Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Chào năm 2018: Còn đó những điều tốt đẹp Chào năm 2018: Còn đó những điều tốt đẹp
Năm 2017 không chỉ toàn khủng bố, thử hạt nhân, xả súng, thiên tai kinh hoàng hay tin tức giả tràn ngập như truyền... Chào năm 2018: Còn đó những điều tốt đẹp

Năm 2017 không chỉ toàn khủng bố, thử hạt nhân, xả súng, thiên tai kinh hoàng hay tin tức giả tràn ngập như truyền thông đại chúng mô tả. Còn có những tin tốt lành, tích cực nhưng “thầm lặng”, có ý nghĩa rất lớn cho tương lai nhân loại.

Nếu ba xu hướng (năng lượng sạch, xe điện và thịt nhân tạo) tiếp tục, 2018 sẽ là một năm tuyệt vời cho các ý tưởng và phát minh tươi mới mà chúng ta cần, nếu không muốn nền văn minh nhân loại trở về thời kỳ khủng long

Jeff Turrentine (thuộc Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên – NRDC)

Cuối tháng 5-2017, Tòa hiến pháp Đài Loan tuyên bố việc bộ luật dân sự của vùng lãnh thổ này cấm hôn nhân đồng giới là vi hiến. Tòa cũng ra thời hạn hai năm để sửa luật, mở ra cơ hội đưa Đài Loan thành nơi đầu tiên ở châu Á công nhận quyền kết hôn đồng giới. Đến tháng 9-2017, Saudi Arabia cũng ra quyết định mang tính lịch sử, chính thức cho phép phụ nữ lái xe và vào sân vận động trong năm 2018 này.

Đây là 2 trong 17 sự kiện mà nhật báo New York Times của Mỹ đưa ra trong bài viết nhìn lại “những việc lần đầu tiên xảy ra” trong năm 2017, nhằm cho thấy năm qua không trôi qua “vô nghĩa” hay toàn buồn đau mà đã có nhiều tiến bộ, mở ra những tương lai tươi sáng không chỉ cho năm 2018 mà còn nhiều năm về sau nữa.

Trong khi đó, tác giả Angus Hevey cũng có bài viết “99 lý do vì sao 2017 là một năm tuyệt vời” trên mạng Medium.com, liệt kê những tin tức tích cực trong năm mà có thể nhiều người bị sót hoặc truyền thông chưa quan tâm đúng mức. “Nếu bạn cảm thấy đau buồn về số phận của nhân loại trong thế kỷ 21 có thể sẽ phải nghĩ lại (khi đọc danh sách này)” – tác giả mở đầu dí dỏm.

Người dân Nhật đến đền thờ Meiji ở thủ đô Tokyo cầu mong năm mới tốt lành vào sáng 1-1-2018 – Ảnh: REUTERS

Năng lượng xanh, môi trường xanh

Bất kể các cảnh báo về biến đổi khí hậu vẫn mạnh mẽ, năm 2017 đã chứng kiến nhiều “nỗ lực xanh” nhằm bảo vệ Trái đất. Theo danh sách “99 điều tốt đẹp” của Hevey, Chile đã dành 4,4 triệu ha đất ở vùng Patagonia để làm công viên quốc gia, còn tỉnh Khyber Pakhtunkhwa ở Pakistan trong năm 2017 đã hoàn tất trồng 1 tỉ cây xanh chỉ trong hai năm, kể từ khi kế hoạch trồng rừng được khởi xướng sau các trận lụt kinh hoàng năm 2015.

Những mảng xanh khổng lồ đã và sẽ xuất hiện lại trên bề mặt Trái đất, và lỗ hổng tầng ozone ở châu Nam Cực trong năm qua đã giảm xuống mức nhỏ nhất kể từ năm 1988. Trong khi đó, tại Anh, nơi khởi sinh cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên, lượng khí thải carbon đã giảm xuống mức thấp nhất tính từ năm 1894. Đặc biệt hơn, trong ngày 21-4-2017, nước Anh trải qua tròn 24 giờ mà không phải đốt than để lấy điện, đánh dấu cột mốc mới trong hành trình từ bỏ năng lượng hóa thạch và chuyển sang năng lượng sạch.

Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (NRDC) – một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở New York – góp thêm thông tin sản lượng điện gió ở Mỹ vào năm 2018 sẽ đạt 102.000 MW, đủ cung cấp cho 20 triệu hộ gia đình, trong khi điện mặt trời cũng sẽ tăng 48% lên 32.000 MW. Triển vọng năng lượng sạch cùng xu hướng dùng xe chạy điện và “thịt nhân tạo”, tổng hợp từ phòng thí nghiệm thay vì giết mổ, là 3 xu hướng chính khiến NRDC nhận định “2018 sẽ là năm đầy hi vọng cho các nhà môi trường”.

Thiết kế dàn năng lượng mặt trời của công ty Tesla tại Bệnh viện Nhi San Juan ở San Juan, Puerto Rico vào tháng 10-2017 – Ảnh: REUTERS

“Khoa học viễn tưởng” thành thực tế

Trong bài viết ngày 29-12, trang Quartz cũng điểm lại những phát kiến về khoa học kỹ thuật vốn “không được đánh giá đúng và bị nhiều người bỏ lỡ” trong năm 2017, dù đây là các đột phá có thể có ảnh hưởng sâu sắc lên năm 2018.

Bài viết mở đầu bằng câu chuyện “viên thuốc số” (digital drug) đầu tiên của nhân loại, một phát minh tưởng chỉ có trong tiểu thuyết viễn tưởng. Viên thuốc do Hãng dược phẩm Otsuka Pharmaceutical (Nhật Bản) bào chế có gắn chip siêu nhỏ, nên sau khi người bệnh “uống” vào có thể thu thập thông tin từ bên trong cơ thể gửi về để bác sĩ xem xét và chẩn đoán.

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ hiện chỉ mới cấp phép sử dụng công nghệ này để trị tâm thần phân liệt và rối loạn cưỡng lực, song như Quartz bình luận, nó đã “mở ra một cuộc cách mạng trong chăm sóc sức khỏe” khi thầy thuốc có thể theo dõi bệnh nhân ngay từ bên trong cơ thể họ, thay vì để bệnh nhân tự mô tả bệnh tình như ngày nay.

Viên thuốc số của Hãng Otsuka Pharmaceutical, với miếng dán dùng để tiếp nhận thông tin và ứng dụng theo dõi kết quả trên iPad – Ảnh: Reuters

Quartz cũng nhắc đến việc SpaceX, công ty tàu vũ trụ của tỉ phú công nghệ Elon Musk, thành công trong việc tái sử dụng 3 tầng phóng (booster) tên lửa từ các vụ phóng trước đó, giúp giảm giá vận chuyển lên vũ trụ xuống dưới 2.000 USD/kg, so với giá thường là 10.000 USD.

“Xu hướng này có thể biến việc khai thác quặng mỏ trong không gian hay du hành Mặt trăng thành hiện thực” – tác giả Tim Fernholz của Quartz bình luận.

Dĩ nhiên còn rất nhiều việc phải làm để tên lửa có thể tái sử dụng trong vòng 24 tiếng sau khi thực hiện lần phóng đầu tiên, song “năm 2017 vẫn nên được ghi nhận là năm Công ty SpaceX tiến hành cách mạng hóa ngành công nghiệp phóng tên lửa” – ông Fernholz nhấn mạnh.

Ngoài ra, năm 2017 cũng chứng kiến nhiều thành tựu khác như xu hướng trang trại điện gió nổi trên mặt nước, thịt và vải vóc sản xuất trong phòng thí nghiệm cùng các thành tựu y học như liệu pháp gen, tiến bộ trong việc kiểm soát HIV/AIDS hay chữa bệnh lao, bệnh tim và các căn bệnh từng không chữa được khác. Những điểm này trùng với danh sách “những lần đầu tiên” đã nêu của New York Times hay “99 lý do” trên Medium.

Trong khi đó, New York Times nhắc đến việc các nhà khoa học thử nghiệm thành công công nghệ lưu trữ ảnh động vào ADN, mở ra triển vọng lưu trữ thông tin vào tế bào sống. Phát minh này có thể làm thay đổi thế giới, khi nó mở ra triển vọng lập trình để các tế bào thần kinh có thể ghi nhận quá trình phát triển trong não của động vật và lưu trữ thông tin.

Năm 2017 cũng là lần đầu tiên các nhà khoa học tại Mỹ có thể áp dụng công nghệ chỉnh sửa gen ngay trên phôi thai, hay giúp một phụ nữ sinh con từ tử cung được cấy ghép. Trang Futurism gọi những thành tựu kể trên là minh chứng cho thấy “chúng ta đang sống trong thế giới tương lai”.

Những xu hướng tích cực này có thể tiếp diễn trong năm 2018 là điều không ai dám chắc 100%, song chúng là bằng chứng cho thấy nhân loại hoàn toàn có thể chào đón năm 2018 với nhiều hi vọng.

2017 không phải là năm đen tối

Theo tạp chí TIME, số người chết vì ung thư ở Mỹ đã giảm 25% so với năm 1991, tức 2 triệu người vẫn sống dù mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này, nhờ các tiến bộ trong điều trị ung thư.

Tháng 7-2017, Chương trình Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS cho biết lần đầu tiên trong lịch sử, một nửa số người mắc HIV trên thế giới hiện đã tiếp cận các phương pháp điều trị, trong khi số ca tử vong vì AIDS giảm 50% so với năm 2005.

Đến tháng 11, WHO cũng thông báo số người chết vì bệnh lao toàn cầu đã giảm 37% so với 17 năm trước, tức 53 triệu người đã được cứu.

Nguồn Tuoitre.vn