Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Chỉ đạo của Chính phủ và những kiến nghị của Tập đoàn Chỉ đạo của Chính phủ và những kiến nghị của Tập đoàn
Nangluong.news – Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ 2016 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam,... Chỉ đạo của Chính phủ và những kiến nghị của Tập đoàn

Nangluong.news – Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ 2016 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ban Tổng giám đốc PVN đã có những kiến nghị mang tính cụ thể hóa về những vấn đề mà hiện nay tập đoàn đang đối mặt. Báo Năng lượng Mới lược ghi lại những một số nội dung liên quan đến từng lĩnh vực.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: Các giải pháp Petrovietnam cần làm trong năm 2016

chi-dao-cua-chinh-phu-va-nhung-kien-nghi-cua-tap-doan

Trước hết, Tập đoàn phải bám sát các diễn biến và chủ động dự báo giá dầu trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Đây là một việc khó, nhưng chúng ta phải thường xuyên xem xét và điều chỉnh kế hoạch trước những tác động của thị trường.

Tập đoàn phải tiếp tục xây dựng chương trình cắt giảm chi phí. Các đồng chí đã làm năm vừa rồi là rất tốt, thời gian tới tiếp tục phải làm.

Thứ hai, phải tích cực ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, phải tiếp tục củng cố công tác điều phối sản lượng khai thác, xuất khẩu chế biến để bảo đảm cho có hiệu quả giữa các chỉ tiêu tăng GDP, chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước…

Về các cơ chế, các đồng chí có đề nghị một loạt ý kiến, chúng tôi cũng đề nghị các đồng chí xây dựng các cơ chế đặc thù và làm việc với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để có nội dung, giải pháp cụ thể trình lên Thủ tướng Chính phủ giải quyết.

Thứ tư, cùng với Bộ Công Thương trình Chính phủ về quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến 2025, định hướng đến 2035, đó là những nội dung quan trọng để chúng ta định hướng cho ngành Dầu khí phát triển trong thời gian tới. Tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong việc triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, phù hợp với kế hoạch bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên Biển Đông. Tình hình Biển Đông trong thời gian tới tiếp tục sẽ hết sức phức tạp, đòi hỏi ngành Dầu khí phải hết sức cảnh giác.

chi-dao-cua-chinh-phu-va-nhung-kien-nghi-cua-tap-doan_4

Thứ năm, cần xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích khâu tìm kiếm thăm dò. Hằng năm ngành Dầu khí hoạt động rất mạnh mẽ trên vùng chủ quyền của chúng ta, đấy là điều kiện bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển của chúng ta. Nếu cắt giảm hoạt động này thì sẽ tác động rất lớn đến việc khẳng định quyền của chúng ta trên Biển Đông.

Thứ sáu, các đồng chí phải xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp. Vấn đề này năm nào cũng nói nhưng các đồng chí vẫn chưa làm tốt. Tôi đề nghị Tập đoàn và từng đơn vị thành viên phải xây dựng chương trình, đưa ra chỉ tiêu để nâng cao quản trị doanh nghiệp.

Vấn đề thứ bảy, dầu khí là ngành có trình độ công nghệ cao, có lực lượng khoa học kỹ thuật và quản lý tốt nhất trong tất cả các ngành công nghiệp của Việt Nam. Nhiều cán bộ kỹ sư của ngành khi ra nước ngoài làm việc được người sử dụng đánh giá rất cao, nhưng việc sử dụng người tài trong ngành vẫn chưa được tốt. Các đơn vị phải xem lại chế độ đào tạo, quy hoạch, sử dụng người tài như thế nào, bởi người tài không phải chỉ cần cho ngành, cho Tập đoàn mà cho cả đất nước.

Nếu Tập đoàn không tạo được một cơ chế chuẩn trong việc đào tạo và sử dụng năng lực của những người có trình độ, có tâm, có tầm thì sẽ mất đi nguồn tiềm năng lớn. Các đồng chí phải đánh giá một cách sâu sắc về công tác cán bộ. Phải làm sao để mỗi cán bộ, kỹ sư, nhà quản lý, công nhân trong ngành Dầu khí đều được phát huy hết năng lực, trí tuệ của mình, đóng góp cho sự phát triển của ngành Dầu khí một cách công bằng, công khai, minh bạch. Nếu không cẩn thận chúng ta sẽ “chảy máu” cán bộ, mất đi dần những người tài.

Còn nhớ, khi khởi động lại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chúng ta phải đi đào tạo lại một loạt cán bộ quản lý vận hành. Có những lúc chúng ta đã tưởng không thể nào làm được. Chúng ta đã phải ký hợp đồng thuê phía Rumani vài ba năm… Nhưng chỉ rất nhanh sau đó, khi nhà máy đi vào vận hành, chính phía Rumani đã khẳng định đội ngũ của Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ. Vì thế, nếu chúng ta không duy trì, phát triển, giữ được đội ngũ này thì sẽ mất đi nguồn tiềm năng rất to lớn của đất nước. Tôi rất mong lãnh đạo Tập đoàn nhìn nhận và chuẩn bị kế hoạch công tác cán bộ một cách bài bản cho 5, 10, 20 năm tới.

Vấn đề nữa là Chính phủ đang đưa ra chương trình phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời, điện thủy triều, dòng hải lưu…) rất mạnh mẽ… Chúng ta đang đưa ra những cơ chế giá hấp dẫn để thu hút các hình thức đầu tư. Tôi mong điện lực, dầu khí, than là các tập đoàn Nhà nước chủ công trong ngành năng lượng phải đi đầu trong đầu tư và phát triển, làm chủ công nghệ về năng lượng mới và tái tạo. Đây là tiềm năng hết sức lớn và là một cứu cánh cho chúng ta khi mà hiện tại chưa nhìn đâu ra nguồn năng lượng bù đắp cho chúng ta trong 50 năm, 100 năm tới. Chính vì vậy, phát triển năng lượng mới và tái tạo là một hướng đi đòi hỏi các Tập đoàn, doanh nghiệp, các nhà khoa học trong ngành năng lượng phải dồn sức, dồn tâm vào để triển khai, thực hiện thành công Chiến lược năng lượng mới và tái tạo mà Chính phủ mới ban hành.

Phó tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Quốc Thập: Cần tăng vốn cho khâu tìm kiếm, thăm dò

chi-dao-cua-chinh-phu-va-nhung-kien-nghi-cua-tap-doan_3

Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh về lĩnh vực thăm dò khai thác vẫn rất thách thức. Nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dự kiến khoảng 320 ngàn tỉ đồng, chiếm 45% tổng nhu cầu đầu tư của toàn Tập đoàn, trong đó lĩnh vực thăm dò khai thác của Tập đoàn là 120 nghìn tỉ đồng và của Tổng Công ty Thăm dò  Khai thác Dầu khí (PVEP) là 210 nghìn tỉ đồng, riêng cho nhu cầu tìm kiếm, thăm dò là xấp xỉ 84 nghìn tỉ đồng. Như vậy, nhu cầu vốn trong lĩnh vực thăm dò khai thác giai đoạn 2016-2020 tăng 95 ngàn tỉ đồng so với giai đoạn 2011-2015. Với phương án giá dầu trung bình cho cả 5 năm hiện nay đang dự kiến ở một mức có thể cho là khả quan đó là 65USD/thùng. Dự kiến nộp ngân sách từ thăm dò khai thác của toàn Tập đoàn đạt 280 ngàn tỉ đồng. Như vậy, giảm so với cùng kỳ 5 năm trước là 300 ngàn tỉ đồng. Về cân đối tài chính nếu với quy định hiện nay, mức trích lập quỹ của hoạt động tìm kiếm, thăm dò là 10% thì Tập đoàn sẽ không đủ nguồn để chi cho đầu tư cho hoạt động tìm kiếm thăm dò và thiếu hụt khoảng 60 ngàn tỉ đồng cho cả thăm dò và khai thác.

Với thực trạng trên, thì sẽ có rất nhiều khó khăn và vướng mắc đối với Tập đoàn và các đơn vị trong năm 2016. Tập đoàn đã và đang triển khai nhiều giải pháp  nội bộ từ cấp Tập đoàn xuống đến các đơn vị, đồng thời cũng có các văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét và sớm giải quyết các kiến nghị cụ thể như sau:

Đối với Tập đoàn, về quỹ tìm kiếm thăm dò, chúng tôi kiến nghị với Chính phủ được nâng tỷ lệ tổng quỹ hằng năm từ 10% lên tối thiểu 30% lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn. Về cơ chế, chính sách thuế, Chính phủ và các bộ, ngành sớm ban hành cơ chế thuế tài nguyên ưu đãi cho các mỏ cận biên, các dự án nâng cao hệ số thu hồi. Về quỹ phát triển hạ tầng, cho phép trích quỹ cho khu vực các mỏ nhỏ như Nam Côn Sơn, Tây Nam Bộ, các mỏ nhỏ không thể phát triển độc lập và không có cơ sở hạ tầng. Về cơ chế giá khí, quy mô các mỏ này nhỏ giá thành cao, cần phải có cơ chế thị trường để khuyến khích phát triển.

Đối với Dự án Cá Voi Xanh, cho phép Petrovietnam và nhà đầu tư mở rộng giới hạn khu vực của hợp đồng PSC phù hợp với cấu hình đầu tư và tối ưu hóa chi phí. Cho phép Petrovietnam làm chủ đầu tư các nhà máy khu vực miền Trung để chủ động triển khai quy hoạch Trung tâm Điện lực miền Trung. Đối với Dự án Lô B, cho phép Petrovietnam triển khai các hoạt động song song với việc đàm phán với các đối tác nước ngoài trên cơ sở bảo toàn các nguyên tắc đôi bên đã ký với Chevron trước đây. Cho phép Petrovietnam đầu tư các nhà máy điện khu vực Kiên Giang, chủ động triển khai quy hoạch Trung tâm Điện lực Kiên Giang và thứ tư là cho phép Petrovietnam giao thầu cho các đơn vị trong ngành thực hiện dự án.

Đối với Liên doanh Vietsovpetro để đảm bảo cho hoạt động đề nghị các Bộ, ngành sớm hoàn thành đàm phán ký kết với Chính phủ Liên Bang Nga Hiệp định Liên chính phủ. Đối với PVEP, cho phép PVEP được hình thành quỹ tìm kiếm thăm dò với tỷ lệ 30% lợi nhuận sau thuế hằng năm. Chúng tôi hy vọng, khi giá dầu được cải thiện thì lợi nhuận sau thuế của PVEP sẽ có và phần trích lập này là rất cần thiết. Đối với Liên doanh RusVietPetro, cho phép kéo dài thời gian lợi nhuận về nước trong thời gian tới thay vì quy định 6 tháng như hiện nay và chuyển lợi nhuận hợp đồng nhận nợ bằng USD để tránh sự biến động của tỉ giá. Thứ hai, cho phép lùi thời hạn hợp đồng nhận nợ hiện nay sang 2019, 2020 để đảm bảo cho liên doanh hoạt động trong những năm trước mắt.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành sớm hoàn thành đàm phán với Chính phủ Liên bang Nga để có thể ký Hiệp định Liên Chính phủ về ưu đãi thuế khai thác tài nguyên cho cụm Lô số 1, Lô số 2 của khu mỏ Nhenhetxky trong thời gian sớm nhất có thể.

Phó tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng: Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi hơn cho lĩnh vực chế biến dầu khí

chi-dao-cua-chinh-phu-va-nhung-kien-nghi-cua-tap-doan_1

Trong những năm qua, chúng ta đã đầu tư các công trình trải dài từ Bắc đến Nam, nhưng đây là các công trình có quy mô trung bình được đầu tư đơn lẻ, phân tán nên hạ tầng cơ sở, công trình phụ trợ cho các công trình này có chi phí cao so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực bởi họ đầu tư tập trung hơn. Một số công trình lại nằm xa thị trường cung cấp nguyên liệu. Mặt khác, khả năng chế biến đối với các nguyên liệu vẫn có độ linh hoạt rất thấp.

Như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thì công nghệ là 100% dầu thô Bạch Hổ, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ thì chúng ta chế biến từ PTA còn các nhà máy khác họ có thể chế biến nguyên liệu rẻ hơn là QTA. Cấu hình công nghệ các nhà máy chúng ta rất hiện đại nhưng so với khu vực và thế giới thì vẫn còn hạn chế. Tỉ trọng chế biến sâu, mức độ phức tạp còn thua xa so với các nhà máy khác. Hệ thống phân phối của chúng ta chưa tương xứng so với năng lực sản xuất.

Các thách thức khác có thể kể đến như vấn đề cạnh tranh trong việc kinh doanh sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất liên quan đến sự khác nhau về thuế trong từng khu vực cũng đang gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã có nhiều kiến nghị, giải trình lên Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển. Vấn đề bao tiêu sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn thì đến 2018 tổng nhu cầu nhiên liệu, động cơ phản lực khoảng 17,4 triệu tấn trong khi nguồn cung sẽ vượt 18 triệu tấn. Sự chênh lệch thuế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả bao tiêu sản phẩm này, nhất là đối với lượng sản phẩm vượt nhu cầu. Về bao tiêu sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn khi dư cung vào năm 2018 cần các đầu mối tiêu thụ sản phẩm cùng hỗ trợ tiêu thụ. Chỉ khi các sản phẩm trong nước bị thiếu hụt so với nhu cầu mới cho phép nhập khẩu. Còn đối với Dung Quất phải áp dụng tiêu chuẩn chất lượng như hiện tại đến 2021. Sự khác biệt về thuế các khu vực thì Dung Quất cũng phải có cơ chế tài chính đặc biệt để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như cổ phần hóa nhà máy trong tương lai. Có như vậy mới bảo đảm tiêu thụ được sản phẩm.

Do sự chênh lệch thuế, nguồn phải bù vào rất lớn đối với Tập đoàn nên rất khó hạch toán nên cũng phải đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan có hướng dẫn để có thể bù lại khoản thuế này. Ngoài ra với Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ cũng cần có cơ chế tài chính để bù đắp cho dự án này. Thực tế là để nhà máy hoạt động hiệu quả ngay trong những năm đầu vận hành là bất khả thi và rất khó khăn.

Phó tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Hùng Dũng: Cần điều chỉnh những bất hợp lý trong Luật Đấu thầu

chi-dao-cua-chinh-phu-va-nhung-kien-nghi-cua-tap-doan_2

Trước tiên, đối với lĩnh vực điện, hiện nay Petrovietnam đang trình lên Chính phủ đề xuất cho điều chỉnh tổng mức đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Theo kế hoạch, tổ máy thứ nhất phát điện năm 2017, tổ máy thứ hai năm 2018 phát điện thương mại. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư vẫn chưa được điều chỉnh do khi ký hợp đồng giá rất thấp và điều này rất khó khăn. Các đơn vị tuy đã rất nỗ lực nhưng tài chính có hạn nên không thể đẩy việc đi được.

Thứ hai, Dự án Thủy điện Đăkđrinh, chi phí đền bù giải tỏa rất cao so với dự tính ban đầu.

Thứ ba, đối với các đơn vị thuộc các lĩnh vực dịch vụ, vận chuyển, cơ khí… hiện nay chúng ta đã xây dựng đội ngũ cán bộ cùng hệ thống cơ sở vật chất rất đồng bộ và có khả năng thực hiện toàn bộ các dự án. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đấu thầu, chúng ta sẽ vấp phải khó khăn rất lớn do đa số các nhà thầu sẵn sàng bỏ giá thấp hơn thị trường, điều này các đơn vị chúng ta sẽ không thực hiện được. Về vận chuyển, Petrovietnam có đơn vị là PV Trans thực hiện dịch vụ vận chuyển dầu thô và các sản phẩm hóa dầu. Trong 2015, PV Trans đã thực hiện vận chuyển khoảng 1.000 chuyến an toàn. Nếu trong trường hợp tham gia đấu thầu, điều này sẽ ảnh hưởng, nên chúng tôi cũng xin đề nghị đàm phán trực tiếp để thực hiện việc này.

Thứ ba, các đơn vị, dịch vụ như kinh doanh kho nổi, tàu dịch vụ, tàu hỗ trợ lai dắt cũng đề nghị cho đàm phán trực tiếp. Do hiện nay, chúng ta đã đầu tư các phương tiện này rồi, nếu không sử dụng cũng ảnh hưởng. Thứ tư, dịch vụ nghiên cứu khoa học, xử lý các tài liệu. Thứ năm, cung cấp các hóa phẩm, các dịch vụ giếng khoan, khoan trọn gói, đề nghị đồng chí Phó thủ tướng cho áp dụng phương pháp đàm phán trực tiếp và Petrovietnam sẽ có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị thực hiện cũng như cắt giảm giá thành đảm bảo giá một cách hợp lý nhất. Ngoài các công việc thường xuyên như cắt giảm chi phí, xây dựng các hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, có sự hợp tác với các đơn vị thì một trong các nội dung nữa  là việc các đơn vị sẽ phải tăng cường sử dụng dịch vụ với nhau và các đơn vị dịch vụ hiện nay, trong báo cáo đồng chí Tổng giám đốc đã nói rất rõ, có một điều rất ngược đời đó là hiện nay các đơn vị dịch vụ lợi nhuận cao hơn đơn vị khâu đầu.

Ví dụ PTSC doanh thu là 24.300 tỉ, lợi nhuận là 1.800 tỉ; PV Trans doanh thu là 5.650 tỉ, lợi nhuận 515 tỉ, hoặc các đơn vị khác như về dịch vụ tài chính, bảo hiểm doanh thu và lợi nhuận đều tăng trong khi PVEP đơn vị xương sống tập đoàn lại cực kỳ khó khăn. Theo sự phân công, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ có những giải pháp cụ thể như tăng thời gian, đàm phán với các ngân hàng, định chế tài chính trong vấn đề thu xếp vốn để dãn thời gian trả nợ, giảm lãi suất để có thể đảm bảo hiệu quả và vẫn đảm bảo việc làm, đồng thời hỗ trợ cho các đơn vị đủ lĩnh vực kinh doanh chính. Đối với các đơn vị trong lĩnh vực chế biến, chúng tôi cũng có đề nghị yêu cầu cụ thể trong việc điều chỉnh hồ sơ mời thầu vì có những trường hợp rất vô lý. Một việc mở bên hông của két dầu mà yêu cầu phải có kinh nghiệm đã thực hiện nếu không đánh vào điểm liệt. Tôi cho rằng làm như vậy không thể hiện được chút nào hợp tác và cảm thông chia sẻ. Chính vì thế nên tôi đã yêu cầu rất cụ thể những công việc cần làm chúng ta phải xác định rất rõ, đây là sống còn của Petrovietnam cũng như của các đơn vị thành viên.

Nhóm Phóng viên

Nguồn: Petrotimes

Năng lượng Mới 490