Điện mặt trời và thách thức nối lưới
Năng Lượng Mặt TrờiNăng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng tư 12, 2019 Năng Lượng News
Các dự án điện mặt trời phát triển bùng nổ có thể dẫn tới sự quá tải cho mạng lưới điện, việc tích hợp chúng với hệ thống điện phải đối mặt với những thách thức lớn.
Thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư đã đăng ký phát triển các dự án điện mặt trời. Ảnh: Ngọc Hà
Đây là một trong những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo Năng lượng mặt trời tại Việt Nam với chủ đề “Tích hợp với mạng lưới điện: cơ hội và thách thức” diễn ra ngày 10/4, tại Hà Nội.
Đánh giá về thị trường điện mặt trời của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Mai Dung, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh nhận xét, thị trường điện mặt trời đang phát triển nhanh nhờ những cơ chế chính sách hấp dẫn, nhất là về giá. Do đó, nhiều chủ đầu tư đã đăng ký phát triển các dự án điện mặt trời. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất hiện nay đối với các dự án điện mặt trời là sự bùng nổ của các dự án mới hoàn thành có thể dẫn tới quá tải cho mạng lưới điện, hơn nữa là tình trạng hoạt động dưới mức tối ưu của quá trình lắp đặt các hệ thống quang điện.
Các chuyên gia chỉ ra, hầu hết các nguồn năng lượng xanh đều dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong khi các loại nguồn này phát điện không liên tục và không ổn định. Vì vậy, việc tích hợp chúng với hệ thống điện phải đối mặt với những thách thức. Đó là vấn đề chất lượng điện nhằm đảm bảo tính ổn định của hệ thống điện; tính khả dụng của nguồn điện…
Bà Dung cũng nhìn nhận, trên thực tế, điện mặt trời với công nghệ hiện đại ngày nay hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn cho hệ thống điện. Đây cũng là nguồn năng lượng to lớn đẩy vào hệ thống điện góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, phát triển điện mặt trời vẫn gặp một số rào cản về nhận thức, niềm tin của người sử dụng điện năng lượng mặt trời còn hạn chế. “Mọi người vẫn nghĩ năng lượng truyền thống thì đáng tin cậy và tính ổn định cao hơn năng lượng tái tạo. Đồng thời, chi phí cho năng lượng tái tạo cũng đắt hơn năng lượng truyền thống”, bà Dung chia sẻ.
Liên quan đến phát triển điện mặt trời áp mái, một báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố mới đây cũng chỉ ra không ít khó khăn. Theo EVN, các đơn vị điện lực của Tập đoàn chưa thể ký được hợp đồng mua bán điện với khách hàng do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức quyết toán tiền điện cho khách hàng. Chi phí thiết bị và chi phí lắp đặt điện mặt trời còn cao nên chưa khuyến khích khách hàng đầu tư, lắp đặt; chưa có giải pháp, mô hình đầu tư, kinh doanh để thúc đẩy phát triển thị trường điện áp mái…
Bên lề Hội thảo, ông Philippe Vermeulen, Giám đốc điều hành Công ty Avalon Landscape + Engineering (Bỉ) đánh giá, hiện có rất nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm đầu tư vào phát triển điện mặt trời ở Việt Nam, nhưng họ lại quan ngại về thủ tục hành chính. Theo ông Philippe Vermeulen, nhà đầu tư nước ngoài thường mất rất nhiều thời gian để có thể trình bày về dự án, triển khai thực hiện cho đến khi thực sự kết nối được với mạng lưới điện của Việt Nam. Cùng với đó, một số ý kiến khác cho rằng, Việt Nam vẫn thiếu đội ngũ nhân lực có những kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Với những thách thức đặt ra, các chuyên gia năng lượng cho rằng, Việt Nam cần tận dụng tối đa tiềm năng về năng lượng mặt trời để bổ sung cho nguồn năng lượng của đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững. Do đó, bên cạnh những dự án lớn, việc lắp đặt các hệ thống trên những mái nhà nhỏ hơn vẫn đang thu hút sự quan tâm của người dân bởi chúng không gây nên hiện tượng quá tải cho mạng lưới điện.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh một số giải pháp để ổn định hệ thống điện khi có đóng góp của năng lượng tái tạo như: tập trung kiện toàn quy định và tổ chức điều khiển tần số hệ thống điện hiện tại; nghiên cứu các phương án điều khiển tần số, điện áp mới trên hệ thống điện để hỗ trợ tích hợp năng lượng tái tạo; các chủ đầu tư cần tuân thủ các tiêu chuẩn quy định trong việc lựa chọn thiết bị đầu tư nhà máy điện mặt trời…
Nguồn: Báo đấu thầu