Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Chính phủ Italia ngày 10-11-2017 đã chính thức thông qua chiến lược năng lượng quốc gia mới tầm nhìn 2030, trong đó đáng chú... Chiến lược năng lượng mới của Italia

Chính phủ Italia ngày 10-11-2017 đã chính thức thông qua chiến lược năng lượng quốc gia mới tầm nhìn 2030, trong đó đáng chú ý có việc phải đóng cửa các nhà máy điện than từ nay đến năm 2025.

Phát triển năng lượng tái tạo

Sau gần 1 năm tham vấn, Italia đã thông qua chiến lược năng lượng mới của mình nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của đất nước, chống lại sự ấm lên toàn cầu và tăng cường an ninh năng lượng. Italia có kế hoạch tăng gấp đôi đầu tư cho nghiên cứu về năng lượng sạch và công nghệ mới (từ 222 triệu euro năm 2013 lên 444 triệu euro năm 2021).

chien-luoc-nang-luong-moi-cua-italia

Chiến lược trên được coi là biểu tượng của quá trình chuyển đổi năng lượng của Italia, đồng thời cũng đặt ra một số mục tiêu như tiếp tục triển khai các nguồn năng lượng tái tạo để chiếm 28% tổng mức cung cấp năng lượng cho Italia vào năm 2030 (so với 17,5% của năm 2015).

Khí tự nhiên sẽ là nhiên liệu chủ đạo

Để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng của mình, Italia lên kế hoạch giảm tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ (giảm 13 triệu tấn dầu quy đổi mỗi năm từ nay đến năm 2030) và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng lên 30%.

Các mục tiêu trên là điều kiện tiên quyết để Italia giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Năm 2015, Italia nhập khẩu đến 76% tổng mức năng lượng. Nước này đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm mức năng lượng nhập khẩu xuống còn 64%. Nếu làm được điều đó, Italia có thể giảm được chi tiêu cho năng lượng hằng năm và qua đó hy vọng giảm giá điện trong nước xuống. Hiện nay, giá điện tại Italia thuộc nhóm các nước cao nhất trong Liên minh châu Âu.

Theo chiến lược năng lượng mới, khí tự nhiên vẫn sẽ duy trì một vị trí trung tâm trong hỗn hợp năng lượng của Italia. Hiện nước này nhập khẩu tới gần 90% nhu cầu tiêu thụ khí tự nhiên. Italia đang thúc đẩy các dự án xây dựng đường ống dẫn khí như TAP (Trans Adriatic Pipeline) với Azerbaijan và EastMed với các nước phía đông Địa Trung Hải. Italia cũng đang quan tâm tới các dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu.

Trong dự báo hằng năm được công bố ngày 14-11, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng, khí đốt đặc biệt quan trọng ở các nước hiện phụ thuộc rất nhiều vào than (Trung Quốc và Ấn Độ) và đối với những trường hợp mà việc thay thế năng lượng tái tạo chưa thể làm ngay lập tức thì có thể dùng khí đốt. Với tỷ trọng 16% sản lượng điện trong năm 2016, điện than của Italia thuộc loại cao nhất châu Âu cho nên việc chú trọng vào khí đốt của nước này trong thời gian tới là rất hợp lý. Khí tự nhiên và dầu mỏ mỗi loại chiếm 38,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng của Italia vào năm 2016.

Italia đã hoàn thành các mục tiêu trong chương trình gói năng lượng và biến đổi khí hậu châu Âu: giảm khoảng 20% lượng phát thải khí nhà kính trong khoảng thời gian từ giữa năm 1990 đến năm 2014, trong khi mục tiêu là giảm 18% vào năm 2020. Italia đã đặt ra mục tiêu giảm lượng phát thải 39% vào năm 2030 và 63% vào năm 2050 (so với mức của năm 1990).

Nguồn petrotimes.vn