Điện mặt trời ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nội ngoại
Năng Lượng Mặt TrờiNăng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng chín 21, 2018 Năng Lượng News
Có không ít khó khăn khi làm điện mặt trời, trong đó vốn đầu tư và việc nối lưới các dự án này là những vấn đề căn bản.
Hàng loạt dự án điện mặt trời được triển khai
Theo Báo cáo Năng lượng năm 2017, Việt Nam đang chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo để duy trì sản xuất điện mà không làm tăng chi phí sản xuất khi nhu cầu ngày một cao. Trong số các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời ở Việt Nam dần đạt được bước tiến lớn.
Nhờ ưu thế với bức xạ mặt trời lớn, Chính phủ muốn điện mặt trời trở thành nguồn năng lượng tái tạo chính trong tương lai, với công suất lắp đặt tăng từ 6 – 7 megawatt (MW) vào cuối năm 2017 lên 850 MW vào năm 2020, tương ứng 1,6% tổng sản lượng điện của cả nước. Con số này dự kiến tăng lên 12.000 MW vào năm 2030, tương ứng 3,3% tổng sản lượng điện của cả nước.
Công suất điện mặt trời dự kiến đến 2030. (Nguồn: Báo cáo Năng lượng năm 2017)
Bên cạnh đó, quyết định số 11/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam cho phép các doanh nghiệp tham gia dự án được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước áp dụng cho dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.
Nắm bắt cơ hội này, nhiều doanh nghiệp chạy đua làm các dự án điện mặt trời. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đầu tư một số dự án năng lượng mặt trời với tổng công suất lắp đặt là 2.000 MW tại các tỉnh Khánh Hòa, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai.
Công suất dự tính của TTC đến năm 2020 (Đvt: MW)
Doanh nghiệp tư nhân điển hình như Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD triển khai 20 dự án điện mặt trời tại Tây Ninh (công suất 324 MW), Bình Thuận (300 MW), Ninh Thuận (300 MW), Huế (35 MW), Gia Lai (49 MW… suất đầu tư tối đa 20 tỷ đồng/MW với thời gian hoàn vốn dưới 12 năm.
Hiện Thành Thành Công đang triển khai dự án điện mặt trời Phong Điền (Huế) công suất đạt 35 MW và dự án điện mặt trời Krông Pa (Gia Lai) 49 MW. Dự kiến trong quý III, hai dự án sẽ đi vào vận hành.
Ngoài ra có thể kể đến CTCP điện Mặt Trời Trung Nam (Trung Nam Solar Power), thành viên của Trung Nam Group khi triển khai dự án Nhà máy điện Mặt Trời Trung Nam với tổng vốn đầu tư lớn gần 5.000 tỷ đồng vào giữa tháng 7/2017.
Hay như CTCP Thủy điện Miền Trung (Mã: CHP) đầu tư gần 1.400 tỷ đồng xây dựng công trình Nhà máy điện mặt trời Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Thời gian thi công dự kiến trong vòng 1 năm, từ tháng 12/2017. Dự kiến ngày đóng điện bàn giao đi vào vận hành thương mại vào tháng 6/2019.
Một doanh nghiệp đa ngành khác là CTCP Bamboo Capital (Mã: BCG) đang triển khai kế hoạch 100 triệu USD và đầu tư cho 4 dự án tại Long An, Quảng Nam và Gia Lai. Công ty cũng đang xin chủ trương đầu tư dự án điện mặt trời tại hồ Phú Ninh (Quảng Nam) và Ninh Thuận.
Cuối tháng 6, đại gia cá tầm nổi tiếng là CTCP Đầu tư và Xây dựng Vịnh Nha Trang đầu tư 1.200 tỷ đồng dự án nhà máy điện mặt trời Hứu Phước tại Ninh Thuận, với công suất lắp đặt 65 MWp và đấu nối vào hệ thống điện quốc gia qua cấp điện áp 110 kV. Dự kiến nhà máy vận hành trong quý I/2019.
Không riêng gì doanh nghiệp nội, nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia vào các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Gần đây, công ty năng lượng hàng đầu thế giới, B. Grimm Power công bố khoản đầu tư trị giá 35,2 triệu USD để mua 80% cổ phần trong dự án nhà máy điện mặt trời ở Phú Yên, với công suất lắp đặt 257 MW.
Trước đó, B.Grimm Power ký thỏa thuận với Tập đoàn Xuân Cầu để xây dựng và vận hành nhà máy điện mặt trời ở Tây Ninh với công suất 420 MW, lớn nhất Đông Nam Á.
Hiện B.Grimm Power có tổng công suất lắp đặt là 2.091 MW, trong đó hơn 1.200 MW được bán cho hơn 300 nhà máy tại 6 khu công nghiệp ở Thái Lan và Việt Nam.
Cánh đồng điện mặt trời của B.Grimm Power tại Thái Lan
Quỹ chuyên đầu tư tài chính như Dragon Capital cũng nhắm đến đầu tiên trong lĩnh vực năng lượng sạch thông qua dự án điện mặt trời 1.000 tỷ đồng tại TP Cần Thơ với công suất giai đoạn 1 là 40 MW, dự kiến hoàn thành năm 2019.
Hồi tháng 4, nhà thầu EPC Ấn Độ cũng có kế hoạch xây dựng các nhà máy điện mặt trời 250 triệu USD với công suất 300 MW tại Việt Nam.
Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ phát điện với tổng công suất 270 triệu kWh/năm và sẽ giúp Việt Nam giảm phát thải 250 nghìn tấn CO2 mỗi năm.
Điện mặt trời có dễ “ăn”?
Dù có nhiều ưu đãi nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn trước quyết định có nên tham gia vào dự án điện mặt trời hay không.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch Hội đồng quản trị Bamboo Capital cho biết, có rất nhiều khó khăn khi làm điện mặt trời, trong đó vốn đầu tư và việc nối lưới các dự án này là những nguyên nhân căn bản.
Điện mặt trời lên hoặc xuống gần như tức thời nhưng điện sản xuất ra là phải tiêu thụ ngay. Vì tính chất điện mặt trời như vậy nên rất khó khăn cho việc vận hành hệ thống.
Mặt khác, các chính sách liên quan đến phát triển nguồn năng lượng này chưa ổn định. Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ giá mua điện mặt trời ở mức ưu đãi khoảng 2.086 đồng/kWh nhưng chỉ hỗ trợ đến năm 2019.
Theo ông Nam, để phát triển điện mặt trời ở Việt Nam, chính sách hỗ trợ giá này cần được kéo dài hơn nữa, không chỉ trong 3 năm, mà phải 10 – 20 năm, điều này sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm đầu tư”.
Diện tích chiếm đất lớn cũng được cho là khó khăn trong đầu tư phát triển năng lượng mặt trời bởi các tấm pin/lưới năng lượng cần diện tích rất rộng. Do thiếu kinh nghiệm trong việc đầu tư vào điện mặt trời, nhiều doanh nghiệp Việt phải tìm đến các đối tác nước ngoài để hỗ trợ về mặt kỹ thuật.
Ông Nam cho biết, Bamboo Capital dự kiến hợp tác với đơn vị tham gia thiết kế và giám sát Syntegra Solar đến từ Đức sản xuất tấm pin đa tinh thể Poly c-sli với các ưu điểm nổi trội để có thể tiết kiệm diện tích chiếm đất của toàn dự án, tăng năng suất hoạt động.
Tại Hội thảo Tích hợp năng lượng tái tạo: Thách thức và Công nghệ cách đây không lâu, nói về những khó khăn khi đầu tư và các dự án điện mặt trời, ông Venu Nuguti – Phó Chủ tịch Cấp cao của Ban Thiết bị và Hệ thống điện ABB cho biết, điểm nghẽn lớn nhất khiến các dự án điện mặt trời chưa thực sự phổ biến, đó là suất đầu tư quá lớn so với thủy điện hay nhiệt điện than.
Trong khi đó, nhà đầu tư than rằng, ngân hàng khó thẩm định tính khả thi và rủi ro của dự án đầu tư năng lượng sạch dẫn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này càng thêm khó.
Phát triển năng lượng tái tạo sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng, giảm tác động tiêu cực đến môi trường trong sản xuất điện. Ông Venu chia sẻ, khi Việt Nam chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, lưới điện sẽ cần phải thích nghi với nguồn điện năng lượng tái tạo, vốn là nguồn năng lượng không liên tục với đặc tính phát điện phân tán. Khi có sự tham gia của năng lượng tái tạo, thiết kế hệ thống truyền tải và phân phối điện cũng sẽ phải điều chỉnh so với thiết kế truyền thống.
Điều này không chỉ đòi hỏi hợp tác rộng rãi, chặt chẽ hơn trong ngành và hỗ trợ chính sách mà còn cần lựa chọn công nghệ phù hợp, giúp lưới điện hoạt động linh hoạt và thích ứng với mô hình phát điện phân tán và dòng điện đa hướng. Bởi vậy, số hóa chính là chòa khóa tạo ra năng lượng tương lai.
Theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 cent/kWh).
Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá USD/VNĐ và giá này chỉ áp dụng cho các dự án nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện (solar cell) lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15%.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 đến ngày 30/6/2019.
Nguồn: Vietnambiz