“Cú hích” mới cho các dự án năng lượng mặt trời
Năng Lượng Mặt TrờiNăng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng Tám 25, 2018 Năng Lượng News
Hơn 1 năm thực hiện Quyết định số 11/2017/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 16/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương về điện mặt trời đã góp phần gỡ bỏ những “nút thắt”, tạo “cú hích” mới cho các dự án năng lượng mặt trời phát triển.
Với các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời của Chính phủ, lĩnh vực năng lượng tái tạo này đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), sau hơn 1 năm triển khai, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam và Thông tư 16/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời (gọi tắt là Thông tư 16) đã tạo được “cú hích” cho thị trường điện mặt trời tại Việt Nam.
Đặc biệt, cơ chế dành cho các dự án điện mặt trời quy mô lớn đã dần thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo này.
Số liệu của Phòng Năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho thấy, tính đến ngày 18/6, đã có 100 dự án điện mặt trời quy mô lớn được bổ sung vào quy hoạch điện cấp tỉnh/quốc gia. Trong đó, tổng công suất đăng ký là 4,7 GW vào năm 2020 và thêm 1,77 GW sau năm 2020.
Với các dự án điện mặt trời lắp mái, tính đến cuối tháng 7/2018, đã có gần 750 dự án được triển khai trên cả nước, với tổng công suất 11,55 MWp.
Tuy đã tạo được tín hiệu đáng mừng nhưng việc triển khai các dự án điện mặt trời cũng đang gặp một số vướng mắc về quy trình đấu nối; mâu thuẫn với quy định về thuế trong việc bán lại sản lượng điện dư của các dự án điện mặt trời áp mái; các chứng nhận về inverter…
Nhiều ý kiến của các chuyên gia thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo cho rằng, cần sớm tháo gỡ những vướng mắc này, thì mới tạo động lực thúc đẩy cho điện mặt trời phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.
Được biết, hiện nay, Bộ Công Thương đang xem xét trình Chính phủ sửa đổi cơ chế giá FIT – cơ chế giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo, đối với dự án điện mặt trời áp dụng sau tháng 6/2019; cơ chế đấu thầu riêng, hợp đồng mua bán điện cho các dự án điện mặt trời. Đồng thời, trình Chính phủ xem xét điều chỉnh Quyết định số 11 để giải quyết những vấn đề liên quan đến thuế cho các dự án điện mặt trời áp mái.
Nguồn: Báo Chính Phủ