Ăng ten làm từ nước biển
Công Nghệ Năng LượngTin Tức Năng LượngỨng Dụng Năng Lượng Tháng Hai 16, 2016 Năng Lượng News
Nangluong.news – Khi nhắc đến chiếc ăng ten, chúng ta thường liên tưởng tới thiết bị có nhiều thanh kim loại. Tuy nhiên, mới đây các nhà nghiên cứu của Tập đoàn Mitsubishi Electric, Nhật Bản đã cho ra mắt chiếc ăng ten đầu tiên trên thế giới có tên “SeaAerial”, có khả năng truyền và nhận dữ liệu vô tuyến nhưng lại được làm từ nước biển.
Ăng ten độc đáo nhất thế giới
Theo các nhà nghiên cứu của Mitsubishi, hệ thống ăng ten độc đáo nhất trên thế giới này chỉ có một cột phun nước. Tuy nhiên, cột nước biển này có thể thu nhận và truyền tải tín hiệu vô tuyến khi nó được “cách ly”. Trên thực tế, kích thước của ăng ten sẽ tương ứng với tần số hoạt động, ví dụ, một chiếc ăng ten có tần số thấp thì độ cao của nó chỉ khoảng 10m. SeaAerial có thể lắp đặt ở mọi nơi, dọc theo bờ biển, ngoài khơi xa hay di chuyển theo các con tàu, quan trọng là luôn phải có máy bơm và một vòi phun nước cách ly.
Nước biển chứa rất nhiều muối nên có thể dẫn điện, nhưng lại kém hơn nhiều so với kim loại (tương đương 1 phần triệu), tuy nhiên khả năng dẫn điện của nước biển lại cao hơn gấp nghìn lần so với nước lọc chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày. Do đó, các nhà khoa học Mitsubishi khẳng định chỉ cần tạo ra một tia nước đủ mạnh bắn vào không trung là có một chiếc ăng ten làm từ nước biển thô sơ nhất có khả năng truyền tải và thu nhận sóng vô tuyến, thậm chí truyền tải cả tín hiệu của truyền hình số mặt đất.
Giấc mơ không viển vông
Đầu tiên phải nói tới vật liệu để chế tạo ra chiếc ăng ten của các nhà khoa học Mitsubishi đó chính là nước biển, một nguồn tài nguyên vô cùng lớn trên Trái đất và đã được con người khai thác để phục vụ trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Nghe có vẻ viễn vông nhưng nếu dự án này của các nhà khoa học Mitsubishi thành công sẽ mở ra một hướng cho truyền thanh và truyền hình, thậm chí phục vụ cả mục đích quân sự, an ninh mà chi phi vô cùng rẻ.
Hiện tại, Mitsubishi đặt nhiều hy vọng vào công nghệ mới này bởi những tín hiệu ở tần số thấp thường được sử dụng trong các tàu chiến và tàu ngầm để truyền tải thông tin cho nhau. Hiện nay muốn thu-phát tín hiệu ở khoảng cách rất lớn trên biển người ta cần đến những chiếc ăng ten có kích thước lớn, thậm chí chiều cao lên tới hàng chục mét, tuy nhiên, với SeaArial thì chỉ cần một tia nước biển nhỏ có thể được sử dụng để thay thế.
Trước đó, vài năm gần đây, hải quân Mỹ cũng đưa ra những ý tưởng về chiếc ăng ten tương tự, nhưng mục đích chính của hải quân Mỹ không chỉ là truyền thông tin mà còn phục vụ cho những hoạt động như tình báo, do thám và trinh sát…
Theo đó, họ đã phát triển một công nghệ sử dụng đặc tính cảm ứng của natri clorua (muối) có trong thành phần nước biển để truyền và nhận các tín hiệu truyền thông. Nó có thể được lắp đặt ngay trên đất liền với dung dịch muối bổ sung, hoạt động như một đài phun nước tuyệt đẹp và ở trên biển trong trường hợp khẩn cấp với vai trò là một trạm phát năng ăng ten năng lượng Mặt trời.
Vậy chúng ta hãy chờ xem, trong tương lai gần, những lợi ích công nghệ mới mà các nhà khoa học Nhật Bản sẽ mang lại cho cộng đồng, một xu hướng vật liệu mới thay cho kim loại trong công nghệ truyền thanh, truyền hình vừa không tốn kém vừa không mất thời gian lắp đặt.
Nguồn: Anninhthudo.vn