Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Trong bối cảnh nguồn nước đang gặp khó khăn, nhất là vào thời điểm đầu năm, nước trên sông, hồ cạn kiệt, điều này... Điện mặt trời  – “cứu cánh” cho thủy điện thời thiếu nước

Trong bối cảnh nguồn nước đang gặp khó khăn, nhất là vào thời điểm đầu năm, nước trên sông, hồ cạn kiệt, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp và sản xuất điện trước mắt và lâu dài.

Nhiều nguồn năng lượng được đề xuất để góp sức chung cùng thủy điện, trong đó điện mặt trời là khả thi nhất.

Thiếu nước dẫn đến thiếu điện

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), năm 2019, tổng dung tích hữu ích hiện có ở hồ chứa thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường 15 tỷ m3, trong đó riêng với 3 hồ chứa lớn lưu vực sông Hồng (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình) đã thiếu hụt gần 7,3 tỷ m3. Hiện Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đề nghị tổ chức 3 đợt đổ ải với tổng số ngày đổ ải là 18 ngày và lượng nước cấp cho hạ du, phục vụ mục tiêu tưới tiêu ở Đồng bằng Bắc Bộ khoảng 4 tỷ m3.

Trong khi đó, riêng với hồ Thủy điện Hòa Bình ngoài việc sản xuất điện còn có nhiệm vụ xả nước xuống hạ du để cấp nước cho nhà máy nước sông Đà với lưu lượng tối thiểu là 400m3/s, đây là sản lượng liên tục phải duy trì để nhà máy nước sông Đà lọc nước, cấp nước cho Thủ đô Hà Nội. Ông Tuấn nhận định, với tình hình thiếu nước như hiện nay và nhu cầu điện ngày càng tăng cao thì việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu về điện là hết sức khó khăn.

Điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo góp phần quan trọng vào nguồn điện năng của đất nước

Được biết, năm 2019 hệ thống điện huy động 40% từ nguồn thuỷ điện, nếu không có nguồn dự phòng sẽ ảnh hưởng tới hệ thống điện. Đứng trước tình hình này, Bộ Công thương đang hoàn tất Dự thảo Chỉ thị về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 dự kiến Chỉ thị sẽ được Thủ tướng phê duyệt trong tháng 2 này. Nội dung chính của Chỉ thị đặt ra yêu cầu, giai đoạn 2020-2025 cả nước phải phấn đấu mỗi năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ, đồng thời yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân nghiêm túc thực hiện việc tiết kiệm điện.

Điện mặt trời – Giải pháp tối ưu

Nhận thấy sự ‘bấp bênh” từ nguồn nước cung cấp cho thủy điện, Chính phủ đã có chủ trương phát triển thêm năng lượng mặt trời, năm 2019 đã cung cấp khoảng 4.800 – 4.900 MW, là nguồn năng lượng mới đóng góp vào nguồn điện năng của đất nước.

Theo công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) thì Việt Nam có thể tăng công suất điện mặt trời từ 4,5 gigawatt hiện nay lên hàng chục gigawatt trong 10 năm tới nếu áp dụng phương pháp tiếp cận mới trong đấu thầu để lựa chọn và triển khai các dự án.

WB đã kiến nghị hai phương án mới, đó là đấu thầu cạnh tranh công viên điện mặt trời và đấu thầu cạnh tranh dựa vào công suất khả dụng ở các trạm biến áp điện, lộ đường dây. Các phương pháp tiếp cận này sẽ giải quyết được vấn đề về giảm phát cũng như cải thiện chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân.

Đợt đấu thầu thí điểm đầu tiên (đấu thầu cạnh tranh quy mô 500 MW theo trạm biến áp và 500 MW công viên điện mặt trời mặt đất) dự kiến bắt đầu vào nửa cuối năm 2020, với hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của WB.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam cho biết: “WB cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt được tham vọng năng lượng bền vững của mình. Chiến lược này sẽ mở ra một chương mới về phát triển điện mặt trời vốn đã rất thành công ở Việt Nam”.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thì hỗ trợ của WB cho Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi từ chính sách giá bán điện mặt trời cố định sang chính sách đấu thầu cạnh tranh sẽ giúp lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam phát triển bền vững, minh bạch, cạnh tranh và đảm bảo hài hòa lợi ích nhà đầu tư – nhà nước – người dân. Đặc biệt, phát triển các dự án điện mặt trời là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam đạt các mục tiêu biến đổi khí hậu về cắt giảm khí thải trong “đóng góp do quốc gia tự quyết định” (NDC) và giảm nhu cầu phát triển các dự án điện than mới.

Nguồn: Báo TN&MT