TP. Hồ Chí Minh kêu gọi sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà
Năng Lượng Mặt TrờiNăng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng bảy 2, 2018 Năng Lượng News
Trước nhu cầu điện gia tăng đột biến trong thời gian qua, ngành điện TP HCM đang khuyến khích người dân và các DN triển khai lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà. Sử dụng hệ thống này, người dân không những không phải trả tiền điện hàng tháng mà còn có thể bán lại sản lượng điện dư.
Theo đánh giá của Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVN HCMC), từ đầu tháng 3 đến nay, nhu cầu sử dụng điện tại thành phố tăng cao do nắng nóng gay gắt. Theo dự báo, tình hình nắng nóng sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp nên có khả năng hệ thống điện quốc gia sẽ gặp khó khăn trong cung ứng điện. Bởi vậy, ngoài việc tiết kiệm điện, phương án tự cung cấp nguồn điện là giải pháp hữu hiệu hiện nay và cần áp dụng trên diện rộng.
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Nguyễn Tấn Hưng – Trưởng Ban quan hệ cộng đồng EVN HCMC- cho biết, TP.Hồ Chí Minh nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh. Số giờ nắng trung bình là 6,8 giờ/ngày và liên tục trong suốt cả năm. Cường độ bức xạ mặt trời trung bình của thành phố đạt 1.581 kWh/m2/năm, tương ứng 4,3 kWh/m2/ngày, vì thế tiềm năng phát triển, ứng dụng năng lượng mặt trời để phát điện là rất lớn.
Theo ông Hưng, nếu khách hàng cần lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới có thể liên hệ với các nhà cung cấp thiết bị để họ tư vấn công suất lắp đặt tấm pin mặt trời phù hợp với nhu cầu sử dụng. Khi lắp đặt xong, khách hàng thông báo nhu cầu bán lại lượng điện dư cho ngành điện bằng cách liên hệ với công ty điện lực trên địa bàn hoặc Trung tâm chăm sóc khách hàng (1900.545454) để thực hiện hợp đồng.
Khi khách hàng có nhu cầu bán điện, ngành điện sẽ tổ chức kiểm tra thử nghiệm các điều kiện đấu nối hệ thống điện mặt trời nối lưới của khách hàng vào lưới điện thành phố. Nếu hệ thống điện mặt trời đáp ứng đủ điều kiện đấu nối, ngành điện sẽ lắp đặt điện kế 2 chiều miễn phí cho khách hàng và ký biên bản thỏa thuận tạm thời về việc xác nhận chỉ số công tơ và điện năng giao nhận đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà với khách hàng. Hợp đồng mua bán điện dự án điện mặt trời trên mái nhà sẽ được ký kết chính thức giữa khách hàng và ngành điện ngay khi có đầy đủ hướng dẫn của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.
Theo số liệu của ngành điện thành phố, chi phí đầu tư điện mặt trời bình quân khoảng từ 22-30 triệu đồng/kWp. Tính đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã có 327 khách hàng lắp đặt điện mặt trời nối lưới đăng ký bán lại phần điện dư với tổng công suất lắp đặt là 3,93 MWp.
Liên quan đến cơ chế mua bán điện, Thông tư số 16/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 12/9/2017 đã quy định các dự án điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện bù trừ điện năng sử dụng công tơ hai chiều. Giá mua điện tại điểm giao nhận là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT).
Trong thời gian tới, cùng với các chương trình tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, EVN HCMC sẽ tiếp tục hướng đến việc sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời và điện mặt trời nối lưới. Ngoài ra, tổng công ty cũng tăng cường phổ biến rộng rãi về quy trình lắp đặt cũng như yêu cầu kỹ thuật của các công trình điện mặt trời nối lưới vào hệ thống điện.
Bên cạnh đó, EVNHCMC kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo và vận động Ban quản lý các KCN, KCX, Khu công nghệ cao, các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, trường học, bệnh viện chủ động xây dựng kế hoạch lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới. Mặt khác, ngành điện sẽ kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sớm ban hành các hướng dẫn nhằm tháo gỡ vướng mắc về thuế GTGT và phát hành hóa đơn sử dụng điện mặt trời nối lưới trên mái nhà của người dân, góp phần vận động người dân sử dụng điện mặt trời hiệu quả .
Theo Thông tư 16/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương, giá điện của dự án điện mặt trời mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng sử dụng công tơ hai chiều. Giá mua điện tại điểm giao nhận là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT).