Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Các công ty năng lượng Đông Nam Á, từ lâu đã phụ thuộc vào nhiêu liệu hóa thạch, đang nhanh chóng chuyển sang năng... Các ông lớn ngành năng lượng Đông Nam Á mạnh mẽ theo đuổi năng lượng tái tạo

Các công ty năng lượng Đông Nam Á, từ lâu đã phụ thuộc vào nhiêu liệu hóa thạch, đang nhanh chóng chuyển sang năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng nhu cầu điện trong khu vực.

Indonesia tận dụng hơn 100 núi lửa đang hoạt động để sản xuất điện

Tại Indonesia, StarEnergy đang tìm cách tận dụng các nguồn địa nhiệt trong nước của hơn 100 ngọn núi lửa đang hoạt động rải rác trên đảo quốc này. Một dự án ở Tây Java, hơi nước được tạo ra bởi Mt. Salak sẽ đi qua đường ống để quay tua-bin điện. Khí thải duy nhất tại nhà máy này là hơi nước màu trắng đục do một số ống khói của nhà máy thải ra, theo Nikkei Asian Review.

StarEnergy là công ty con của tập đoàn hóa dầu Barito Pacific của Indonesia. Đến năm 2018, StarEnergy đã mua lại nhiều tài sản của công ty Chevron có trụ sở tại Mỹ, trong đó có nhà máy Salak.

StarEnergy cũng đang điều hành nhà máy địa nhiệt Wayang Windu, một trong những nhà máy địa nhiệt lớn nhất Indonesia, có khả năng sản xuất 875.000 kW điện và đang lên kế hoạch nâng công suất lên trên 1 triệu kW.

PLN, công ty thuộc sở hữu của nhà nước Indonesia, sẽ khai thác tiềm năng địa nhiệt của nước này, vốn đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ, để giảm bớt nhu cầu năng lượng trong nước.

PLN đang mua lại nhà máy năng lượng xanh được vận hành bởi các công ty độc lập khác, chẳng hạn như nhà máy địa nhiệt Sarulla tại Sumatra. Một tập đoàn quốc tế kiểm soát Sarulla, được thành lập một phần bởi hai hãng buôn Nhật Bản Itochu và Kyushu Electric Power, đã kí hợp đồng mua năng lượng 30 năm với PLN.

Thái Lan tích hợp than đá với năng lượng tái tạo nhằm thu lợi nhuận cao

Công ty năng lượng Thái Lan – Banpu – hiện đạt được khoảng 90% doanh thu từ kinh doanh than đá, tuy nhiên, họ đang tìm cách đa dạng lợi nhuận từ nguồn nhiên liệu này cũng như biến động giá của nó.

“Chúng tôi sẽ tích hợp than đá với năng lượng tái tạo với mục đích tối đa hóa lợi nhuận và đáp ứng nhu cầu xã hội”, CEO Somruedee Chaimongkol nói.

Năm 2018, Banpu đã lắp đặt nhiều máy phát điện mặt trời có công suất 150.000 kW. Theo ước tính, năng lượng mặt trời do Đông Nam Á sản xuất sẽ cao hơn 30% so với Nhật Bản nhờ ánh nắng mặt trời dồi dào ở khu vực này.
Banpu cũng sẽ chuyển sang một dự án năng lượng mặt trời lớn tại tỉnh Fukushima, Nhật Bản vào cuối năm nay.

Tại Việt Nam, Banpu có kế hoạch xây dựng một trang trại năng lượng gió có công suất 80.000 kW tại tỉnh Sóc Trăng vào năm 2021. Dự án này được dự báo sẽ tiêu tốn 13 tỉ baht (408 triệu USD).

Đường bờ biển dài khiến Việt Nam trở thành một trong những nơi thích hợp nhất cho hoạt động sản xuất năng lượng gió ở Đông Nam Á. Tháng 11/2018, Chính phủ Việt Nam đã tăng thuế nhập khẩu đối với năng lượng gió nhằm hỗ trợ sự phát triển của ngành này.

Malaysia kì vọng năng lượng tái tạo có thể chiếm 20% tổng công suất điện vào năm 2025

Công ty năng lượng Tenega Nasional do nhà nước Malaysia điều hành đang đầu tư vào năng lượng mặt trời.

Tháng 11/2018, công ty này đã bắt đầu hoạt động thương mại tại một nhà máy có công suất 50.000 kW gần thủ đô Kuala Lumpur, một trong những cơ sở sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất Malaysia.

Chính phủ Malaysia kì vọng năng lượng tái tạo có thể chiếm 20% tổng năng lượng của nước này vào năm 2025.
Nhu cầu năng lượng của Đông Nam Á sẽ tăng vọt trong những năm tới

Nhu cầu năng lượng của Đông Nam Á sẽ tăng 70% vào năm 2030 so với năm 2017. Các nhà máy nhiên liệu hóa thạch bổ sung sẽ góp phần lớn vào việc nới rộng khoảng cách. Indonesia đã thực hiện các biện pháp nhằm hạ thấp chi phí mua than đá, một động thái đe dọa làm chậm quá trình thâm nhập của năng lượng bền vững.

Năm 2017, khoảng 51,14 triệu kW điện đã được tạo ra từ năng lượng tái tạo ở Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philipines, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế ước tính.

Con số này thể hiện một bước nhảy vọt 130% so với năm 2007, tương đương sản lượng của 50 lò phản ứng hạt nhân. Sản xuất điện dự kiện sẽ tăng gấp ba lần lên 161,8 triệu kW vào năm 2025.

Loại nguồn năng lượng tái tạo chính sẽ khác nhau tùy theo từng quốc gia. Tương tự Indonesia, Philippines là nơi có nhiều núi lửa đang hoạt động nên mỗi quốc gia có thể sản xuất gần hai triệu kW năng lượng địa nhiệt.

Thái Lan là nước dẫn đầu ngành năng lượng mặt trời tại khu vực khi các máy phát điện mặt trời tạo ra 2,7 triệu kW điện vào năm 2017. Sản lượng đã tăng gấp 84 lần kể từ năm 2007.

Tuy nhiên, Việt Nam đã vượt xa 4 quốc gia khác về công suất sản xuất năng lượng tái tạo, với 18,16 triệu kW. Nhưng phần lớn năng lượng này đến từ thủy điện và Việt Nam chỉ mới bắt đầu giới thiệu năng lượng mặt trời và gió.

Ở cả 5 quốc gia, thủy điện chịu trách nhiệm cho 70% sản lượng điện tái tạo. Một số người cho rằng thủy điện đã góp phần gây ảnh hưởng đến môi trường, do cách thức xây dựng làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên.

An toàn cũng nổi lên như một vấn đề sau khi một đập thủy điện mới được hoàn thành một phần sụp đổ vào năm 2018 tại Lào, gây ra lũ lụt chết người.

Nguồn: Vietnambiz