Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Điện mặt trời Tây Nguyên: Biến bất lợi thành ưu thế Điện mặt trời Tây Nguyên: Biến bất lợi thành ưu thế
Tây Nguyên có mùa khô kéo dài, thường xuyên xảy ra hạn hán và thiếu nước trên diện rộng. Nhưng những bất lợi này... Điện mặt trời Tây Nguyên: Biến bất lợi thành ưu thế

Tây Nguyên có mùa khô kéo dài, thường xuyên xảy ra hạn hán và thiếu nước trên diện rộng. Nhưng những bất lợi này lại trở thành thế mạnh cho ngành điện mặt trời Tây Nguyên phát triển.

Tiềm năng phát triển điện mặt trời Tây Nguyên

Khu vực Tây Nguyên (gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) chịu ảnh hưởng của khí hậu cận xích đạo với 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Trong đó, mùa khô nóng hạn kéo dài, thường xuyên xảy ra hạn hán và thiếu nước trầm trọng. Tổng số giờ nắng trong năm tại Tây Nguyên khoảng 2.000 – 2.600 giờ, bức xạ mặt trời trung bình khoảng 4,9 – 5,7 kWh/m2/ngày. Điều này gây khó khăn cho sản xuất nông lâm nghiệp tại khu vực nhưng lại là thế mạnh rất lớn để điện mặt trời Tây Nguyên phát triển.

dien-mat-troi-tay-nguyen-bien-bat-loi-thanh-uu-the-1Mùa khô và hạn hán kéo dài ở Tây Nguyên gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp nhưng lại thuận lợi để phát triển điện mặt trời (Ảnh minh họa, nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Một thuận lợi nữa cho ngành điện mặt trời Tây Nguyên là quỹ đất ở các địa phương còn rất rộng. Chẳng hạn như Đắk Lắk, tính đến giữa năm 2019, quỹ đất tại tỉnh này vẫn còn khoảng 30.000 ha có thể sử dụng để xây dựng các nhà máy điện năng lượng mặt trời. Theo Sở Công thương tỉnh, giai đoạn đến năm 2020, tiềm năng phát triển điện mặt trời Đắk Lắk khoảng 1.400 MWp, đến giai đoạn 2021-2025 lên tới khoảng 4.000 MWp. Quỹ đất có thể phát triển nhà máy điện mặt trời ở các tỉnh như Đắk Nông, Gia Lai… cũng còn rất lớn. Thậm chí, Gia Lai còn hướng đến tương lai sẽ trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Nhận thấy tiềm năng lớn, lại đúng chủ trương của Nhà nước khuyến khích phát triển điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung, chính quyền địa phương các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã có nhiều cơ chế, chính sách để thu hút vốn đầu tư cho các dự án điện mặt trời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến nghiên cứu, triển khai dự án. Điều này góp phần không nhỏ khích lệ các nhà đầu tư và sẽ giúp ngành điện mặt trời Tây Nguyên phát triển đúng với tiềm năng sẵn có.

Tận dụng tốt tiềm năng để phát triển kinh tế vùng

Tại Tây Nguyên, đất chủ yếu là đất bazan thích hợp để phát triển cây công nghiệp. Vài năm trở lại đây, bên cạnh các loại cây trồng truyền thống như cà phê, hồ tiêu, Tây Nguyên đã phát triển thêm các loại cây ăn quả như sầu riêng, mít, bơ, thanh long, xoài… Tuy nhiên, do mùa khô kéo dài, Tây Nguyên thường xảy ra hạn hán gay gắt, lưu lượng nước các sông giảm, mực nước ở một số hồ cạn kiệt dẫn tới thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu. Theo dự tính của các cơ quan chức năng, ngay trong mùa khô năm nay, sẽ có hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên thiếu nước tưới. Hơn nữa, mật độ dân cư tại Tây Nguyên thấp, thiếu lao động và thị trường tiêu thụ tại chỗ nhỏ hẹp, khai thác tốt điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế vùng là một bài toán của Tây Nguyên thời gian dài qua.

Nhiều chuyên gia tin rằng, với điện mặt trời và năng lượng tái tạo, những khó khăn sẽ được giải quyết. Việc phát triển điện mặt trời Tây Nguyên có thể làm tăng giá trị mỗi đơn vị diện tích lên 30-40 lần so với cây trồng phù hợp. “Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi MWp điện năng lượng mặt trời thu lợi 1 tỉ đồng, nếu vùng đất giàu tiềm năng năng lượng mặt trời tại Đắk Lắk phát triển vài ngàn MWp thì sẽ thu một nguồn lợi rất lớn cho tỉnh” – trích lời phát biểu của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại lễ cắt băng khánh thành Cụm nhà máy điện mặt trời Srêpôk 1 – Quang Minh. (Nguồn: https://tuoitre.vn/dak-lak-co-the-thu-hang-ngan-ti-moi-nam-tu-dien-nang-luong-mat-troi-20190309131850562.htm)

dien-mat-troi-tay-nguyen-bien-bat-loi-thanh-uu-the-2Điện mặt trời được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy kinh tế vùng Tây Nguyên (Ảnh minh họa)

Điện mặt trời Tây Nguyên đang ghi dấu với nhiều dự án quy mô lớn, như: Dự án điện mặt trời Xuân Thiện-Ea Súp (công suất gần 700 MWp), Cụm nhà máy điện mặt trời Srêpôk 1 – Quang Minh (100 MWp), Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa (69 MWp), Nhà máy điện mặt trời Cư Jút (50 MWp)… Trong đó, có một số dự án đã đi vào vận hành thương mại, mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư cũng như cho địa phương. Trong tương lai, dự kiến Tây Nguyên sẽ tiếp tục thu hút thêm nhiều nhà đầu tư khai thác tiềm năng điện mặt trời, giúp thúc đẩy kinh tế của vùng.

Ngoài các nhà máy điện mặt trời, Tây Nguyên còn thuận lợi phát triển các dự án điện mặt trời áp mái hòa lưới hoặc độc lập tại các hộ gia đình hoặc doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Với những vườn trồng trọt quy mô lớn hoặc nhà máy chế biến nông sản, nếu tận dụng điện mặt trời cho tưới tiêu, thắp sáng, vận hành máy móc… chi phí vận hành sẽ giảm đi đáng kể, góp phần làm tăng lợi nhuận và sức cạnh tranh trên thị trường.

Có thể nói, phát triển điện mặt trời Tây Nguyên với hình thức xây dựng nhà máy điện mặt trời và kết hợp điện mặt trời với sản xuất nông nghiệp là hướng đi đúng đắn, khai thác tốt tiềm năng khu vực để tăng hiệu quả kinh tế, mang lại lợi nhuận cho cả chủ đầu tư – người dân và chính quyền địa phương.

Nguồn: Vuphong.vn