Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Nangluong.news – Điện mặt trời đã được ứng dụng ở những vùng nông thôn, miền núi nước ta từ những năm 90, tuy nhiên... Điện mặt trời nối lưới: Mở ra cơ hội cho đồng bào miền núi

Nangluong.news – Điện mặt trời đã được ứng dụng ở những vùng nông thôn, miền núi nước ta từ những năm 90, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở mức tự tiêu dùng. Nhưng tới đây nếu Nhà nước ban hành cơ chế nối lưới thì sẽ là cơ hội kiếm tiền cho đồng bào các dân tộc.

68d3bb57b3a8ced620a409af1b0e2c75_44Điện mặt trời quy mô hộ gia đình ở miền núi

Từ những tiềm năng

Theo các chuyên gia, Việt Nam là nước có tiềm năng về năng lượng mặt trời, khi mật độ năng lượng mặt trời trung bình khoảng 4,3 kWh/m2, số ngày nắng nóng trung bình khoảng 2.000 giờ/năm. Đặc biệt, từ Đà Nẵng trở vào thì tiềm năng năng lượng mặt trời tốt hơn hẳn, mật độ năng lượng bức xạ trong khoảng 4,5 – 5 kWh/m2; số ngày nắng trung bình là 2.200 – 2.500 giờ/năm.

Ở khu vực Tây Bắc, bức xạ mặt trời trung bình năm từ 4,1 – 4,9 kWh/m2/ngày. Số giờ nắng trung bình cả năm đạt từ 1.800 – 2.100 giờ nắng, nhất là các tỉnh Điện Biên, Sơn La. Dù ảnh hưởng bởi mùa đông nhưng từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm hoàn toàn có thể khai thác được điện mặt trời.

Trên thực tế, từ những năm 90 cho đến nay, đã có hàng chục nghìn hộ dân đồng bào nông thôn miền núi, hải đảo được sử dụng điện mặt trời thông qua các dự án tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc này chỉ dừng lại ở mức độ độc lập và không có tính thương mại.

Giáo sư Viện sỹ Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho biết, cùng với xu thế phát triển chung của thế giới, hiện ở Việt Nam đang nghiên cứu ứng dụng mô hình điện mặt trời lắp mái vừa để tự dùng vừa có tính thương mại. Điều này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho quốc gia và cả những người dân tham gia đầu tư.

Theo tính toán của Hội Điện lực, với mỗi mái nhà có diện tích khoảng 50 – 60m² là có thể lắp đặt được các tấm pin mặt trời công suất 3 – 4 kW. Tổng số tiền đầu tư cho toàn bộ hệ thống bao gồm tấm pin, ắc quy, invester, công tơ hai chiều… khoảng 80 – 100 triệu đồng, chỉ sau 6 – 7 năm có thể thu hồi vốn. Trong tương lai, số tiền đầu tư sẽ giảm xuống khi các sản phẩm thiết bị ngày càng rẻ hơn, nhất là một số sản phẩm, thiết bị đã sản xuất được ở trong nước.

Sớm ban hành cơ chế giá

Tại Hội thảo phát triển điện mặt trời ở Việt Nam với chủ đề: Cơ hội và thách thức do Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VEA) tổ chức mới đây, các chuyên gia năng lượng cho rằng, với khả năng sản xuất hiện nay, thì suất đầu tư cho điện mặt trời nối lưới càng ngày càng giảm xuống và các hộ dân hoàn toàn có thể đầu tư nếu có cơ chế giá hợp lý.

Với những hộ dân ở nông thôn, miền núi, sản lượng điện tự dùng thấp, lại được ưu đãi nên hoàn toàn có thể kiếm lợi nhuận từ việc bán sản lượng điện thừa lên lưới.

Thống kê cho thấy, cả nước có khoảng 16 triệu hộ dân ở nông thôn, miền núi. Nếu triển khai rộng rãi sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho người dân mà còn cho cả quốc gia.

Chuyên gia Đặng Đình Thống cho rằng, điện mặt trời nối lưới là hoàn toàn khả thi ở cả quy mô công nghiệp lẫn khu vực riêng lẻ. Tuy nhiên, đến nay các chính sách về năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng mặt trời chưa đầy đủ, chưa hình thành, thiếu sự đồng bộ và chưa gắn kết. Dù có nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng điện mặt trời vẫn chưa phát triển. Trong dự thảo do các cơ quan đang lấy ý kiến trình Chính phủ, bên cạnh nhiều ưu đãi, dự kiến giá điện mặt trời là khoảng 11,2 UScents/kWh (tương đương 2.300 đồng và có thể cao hơn).

Một số ý kiến cho rằng, riêng đối với điện mặt trời lắp mái nối lưới quy mô hộ gia đình, Nhà nước cần xây dựng cơ chế ưu đãi, ngoài vấn đề giá còn phải tính đến những hỗ trợ, ưu đãi về nguồn vốn vay, các thủ tục đăng ký lắp, bán điện, thanh toán theo hướng có lợi cho người dân. Nếu được như vậy, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp và hộ dân sẵn sàng tham gia đầu tư.

Nguồn: Baocongthuong