Điện “sạch” thừa tiềm năng, thiếu cơ chế
Năng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng mười một 16, 2016 Năng Lượng News
Nangluong.news – Các nước khuyến khích dân tự làm giàn năng lượng mặt trời trên mái nhà, thừa ngành điện mua, tối hết nắng dân mua lại của ngành điện. Bù trừ, dân gần như không mất tiền điện. Nhưng ở VN muốn làm vẫn khó.
Phát triển điện năng lượng tái tạo ở VN vẫn còn gặp khó. Trong ảnh: một dự án điện gió ở ĐBSCL – Ảnh: VIỆT HÀ
Trước nguy cơ thiếu điện ở miền Nam, ông Đặng Đình Thống – phó viện trưởng Viện Công nghệ sạch, Hiệp hội Công nghiệp môi trường VN – cho rằng nếu khai thác tốt, năng lượng tái tạo (như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) có thể đáp ứng tới 50% nhu cầu điện của VN, giảm được ô nhiễm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều “nút thắt” cần gỡ. Và “Mức giá đầu tư điện mặt trời chỉ khoảng 26 triệu đồng/kW. Nhiều gia đình chỉ cần lắp bộ phát 3-5kW là có thể đủ điện dùng…
Ông Đặng Đình Thống – Ảnh: N.AN
Tạo cơ chế cho dân làm điện mặt trời ở nhà
* Nhiều nước huy động toàn dân làm điện mặt trời. Ở VN tại sao không, thưa ông?
– Chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi tư vấn để tự lắp đặt thiết bị điện mặt trời trên mái nhà. Nhưng vấn đề đầu ra rất khó vì điện mặt trời chỉ phát được ban ngày và cũng không thể dự trữ. Cơ quan điện lực không tiếp nhận điện lên lưới.
Ở nhiều nước rất khuyến khích loại hình này với mô hình là dân lắp đặt, lúc thừa thì phát lên lưới điện, bán cho cơ quan điện lực. Buổi tối hoặc khi thiếu điện mặt trời, ngành điện vẫn bán điện trở lại qua côngtơ khác để gia đình sử dụng.
Để làm vậy thì Nhà nước phải yêu cầu cơ quan điện lực như EVN cho phát điện lên lưới, có hợp đồng rõ ràng, giá điện bán và mua phải ổn định. Hiện nay, mức giá đầu tư chỉ tối đa 100 triệu đồng (khoảng 26 triệu/kW). Chỉ cần lắp bộ phát 3-5 kW là có thể đủ điện quanh năm nên nhiều gia đình rất quan tâm.
Nhà đầu tư phải “lụy” nhiều
* Nguồn năng lượng tái tạo được cho là có tiềm năng, nhưng thực tế đầu tư của các doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa nhiều?
– Năng lượng tái tạo ở VN rất giàu tiềm năng. Với năng lượng gió, có khoảng 46 dự án nhà đầu tư đang xin đất, xây dựng dự án nhưng mới chỉ 3-4 dự án làm thật sự. Điển hình có dự án tại Bạc Liêu mới hoàn thành với 99,2 MW; dự án ở Tuy Phong dự kiến làm 120 MW nhưng mới chỉ làm 30 MW.
Đầu tư vào điện mặt trời ít hơn, tại Côn Đảo có dự án tầm 30 MW là lớn nhất. Song hiện có nhiều nhà đầu tư đang rất quan tâm, xin đất để đầu tư, như ở Quảng Bình có nhà đầu tư Doha (Hàn Quốc) xin 1.000ha để làm nhà máy công suất 550 MW… Điện sinh khối (dùng các sản phẩm thừa của nông nghiệp như bã mía, trấu… để phát điện) thì chưa có dự án nào lớn…
* Nhiều dự án “bất động” phải chăng chỉ vì yếu tố giá cả?
– Vấn đề mấu chốt nhất là giá điện đặc thù cho năng lượng tái tạo hiện nay chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Ví dụ dự án điện gió Tuy Phong – Bình Thuận hiện bán cho Tập đoàn Điện lực VN (EVN) chỉ được mức giá 7,8 cent/kWh (một cent bằng khoảng 230 đồng), dự án ở Bạc Liêu bán mức giá cao hơn là 9,8 cent/kWh.
Đặc biệt, chính sách phát triển điện mặt trời chưa có nên mỗi nơi áp dụng một kiểu khiến nhà đầu tư rất khó. Vừa qua tôi đi khảo sát, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nhưng để phát được lên lưới điện quốc gia, họ phải “lụy” rất nhiều. Mặc dù cấp trên chấp thuận nhưng xuống dưới địa phương lại không thực hiện, nên nhiều doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí để “đi đêm”.
Đơn cử như để xin được đất làm dự án, nếu theo đúng giá quy định thì không nhiều chi phí vì đều là đất trống, đồi trọc. Song thực tế để nhà đầu tư có được miếng đất ấy thì phải chạy từ phòng môi trường, địa chính khắp các quận, huyện, xã…
Chính sách hỗ trợ cũng không thống nhất, quyết định được phê duyệt nhưng khi xuống địa phương lại méo mó. Ví dụ như nối lưới, quy định nhà máy chỉ cấp điện ra trạm biến thế 220 KV, còn từ trạm 220 KV đến trạm 110 KV thì cơ quan điện lực phải lo. Song cơ quan địa phương cứ nói “chờ đấy”, điện làm ra rồi mà không bán được thì sốt ruột, doanh nghiệp lại phải tự bỏ tiền ra làm. Chi phí cho mỗi kilômet đường dây 110 KV mất 3 tỉ đồng, nên có dự án điện gió mất hàng trăm tỉ.
* Nghĩa là vấn đề chính lại nằm ở câu chuyện cán bộ và cơ chế?
– Cán bộ thẩm định dự án năng lượng tái tạo còn hạn chế, thiếu cán bộ chuyên sâu. Đây cũng là vấn đề mà nhà đầu tư kêu nhiều, khi họ trình dự án lên thì bị “ngâm” rất lâu với lý do để “nghiên cứu”, nhưng thực tế cán bộ phụ trách không dám quyết hoặc “quyết sai” nên dự án không mang lại hiệu quả.
* Vậy theo ông, cần có chính sách cụ thể thế nào để thúc đẩy năng lượng tái tạo phát triển?
– Quan trọng nhất là cần ban hành chính sách phát triển năng lượng tái tạo rõ ràng, đầy đủ, minh bạch chứ không phải làm từng vùng, từng dự án. Song khi có chính sách phải quản lý, theo dõi thực thi chính sách thật chuẩn, tránh mỗi địa phương thực hiện một kiểu, nhà đầu tư bị nhũng nhiễu.
Hiện Bộ Công thương đề xuất năng lượng điện gió ở mức 11,4 cent/kWh, điện mặt trời là 11,4 cent/kWh, còn loại lắp trên mái nhà là 15 cent/kWh. Nếu được chấp thuận thì các nhà đầu tư làm ào ào. Cần sớm ban hành cơ chế giá.
* Ông Lê Vĩnh Sơn (chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sơn Hà): Không phải chuyện riêng của cơ quan nào Dường như câu chuyện về điện vẫn “bị” coi như “chuyện riêng” của ngành điện và Bộ Công thương. Các công trình xây dựng, các dự án đầu tư hầu như không áp quy định nào về mức tiêu thụ điện năng hoặc định mức sử dụng năng lượng sạch. Điều này dẫn tới tình trạng sử dụng tràn lan nguồn điện quốc gia và bỏ qua việc sử dụng năng lượng sạch. |
Ông Đặng Văn Thành – Ảnh: T.HÀ
Chưa hỗ trợ tốt cho điện từ bã mía
Nếu có chính sách tốt có thể khai thác thêm nhiều nguồn điện như điện sinh khối để tăng nguồn điện cho miền Nam. Ông Đặng Văn Thành – chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group), đơn vị đang sản xuất điện từ bã mía – cho biết:
– Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối (dùng phế phẩm nông nghiệp như bã mía, trấu, lõi bắp… để phát điện). Bên cạnh ưu điểm ít gây ô nhiễm, điện sinh khối còn tận dụng được nguồn nguyên liệu tái tạo sẵn có. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Mía đường VN, cả nước hiện có 40 nhà máy đường nhưng mới có 6-7 nhà máy dùng bã mía để sản xuất điện, công suất lắp đặt khoảng 140 MW, công suất phát điện hơn 70 MW. Tính chung mới có 30% bã mía được dùng để sản xuất điện trong khi miền Nam đang thiếu điện.
Giá mua điện quá thấp, chỉ 5,8 cent/kwh (khoảng 1.300 đồng/kwh), không có lời nên các nhà máy đường bán bã mía giá 450-500 đồng/kg, nếu kéo dài sẽ bỏ qua cơ hội phát triển điện sinh khối vì đã có nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản muốn mua bã mía với giá gần gấp đôi. Giá mua điện hợp lý phải 8 cent/kwh mới khuyến khích nhà máy đường sản xuất điện. Với giá này, các nhà máy mới đầu tư công nghệ hiện đại có thể nâng gấp đôi hiệu suất làm ra điện, lượng điện bán lên lưới tăng gấp ba.
Tuy nhiên, giá chỉ là một trong nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Chẳng hạn như hạ tầng giao thông, chuyện đấu nối lưới điện và quan trọng là có quy hoạch phát triển lâu dài để nhà đầu tư an tâm thực hiện. Không có quy hoạch, nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn trong bán điện. Vì họ không thể bán trực tiếp cho dân, chỉ có thể bán cho EVN.
Hiện có đơn vị sản xuất điện từ bã mía đạt 100 kwh/tấn. Nếu áp dụng kỹ thuật tiên tiến như hóa khí bã, lò siêu cao áp kết hợp tận thu hợp lý rác mía trên đồng ruộng, mỗi tấn mía có thể làm ra 200 kwh điện như trên thế giới đã làm, trong đó bán lên lưới 155 kwh.
Hiện mỗi năm VN có 15 triệu tấn mía, nếu giá mua điện hợp lý, có thể sản xuất 3 tỉ kwh/năm. Dự báo đến năm 2020, sản lượng mía cả nước là 25 triệu tấn mía, có thể sản xuất 1.600 MW điện, gần bằng cả Thủy điện Hòa Bình. Hơn nữa, đầu tư phát triển điện sinh khối không chỉ giúp tăng nguồn cung điện, mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp mua mía của nông dân với giá tốt hơn.
Thời gian sản xuất mía đường vào mùa khô hằng năm. Nên đây là nguồn bổ sung điện quan trọng vào mùa khô khi thủy điện ít nước. Với lượng mía hiện nay có thể sản xuất được 3 tỉ kWh/năm. Nếu có giá mua tốt, ngoài mùa mía, các nhà máy đường sẽ thu gom phế phẩm nông nghiệp khác như thân cây khoai mì, lõi bắp… để phát điện quanh năm, tổng sản lượng điện có thể nâng lên tới 6-7,5 tỉ kwh/năm.
Nguồn: Tuoitre