Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký... Chính sách giá FIT 2 và những thách thức của nhà đầu tư điện mặt trời

Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ban hành ngày 06/4/2020 đã kết thúc “khoảng trống chính sách” hơn 9 tháng (kể từ khi Quyết định 11 hết hiệu lực vào ngày 30/6/2019). Đây là một tín hiệu đáng mừng song cũng đặt ra nhiều thách thức cho các nhà đầu tư điện mặt trời khi phải “chạy đua” với thời gian để kịp hưởng giá FIT 2.

Áp lực thời gian trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19

Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam với biểu giá điện mặt trời cố định (FIT) đã thúc đẩy ngành điện mặt trời bùng nổ, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về thị trường điện mặt trời. Nhưng sau đó, khi Quyết định 11 hết hiệu lực thi hành vào ngày 30/6/2019 và chưa có chính sách nối tiếp đã khiến nhiều dự án rơi vào tình trạng cầm chừng, phấp phỏng chờ đợi. “Khoảng trống chính sách” đã kéo dài hơn 9 tháng, cho đến khi Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg với biểu giá FIT 2 có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020 và thời hạn áp dụng đến hết ngày 31/12/2020.

Theo Quyết định số 13 này, những dự án điện mặt trời hòa lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ ngày 01/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 thì dự án hoặc một phần dự án đó sẽ được áp dụng Biểu giá FIT 2. Các dự án còn lại sẽ không được áp cơ chế giá FIT 2 mà sẽ thông qua cơ chế đấu thầu cạnh tranh. Như vậy, sau thời gian phấp phỏng chờ đợi, khi có chính sách mới, doanh nghiệp lại phải “chạy đua” với thời gian để kịp thời hạn hưởng giá FIT 2. Với khoảng thời gian 7-8 tháng, đây là một thách thức lớn, nhất là với các dự án có công suất từ 50MWp trở lên. Bởi vì, các doanh nghiệp còn cần thời gian để ngân hàng thẩm định hồ sơ kỹ thuật và giải ngân, lựa chọn nhà đầu, đấu thầu mua thiết bị, thi công lắp đặt, chạy thử nghiệm và có chứng chỉ phát điện… Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở trên khắp thế giới và Việt Nam, ảnh hưởng đến việc huy động nhân lực, vật lực, nhập khẩu thiết bị…, các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời càng thêm áp lực.

chinh-sach-gia-fit-2-va-nhung-thach-thuc-cua-nha-dau-tu-dien-mat-troi-1Các dự án điện mặt trời hòa lưới mới phải “chạy đua” với thời gian để được áp dụng Biểu giá FIT 2 (Ảnh minh họa)

Với điện mặt trời áp mái, giá FIT 2 cũng chỉ áp dụng cho các hệ thống có thời điểm vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trước ngày 01/01/2021 (thời gian áp dụng 20 năm). Nhiều chuyên gia cho rằng đây là khoảng thời gian quá ngắn trong điều kiện dịch bệnh và phía Nam lại sắp vào mùa mưa.

Nên gia hạn thời gian thực hiện chính sách giá FIT 2?

Mới đây, hơn 120 đại biểu đại diện cho các Quỹ đầu tư, chủ dự án, doanh nghiệp thi công – xây lắp và cung cấp dịch vụ điện mặt trời, các chuyên gia, người tiêu dùng và giới truyền thông đã có buổi tọa đàm trực tuyến, thảo luận xung quanh Chính sách FIT 2 trong bối cảnh hiện nay. Tại buổi Tọa đàm này, các đại biểu tham dự đều cho rằng Chính phủ nên gia hạn thời gian thực hiện FIT 2 và cần sớm ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện để đủ thời gian cho các nhà đầu tư điện mặt trời hưởng ưu đãi từ chính sách này.

chinh-sach-gia-fit-2-va-nhung-thach-thuc-cua-nha-dau-tu-dien-mat-troi-2Gia hạn thời gian thực hiện FIT 2, nhất là với điện mặt trời áp mái, sẽ giúp nhiều người dân và doanh nghiệp có cơ hội kịp đầu tư điện mặt trời (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, với điện mặt trời áp mái, đây là một định hướng ưu tiên trong Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành năng lượng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nước ta có nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời áp mái, mô hình này cũng mang lại nhiều lợi ích (như: thu hút nguồn đầu tư sẵn có từ xã hội, giúp phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bổ sung nguồn điện vào giờ cao điểm mà không cần Nhà nước đầu tư thêm cơ sở hạ tầng…). Do đó, phải chăng “nên gia hạn chính sách giá FIT 2 tối thiểu đến cuối năm 2021 để người dân và doanh nghiệp có cơ hội kịp đầu tư điện mặt trời mái nhà” (Phát biểu của ông Phạm Nam Phong – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện mặt trời Vũ Phong – tại buổi Tọa đàm).

Cũng trong buổi Tọa đàm, ông Phạm Nam Phong đưa ra kiến nghị nên có FIT 3 theo hướng ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà phân tán, ưu tiên giá cao hơn ở những vùng có bức xạ thấp như miền Bắc. Ngoài ra, tại mỗi vùng nên có giá ưu đãi hơn đối với các hệ thống nhỏ (<100kWp) do suất đầu tư hệ thống nhỏ cao hơn. Những chính sách này sẽ giúp khuyến khích nhiều người dân và doanh nghiệp nhỏ tham gia đầu tư điện mặt trời mái nhà, từ đó giúp giảm nguy cơ thiếu điện đang cận kề trong khi các nguồn điện lớn và đường dây truyền tải chưa thể triển khai trong thời gian tới.

Nguồn: Vuphong.vn