Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Dùng điện mặt trời người dân có thể giảm được 70-90% tiền điện hàng tháng. Tuy nhiên đầu tư cho điện mặt trời hiện... Đầu tư điện mặt trời quá thấp so với tiềm năng

Dùng điện mặt trời người dân có thể giảm được 70-90% tiền điện hàng tháng. Tuy nhiên đầu tư cho điện mặt trời hiện còn quá thấp so với tiềm năng.

Nhà có diện tích nhỏ làm sao lắp điện mặt trời? Giá cả ra sao, thiết bị nào chất lượng? Nhà nước có chính sách hỗ trợ gì để nhiều người có thể sử dụng nguồn năng lượng sạch này?… Những nội dung bạn đọc quan tâm đã được giải đáp, bàn thảo tại buổi tọa đàm kết hợp giao lưu trực tuyến “Điện mặt trời, ích nước lợi nhà” tổ chức tại báo Tuổi Trẻ ngày 10-5.

Đầu tư quá thấp so với tiềm năng

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Trần Viết Nguyên – phó trưởng ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – cho biết một khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy điện mặt trời trên mái nhà tại các tỉnh thành phía Nam có thể phát triển đến 6.700MW.

Tuy nhiên qua khảo sát trên toàn quốc chỉ mới có hơn 3.000 trường hợp lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà với công suất chỉ khoảng 40MW. Trong đó, chủ yếu tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam.

Nhiều bạn đọc gửi câu hỏi về buổi giao lưu trực tuyến bày tỏ mong muốn được lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, nhưng còn nhiều băn khoăn về cách thức thực hiện, quy chuẩn kỹ thuật lắp đặt, lắp bao nhiêu thì đủ dùng cho sinh hoạt trong gia đình.

Cụ thể, bạn đọc Minh Quân thắc mắc: “Cần bao nhiêu diện tích lắp đặt được 1kWp? Mỗi ngày sản sinh ra bao nhiêu điện, đủ dùng cho thiết bị nào, giá đầu tư ra sao, nếu điện dư xài thì bán cho ngành điện giá thế nào?”. Đây cũng là thắc mắc của rất nhiều bạn đọc.

Theo ông Thái Huy Đức (Công ty cổ phần đầu tư Điện Xanh), để đầu tư 1kWp cần diện tích khoảng 6-8m2. Nếu một hộ lắp đặt từ 3-5kWp, mỗi tháng sinh ra được 360 – 600kWh điện. Trường hợp khách hàng phải trả tiền điện từ 800.000 đến 2,5 triệu đồng/tháng thì lượng điện mặt trời giúp giảm tiền điện từ 70-90%.

Mặt khác, do điện mặt trời nối lưới điện quốc gia nên người dân không phải lo việc thiếu điện vì khi công suất sử dụng lớn hơn công suất lắp đặt điện mặt trời thì sẽ có nguồn từ điện lưới bù vào.

Ngược lại, những lúc người dân không sử dụng điện, điện mặt trời sẽ phát lên lưới và được đồng hồ đo đếm để ngành điện trả tiền với đơn giá năm 2019 là 2.134 đồng/kWh.

Về chi phí đầu tư thiết bị, theo ông Đức, hiện nay vào khoảng 18-20 triệu đồng/kW.

Chất lượng ra sao?

Ngoài giá cả, chất lượng thiết bị cũng là vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm. Theo ông Nguyễn Văn Lý, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam, trên thị trường hiện nay có hơn 50 đơn vị, công ty cung cấp tấm pin năng lượng mặt trời. Trong đó có khoảng 95% xuất xứ từ Trung Quốc dù có thể là công nghệ châu Âu.

Vì vậy trước khi khách hàng lắp đặt và nối lưới, ngành điện sẽ có một đơn vị thí nghiệm điện kiểm tra chất lượng thiết bị của khách hàng trước khi nối lưới.

Ông Trần Khiêm Tuấn, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện cho người dân lắp đặt điện mặt trời nối lưới điện quốc gia và lắp đặt đồng hồ hai chiều miễn phí cho khách hàng.

Về vấn đề chất lượng, ông Tuấn cho rằng nhà sản xuất phải công bố chỉ tiêu kỹ thuật để Sở Công thương và cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát.

Ông Huỳnh Đình Hiệp, giám đốc đầu tư Công ty cổ phần Năng lượng điện mặt trời Việt Nam (SPUC), cho rằng không chỉ hộ dân mà các doanh nghiệp khi lắp đặt nên tìm hiểu, chọn những công ty có uy tín, sử dụng các thiết bị của các nhà cung cấp có tên tuổi để đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, theo ông Thái Huy Đức, trước khi lắp đặt khách hàng cần trao đổi xem giá đầu tư đã trọn gói hay chưa để tránh những “bẫy” chi phí phát sinh.

Trao đổi lại ý kiến cho rằng điện mặt trời chỉ dành cho tầng lớp trung lưu, ngành điện có kiến nghị chính sách gì để điện mặt trời đến được đại đa số người dân, ông Trần Viết Nguyên cho rằng giá mua điện mặt trời mái nhà 9,35 cent/kWh (2.134 đồng/kWh) là một cơ chế ưu đãi.

Nhìn nhận mặc dù suất đầu tư điện mặt trời đã giảm nhưng vẫn còn cao, nhất là đối với người thu nhập thấp, ông Trần Viết Nguyên cho biết hiện EVN đang nghĩ tới nhiều giải pháp như: sẽ thuê mặt bằng của người dân để đầu tư bán điện lại với giá ưu đãi (mô hình đầu tư ESCO); hoặc trường hợp người dân đầu tư điện mặt trời một thời gian, nhưng không muốn đầu tư nữa thì ngành điện nghiên cứu giới thiệu một bên thứ 3 vào tiếp quản.

Ngoài ra, EVN đứng ra thu xếp với các tổ chức tài chính cho khách hàng vay lắp đặt điện mặt trời với lãi suất ưu đãi nhất…

Dự kiến hỗ trợ 2 triệu đồng/suất đầu tư điện mặt trời

Theo ông Trần Viết Nguyên, mỗi quốc gia có chính sách ưu đãi phát triển nguồn năng lượng tái tạo khác nhau. Ví dụ ở Úc, nhà nước hỗ trợ tiền trực tiếp cho nhà đầu tư 2.000 USD/suất đầu tư. Ở Hàn Quốc và Ấn Độ hỗ trợ từ 20-30% chi phí đầu tư.

Hiện EVN đang phối hợp cùng Ngân hàng Tái thiết Đức tiếp cận với nguồn vốn trị giá 14 triệu EUR. Nếu được tiếp cận nguồn vốn này, khả năng sắp tới EVN sẽ hỗ trợ trực tiếp 2 triệu đồng đối với cá nhân đầu tư điện mặt trời nhằm giảm phần nào chi phí đầu tư cho các hộ gia đình.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ