Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Chi phí điện mặt trời ngày càng rẻ hơn điện than Chi phí điện mặt trời ngày càng rẻ hơn điện than
Theo Tổ chức nghiên cứu tài chính Carbon Tracker, chi phí sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó bao... Chi phí điện mặt trời ngày càng rẻ hơn điện than

Theo Tổ chức nghiên cứu tài chính Carbon Tracker, chi phí sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó bao gồm cả chi phí điện mặt trời đang thấp hơn so với các nhà máy điện than ở tất cả các thị trường lớn.

60% các nhà máy điện than có chi phí sản xuất điện cao hơn nhà máy năng lượng tái tạo

Năng lượng tái tạo ngày càng phát triển, thị trường toàn cầu đang thức đẩy quá trình chuyển đổi sang các dạng năng lượng carbon thấp, tối ưu công nghệ để nâng cao sản lượng và hạ chi phí sản xuất. Theo báo cáo do Tổ chức nghiên cứu tài chính Carbon Tracker (trụ sở ở London, Anh) công bố, hơn 60% các nhà máy điện than trên toàn thế giới đang sản xuất điện với chi phí cao hơn so với giá sản xuất điện từ các nhà máy năng lượng tái tạo. Dự kiến muộn nhất là trong 10 năm nữa, việc xây dựng nhà máy điện mặt trời hoặc nhà máy điện gió sẽ có chi phí thấp hơn so với việc tiếp tục vận hành nhiệt điện than ở thị trường của tất cả các nước.

Trước đó, theo cảnh báo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), nếu không thực hiện việc cắt giảm lượng khí thải với khối lượng lớn thì trong vòng 20 năm tới, nhiệt độ trên toàn cầu sẽ tăng lên với mức 1,5 độ C. Để hạn chế điều này, thế giới kêu gọi giảm sử dụng than đá, các nước phương Tây đang dần loại bỏ các hệ thống năng lượng khỏi năng lượng than, thay vào đó là sử dụng năng lượng tái tạo, khí đốt, Hoa Kỳ không có kế hoạch xây dựng nhà máy điện than mới. Việc hạ thấp chi phí điện gió, chi phí điện mặt trời khiến điện than không còn là dạng năng lượng rẻ nhất trong các thị trường lớn. Có khoảng 42% nhà máy điện than toàn cầu đang gặp khó khăn về kinh tế do chi phí nhiên liệu tăng cao, không còn lợi nhuận; trong đó có 25% bị thua lỗ. Dự kiến đến năm 2040, số nhà máy gặp khó khăn sẽ tăng thêm 30% do giá than tăng cao và việc tăng chi phí vì các quy định về ô nhiễm không khí.

chi-phi-dien-mat-troi-ngay-cang-re-hon-dien-than-3Nhiều quốc gia tuyên bố sẽ dần đóng cửa các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu than như một phần của chiến lược cắt giảm khí thải nhà kính theo thỏa thuận Paris về khí hậu (Ảnh minh họa)

Ấn Độ: chi phí điện mặt trời rẻ hơn điện than 14%

Ấn Độ là nước đầu tiên trên thế giới có chi phí điện mặt trời (bao gồm chi phí xây dựng, vay vốn đầu tư cho nhà máy mới – đã loại bỏ tác động của các khoản trợ cấp trực tiếp) thấp hơn chi phí sản xuất điện than, và thấp hơn đến 14% vào năm 2018. Trong 8 năm (từ năm 2010 đến năm 2018), chi phí lắp đặt điện mặt trời tại Ấn Độ đã giảm 84% và quốc gia này cũng đang dẫn đầu tốc độ phổ cập điện mặt trời. Ấn Độ đã đặt mục tiêu công suất năng lượng tái tạo sẽ đạt 175 GW vào năm 2022, trong đó có 100 GW điện mặt trời. Thủ tướng Ấn Độ Shri Narendra Modi vào tháng 9/2019 đã nêu mục tiêu mới là 450 GW năng lượng tái tạo vào năm 2040.

chi-phi-dien-mat-troi-ngay-cang-re-hon-dien-than-2.jpgCông viên năng lượng Mặt Trời Gujarat của Ấn Độ (Ảnh internet)

Theo các nhà phân tích thuộc Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie (Anh), chi phí điện mặt trời ở Ấn Độ có thể sẽ rẻ hơn đến gần 50% so với điện than trong 10 năm tới. Các nhà phân tích cũng cho rằng, ở khắp khu vực châu Á, chi phí sản xuất điện mặt trời và điện gió sẽ thấp hơn 17% so với điện than vào năm 2030.

Trên toàn thế giới, 499 GW nhiệt điện than đang được xây dựng hoặc đã được lên kế hoạch xây dựng, tổng chi phí là khoảng 638 tỉ bảng Anh. Tuy nhiên, Tổ chức Carbon Tracker cảnh báo rằng, với chi phí điện mặt trời và năng lượng tái tạo ngày càng giảm, Chính phủ các nước và các nhà đầu tư có thể không thu hồi được số vốn đầu tư trên vì các nhà máy nhiệt điện than thường phải mất 15-20 năm để hoàn vốn. Hiện tại, ngày càng nhiều nhà đầu tư đã gây sức ép với các công ty và các tổ chức tài chính nhằm sắp xếp danh mục đầu tư phù hợp với thỏa thuận khí hậu Paris (COP21). Tỷ phú ngành tài chính Anh Christopher Hohn đã kêu gọi các ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính lớn của Anh cũng như EU chấm dứt cung cấp tài chính cho lĩnh vực điện than. Ông còn đưa ra đe dọa kiện Barclays, HSBC và Standard Chartered nếu họ tiếp tục cung cấp tài chính cho các dự án điện than mới vì “than là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất trên toàn cầu”.

Tuy việc chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng carbon thấp thay thế cho năng lượng từ các nguồn nguyên liệu hóa thạch vẫn còn nhiều thử thách ở phía trước nhưng chi phí điện mặt trời và năng lượng tái tạo ngày càng giảm là tín hiệu tích cực cho sự phát triển của năng lượng sạch trong tương lai.

Nguồn: Vuphong.vn