ngày càng quan tâm đến tiêu dùng bền vững, yêu cầu nhà sản xuất phải đáp ứng nhiều hơn các vấn đề liên quan tới truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, ưu tiên sử dụng vật liệu tái chế hoặc tái sinh hơn, giảm lượng khí thải carbon và các tác động tới môi trường trong quá trình sản xuất… Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi “xanh hóa”, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh trong sản xuất, như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải… Đã có nhiều doanh nghiệp xác định không cạnh tranh bằng chi phí lao động giá rẻ, mà bằng các tiêu chuẩn gắn với bảo vệ môi trường. Một số doanh nghiệp lớn đã chủ động đầu tư, nâng cao tỷ lệ ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết bị sản xuất, cải thiện năng suất, chất lượng, điều kiện làm việc, hướng tới quản trị thông minh, phát triển các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế, sử dụng năng lượng sạch như điện mặt trời…
Vũ Phong Energy Group đã ký kết hợp tác và đang triển khai dự án tổng công suất 12.500 kWp gồm chuỗi hệ thống điện mặt trời trên mái các nhà máy sản xuất giày dép thuộc Tập đoàn Hwaseung Enterprise (Hàn Quốc)
Việc chuyển đổi “xanh hóa” đáp ứng các tiêu chuẩn xanh để gia tăng xuất khẩu đang diễn ra không chỉ ở ngành da giày mà còn ở nhiều ngành hàng khác như dệt may, nhựa, nông sản… Và khi đã trở thành xu thế, bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải đáp ứng nếu không muốn nằm ngoài “cuộc đua”. Xác định tâm thế để thay đổi, nhanh chóng chuyển mình sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp để tăng trưởng và phát triển bền vững.
Xem thêm:
- Phát triển bền vững – nâng cao vị thế cho doanh nghiệp ngành da giày
- Hệ thống điện mặt trời chất lượng cao từ mô hình hợp tác BLT
Nguồn: Vuphong.vn