Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Ngày 12.7, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Tây Ninh cho biết, nguồn điện năng... Điện mặt trời tăng mạnh tại Tây Ninh

Ngày 12.7, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Tây Ninh cho biết, nguồn điện năng lượng mặt trời tại tỉnh Tây Ninh tăng nhanh.

Một dự án điện năng lượng mặt trời tại Tây Ninh

Theo đó, thống kê 6 tháng đầu năm, tỉnh Tây Ninh đã đưa vào vận hành 8 nhà máy năng lượng mặt trời với công suất lắp đặt là 604 MWp. Các nhà máy được đấu nối vào lưới điện truyền tải, đảm bảo truyền tải hết công suất của nhà máy.

Công ty Điện lực tỉnh Tây Ninh cũng triển khai lắp đặt 8 dự áp nguồn pin năng lượng mặt trời áp mái nhà làm việc với công suất 386,1 kWp. Cũng trong 6 tháng đầu năm, điện lực Tây Ninh có 406 khách hàng lắp đặt nguồn năng lượng mặt trời áp mái với công suất 10.543 kWp.

Ông Hùng cho biết, có nhiều nguyên nhân giúp cho điện năng lượng mặt trời tăng mạnh tại tỉnh này. Theo đó, Tây Ninh là tỉnh ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ. Số giờ nắng nóng kéo dài trung bình lên đến 2.220 – 2.500 giờ trong năm, cao hơn 20% so với các tỉnh khác.

Mặt khác, tuổi thọ của tấm pin lên đến 20 năm, quá trình vận hành bảo trì với chi phí thấp. Hệ thống có thể được giám sát từ xa qua điện thoại thông minh. Đặc biệt, việc lắp tấm pin lên mái nhà tạo thêm một lớp cách nhiệt giúp giảm nhiệt độ trong nhà (giảm 5-6 độ C)

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, việc lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái cũng có nhiều khuyết điểm. Trong đó, hiệu suất tấm pin (chuyển quang năng sang điện năng) hiện nay thông dụng khoảng 15-24%, con số này là chưa cao. Các nhà sản xuất đang tìm các giải pháp để nâng giá trị này lên.

Mặt khác, để đảm bảo giá thành đầu tư các hệ thống điện năng lượng mặt trời hiện nay phần lớn không có hệ thống tích trữ điện. Do đó, vào ban đêm thì hệ thống không thể phát ra điện. Một rào cản lớn khác là giá thành đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời vẫn còn cao nên chưa kích thích đầu tư rộng rãi trong khách hàng sử dụng điện.

Ông Hùng lưu ý, người dân cần khảo sát trước về địa điểm lắp đặt (diện tích mái nhà, kết cấu nhà), ngân sách để lắp đặt phù hợp. Xem lại sản lượng sử dụng của gia đình, nếu trên 400 kWh mỗi tháng thì nên lắp đặt. Ngoài ra, người dân cần lựa chọn đơn vị lắp đặt, nên tìm những đơn vị có uy tín.

Trước khi lắp đặt, người dân cần yêu cầu được tư vấn lắp đặt về lượng điện năng cần lắp, tài chính lắp đặt, chất lượng hệ thống, cam kết bảo hành, cam kết lượng điện năng đúng với điện năng khách hàng ký kết… Ngoài ra, chất lượng và xuất xứ của tấm pin, bộ chuyển đổi cũng cần lưu ý.

Nguồn: Báo Thanh Niên