Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Nangluong.news – Để khắc phục tình trạng điện thoại hết pin tại ở những nơi hẻo lánh của các phượt thủ khi đi du... Biến năng lượng rung thành điện năng sạc pin điện thoại

Nangluong.news – Để khắc phục tình trạng điện thoại hết pin tại ở những nơi hẻo lánh của các phượt thủ khi đi du lịch bụi, em Phạm Lê Song Ngân, lớp 12Anh2 (trường THPT Lương Thế Vinh) đã chế tạo thiết bị biến năng lượng rung thành điện năng sạc pin điện thoại.

Song Ngân cho rằng, hiện nay, có nhiều sản phẩm ra đời, phục vụ nhu cầu như sử dụng như năng lượng mặt trời, năng lượng từ gió,… hay cục sạc dự phòng. Tuy nhiên tận dụng năng lượng rung là nghiên cứu mới mẻ đang được nhiều nước trên thế giới hướng đến. Những thiết bị tạo ra điện năng từ năng lượng rung, nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng của con người vẫn chưa thật sự phát triển mạnh mẽ vì nó đòi hỏi công nghệ cao. Vì vậy, thiết bị do Song Ngân chế tạo sử dụng hệ thống bánh răng và cơ cấu truyền chuyển động tịnh tiến của lò xo thành chuyển động tròn đều của tay quay, làm quay hệ thống bánh răng và sinh ra điện năng. Điện năng được lưu trữ để khi cần, người dùng có thể sạc pin điện thoại một cách dễ dàng và thuận tiện. Thiết kế này hoạt động ổn định với các tiêu chí đảm bảo cho người thích đi phượt có thể sử dụng điện thoại thoải mái mà không sợ hết pin. Hệ thống hoạt động có tính áp dụng cao, lắp đặt đơn giản, chi phí rẻ.

Cấu tạo của thiết bị sạc pin điện thoại

Cấu tạo của thiết bị sạc pin điện thoại

Thiết bị hoạt động theo nguyên tắc của máy phát điện một chiều. Thiết bị gồm các bộ phận: bộ lưu điện, máy phát điện, hệ dao động, hệ thống bánh răng, hệ thống truyền động. Trong đó, hệ thống truyền động được chế tạo để biến đổi chuyển động tịnh tiến thành chuyển động tròn. Hệ thống truyền động có 2 bạc đạn gắn ở 2 đầu. Một đầu gắn với tay quay (được gắn để làm quay hệ bánh răng). Một đầu gắn với mặt bên của vật nặng, hai vật này sẽ nối với nhau bằng ốc để tránh tách rời trong quá trình hệ thống hoạt động.

Hệ dao động gồm lò xo, hệ thống bánh răng, bộ truyền chuyển động. Trong đó khi dao động thẳng đứng dưới tác động của vật nặng sẽ truyền lực đến các bánh răng, tạo ra lực làm máy phát điện hoạt động. Hệ thống bánh răng sẽ có các bánh răng giúp truyền động và tăng tốc độ quay của cuộn dây trong máy phát điện để tạo ra điện. Máy phát điện giúp tạo ra điện dựa trên hiện tượng cảm ứng điện từ.

Theo đó, khi người dùng chạy qua những đoạn đường bị giằng, sốc, vật nặng sẽ dao động lên xuống, truyền chuyển động lên thanh truyền. Thanh truyền được nối với mặt bên của vật nặng sẽ dao động, làm quay tay quay gắn với hệ thống lò xo. Hệ thống lò xo quay làm quay máy phát điện – tạo ra điện. Điện năng tạo ra đi qua hệ thống truyền tải điện và được lưu vào bộ lưu điện. Bộ lưu điện sẽ làm nhiệm vụ tích trữ điện năng, khi người dùng có nhu cầu sử dụng có thể cắm dây nối vào bộ lưu trữ và sạc pin điện thoại, Song Ngân cho biết.

Ưu điểm của thiết bị sạc pin điện thoại tận dụng năng lượng dạng rung này đó là thiết bị tạo ra được điện năng, lưu điện tốt, có thể dùng để sạc pin điện thoại khi cần, rất tiện lợi cho những phượt thủ, không sợ điện thoại hết pin.Thiết kế của thiết bị này khá nhỏ, gọn và dễ sử dụng. Giá thành mỗi thiết bị này ước tính khoảng 200 ngàn đồng. Với nhiều tính năng tiện dụng, thiết bị sạc pin điện thoại bằng năng lượng rung không chỉ dùng để sạc pin điện thoại mà còn dùng phục vụ cho các nhu cầu khác. Giải pháp trong dự án của Song Ngân đã giành giải nhất tại Cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2015 – 2016.

Nguồn: Ytuong.com.vn