Thúc đẩy thị trường thiết bị hiệu suất cao và chương trình dán nhãn năng lượng
Tin Tức Năng Lượng Tháng mười một 3, 2015 News Energy
Cuộc sống ngày càng phát triển, con người sử dụng ngày càng nhiều thiết bị, máy móc, dẫn đến việc tiêu thụ rất nhiều năng lượng. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được xem là giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo chiến lược an ninh năng lượng quốc gia hướng đến sự phát triển bền vững.
Mức tiêu thụ năng lượng vẫn còn cao
Theo Bộ Công thương, hiện các ngành nghề ở Việt Nam đang tiêu tốn một khối lượng lớn năng lượng. Cụ thể, ngành công nghiệp chiếm 46,2%, giao thông vận tải 31%; dân dụng 14,8%; nông nghiệp 1,8%. Bộ Công thương cũng cảnh báo, nếu Việt Nam không có những giải pháp nhằm kêu gọi tiết kiệm năng lượng thì trong giai đoạn 2016 – 2020, Việt Nam đang là nước xuất khẩu than sẽ trở thành nước phải nhập khẩu than để phục vụ sản xuất. Với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao trong khi các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước suy giảm theo thời gian, nguy cơ thiếu hụt năng lượng là rất lớn. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học – công nghệ, Bộ Công thương cho biết, hiện nay Việt Nam đã thuộc nhóm các nước có cường độ năng lượng lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc, cao gấp 6 lần so với Nhật Bản. Riêng cường độ năng lượng trong các ngành công nghiệp hiện cao nhất thế giới. Điều này cho thấy khoảng cách về hiện trạng công nghệ áp dụng cho sản xuất của Việt Nam và các quốc gia còn lại, không loại trừ khả năng, cơ cấu công nghiệp của Việt Nam có xu hướng tập trung vào các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng nhưng đóng góp vào GDP lại hạn chế.
Lý giải về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam vẫn còn cao, ông Trịnh Quốc Vũ cho rằng, nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về tiết kiệm năng lượng còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng; doanh nghiệp không có vốn hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án tiết kiệm năng lượng. Mặt khác, nguồn kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng hàng năm còn muộn, tổng kinh phí còn thấp; việc thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng gặp một số khó khăn như cơ sở hạ tầng thử nghiệm, nguồn nhân lực và nguồn kinh phí triển khai còn hạn chế, sự thiếu hụt và không đồng bộ các tiêu chuẩn, thiết bị thử nghiệm hiệu suất năng lượng.
Tiếp tục triển khai các dự án trọng tâm
Theo ông Trịnh Quốc Vũ, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai các dự án nhằm kêu gọi cộng đồng thực hiện tiết kiệm năng lượng và hiệu quả. Cụ thể, sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường thiết bị hiệu suất cao và chương trình dán nhãn năng lượng. Đến nay, đã có 10 cơ sở thử nghiệm được Bộ Công thương ủy quyền để thử nghiệm các sản phẩm đăng ký dán nhãn năng lượng. Hoạt động dán nhãn được triển khai quy mô rộng, đã đạt được kết quả khả quan với tổng số 700 công ty, 15 chủng loại sản phẩm và 10.082 mã sản phẩm đã được dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Quan trọng hơn, nhận thức và sự quan tâm của người tiêu dùng cũng được cải thiện rõ rệt, người dân đã chủ động chọn mua các sản phẩm tiết kiệm năng lượng chứ không chỉ quan tâm thuần túy về giá cả hay thương hiệu như trước đây. Ngoài ra, các hoạt động về áp dụng quy chuẩn tiết kiệm năng lượng cho các công trình xây dựng và trong hoạt động giao thông vận tải cũng sẽ tiếp tục được triển khai.
Không dừng lại ở đó, Bộ Công thương cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về dán nhãn năng lượng cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý giám sát thực hiện chương trình dán nhãn. Thúc đẩy xây dựng các cơ chế tài chính, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, đảm bảo công tác báo cáo tình trạng sử dụng năng lượng và kế hoạch sử dụng năng lượng hàng năm nhằm giảm suất tiêu hao năng lượng trên đơn vị sản phẩm.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó chủ tịch Hội Khoa học – Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam nêu rõ, điều quan trọng là chúng ta phải hạ thấp được cường độ năng lượng bằng cách thay đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi công nghệ, thay đổi cách thức quản lý và thay đổi trong lối sống, dẫn đến hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch thông qua việc tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
HẢI THANH