Doanh nghiệp dồn lực đầu tư vào năng lượng
Tin Tức Năng Lượng Tháng sáu 1, 2017 Năng Lượng News
Gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) lớn đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Đáng chú ý, chủ đầu tư đa số là DN trong nước và sử dụng công nghệ Việt Nam.
Vừa qua, Công ty CP SolarESCO (thành viên của Công ty Mặt Trời Bách Khoa – SolarBK) đã ký kết xây dựng hệ thống điện mặt trời cho Trung tâm Logistics của ICD Sóng Thần (Công ty Cổ phần ICD Tân Cảng – Sóng Thần) tại thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương).
Dự án có công suất 500.96 kWp, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9/2017, là trung tâm logistics xanh sử dụng điện mặt trời đầu tiên tại Việt Nam. Ông Nguyễn Thành Sơn – Giám đốc ICD Sóng Thần – cho biết: Dự án sẽ cung cấp điện sạch cho khoảng 30% nhu cầu điện năng của toàn trung tâm trong 12 năm, tạo ra tổng lượng điện năng khoảng 784,218 kWh/năm, góp phần giảm thải được khối lượng CO2 khoảng 518,5 tấn/năm.
Với lượng mưa trung bình hàng năm ít, số giờ nắng cao… là điều kiện lý tưởng để Bình Thuận phát triển năng lượng mặt trời. Theo quy hoạch, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện gió tại Bình Thuận sẽ đạt 2.500 MW. Riêng nhiệt điện và điện mặt trời, công suất ước tính trong thời gian tới lần lượt đạt 10.000MW và 3.819 MW. 20 dự án điện gió, điện mặt trời của nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ được triển khai tại Bình Thuận với tổng số vốn khoảng 94.150 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại huyện Tuy Phong và Hàm Tân. Một số dự án lớn có thể kể đến: Nhà máy Điện mặt trời của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Nhà máy Điện khí Sơn Mỹ 1 của Liên doanh nhà đầu tư Pháp – Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 49.500 tỷ đồng…
Ông Hoàng Anh Tuấn – đại diện Tập đoàn Đức Long Gia Lai – cho biết: Tập đoàn vừa ký thỏa thuận đầu tư 3 dự án năng lượng tái tạo tại Bình Thuận với tổng vốn đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng. Cụ thể: Tập đoàn Đức Long Gia Lai sẽ đầu tư nhà máy sản xuất điện mặt trời tại xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết) có công suất 200MW, tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV Du lịch Đức Phú Gia (thành viên của Tập đoàn Đức Long Gia Lai) đầu tư Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp điện năng lượng tái tạo Đức Phú Gia tại xã Hòa Phú (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) với tổng vốn đầu tư 28,00 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai (thành viên Tập đoàn Đức Long Gia Lai) sẽ đầu tư nhà máy sản xuất điện mặt trời tại xã Hồng Phong (huyện Bắc Bình) và xã Thiện Nghiệp (phường Mũi Né, TP. Phan Thiết) có công suất 150 MW, tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng.
Cùng đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cũng đang ráo riết thực hiện nhiều dự án năng lượng tái tạo, chủ yếu tập trung ở các đảo xa. Ông Nguyễn Phước Đức – Phó Tổng giám đốc EVN SPC – cho biết, tổng công ty đang thực hiện mời thầu Dự án Lắp đặt pin năng lượng mặt trời tại Côn Đảo giai đoạn I có công suất 1,5MW, triển khai trong năm 2017. Tại đảo Phú Quý (Bình Thuận), EVN SPC đã ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ khảo sát và kế hoạch lựa chọn nhà thầu…
Nguồn vinanet.vn