Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Mới đây, tại tỉnh Kampong Speu, Campuchia, đã diễn ra lễ động thổ xây dựng nhà máy sản xuất điện năng lượng mặt trời... Campuchia phát triển năng lượng mặt trời

Mới đây, tại tỉnh Kampong Speu, Campuchia, đã diễn ra lễ động thổ xây dựng nhà máy sản xuất điện năng lượng mặt trời của liên doanh giữa 3 công ty đến từ Campuchia, Thái Lan và Lào, với số tiền đầu tư giai đoạn 1 của dự án hơn 10 triệu USD.

nang luong mat troi campuchia

Liên doanh trên dự kiến sẽ đầu tư tổng cộng 400 triệu USD vào các dự án sản xuất năng lượng mặt trời với công suất 225MW, để cung cấp điện cho các nhà máy, khu công nghiệp, các doanh nghiệp tại các tỉnh Kampong Speu, Kampong Chhnang  và Ta Keo.

Chính phủ Campuchia rất ủng hộ dự án đầu tư sản xuất điện năng lượng mặt trời vì đây là nguồn năng lượng sạch, phù hợp với chính sách phát triển của nước này. Campuchia đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ phủ mạng lưới điện đến tất cả 14.168 thôn trên toàn quốc.

Tính đến tháng 6-2017, khoảng 79% tổng số thôn tại Campuchia đã có điện sử dụng. Chính phủ Campuchia cũng xác định tầm quan trọng của nguồn năng lượng mặt trời, cùng như những lợi thế mà Campuchia có được từ nguồn năng lượng mặt trời trong việc phát triển kinh tế đất nước trong tương lai, dù hiện tại, Campuchia vẫn phải nhập khẩu điện rất lớn từ Việt Nam, Lào và Thái Lan. 

Trên nhiều tỉnh thành của Campuchia hiện nay như Preah Sihanouk đã sử dụng nguồn năng lượng mặt trời trong hệ thống chiếu sáng công cộng. Nguồn năng lượng sạch này cũng trở nên phổ biến tại các thành phố lớn khi được người dân quan tâm đầu tư, sử dụng. Trong khi đó, giá điện ở các vùng nông thôn, vùng sâu quá cao (vào khoảng 1 USD/kWh) là một trong những nguyên nhân khiến người dân nơi đây không dám sử dụng điện sinh hoạt. Hệ thống điện mặt trời thiết kế cho hộ gia đình là một giải pháp.

Chị Chhu Yay, chủ một cửa hàng rau quả ở làng Ang Ropeak tỉnh Kampot, cho biết, nhờ có hệ thống điện mặt trời, công việc buôn bán của chị gặp nhiều thuận lợi hơn. Khi chưa lắp hệ thống này, đến buổi chiều, chị Yay chỉ bán được vài giờ do nguồn điện từ các bình ắc quy không đảm bảo cho việc chiếu sáng. Không những vậy, chi phí phải chi trả cho việc sạc bình ắc quy cao nên thu nhập của chị Yay chẳng được là bao.

Nhận thấy những khó khăn mà người dân vùng nông thôn, vùng sâu của Campuchia phải đối mặt, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) cùng Tổ chức phát triển Hà Lan SNV đã hợp tác với các tổ chức tài chính vi mô cho ra đời Chương trình tài chính vi mô xanh.

Mục đích của dự án này là hỗ trợ người dân ở những vùng khó khăn trong việc tiếp cận với điện sinh hoạt được vay tiền để mua các hệ thống điện mặt trời; hỗ trợ đào tạo các thợ điện địa phương lắp đặt hệ thống và các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh hệ thống điện mặt trời.

Dennis Barbian, người đứng đầu bộ phận năng lượng của SNV tại Campuchia cho hay, người dân ở các vùng nông thôn, vùng xa xôi hạn chế trong việc tiếp cận tài chính nên không có tiền mua hệ thống điện mặt trời. Giá thành của một hệ thống điện mặt trời thiết kế cho hộ gia đình dao động từ 450 – 850 USD.

Theo chiến lược năng lượng quốc gia Campuchia, điện khí hóa nông thôn, vùng sâu xa sẽ hoàn thành vào năm 2020 và đến năm 2030, tất cả các hộ gia đình ở Campuchia sẽ được tiếp cận mạng lưới điện quốc gia. Trong lúc chờ đợi, các hệ thống năng lượng mặt trời cung cấp điện cho các hộ gia đình vô cùng cần thiết. Với chị Yay, kể cả khi được hòa vào mạng lưới điện quốc gia, chị cho biết sẽ vẫn giữ hệ thống điện mặt trời, bởi với việc mặt trời chiếu sáng liên tục, nguồn điện cung cấp cho gia đình chị sẽ được đảm bảo.

Nguồn sggp.org.vn