Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam
Ngày 12/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Ngoại vụ địa phương, Bộ Ngoại giao phối hợp với Phòng Công nghiệp – Thương... Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam

Ngày 12/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Ngoại vụ địa phương, Bộ Ngoại giao phối hợp với Phòng Công nghiệp – Thương mại Đức và Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Gặp gỡ Đức 2017” (Meet Germany 2017).

Đến dự Tọa đàm có bà Iris Gleicke, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Năng lượng Cộng hòa Liên bang Đức đang có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam; Tổng Lãnh sự Đức tại thành phố Hồ Chí Minh; Chủ tịch Phòng Công nghiệp-Thương mại Đức và Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam; các quan chức ngoại giao, kinh tế của Đức, cùng đoàn 20 doanh nghiệp Đức sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, y tế, môi trường, du lịch, dịch vụ và giáo dục-đào tạo.

Phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo UBND, các sở/ban/ngành và doanh nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Đây là những địa phương đang thu hút nhiều dự án đầu tư của Đức và đang tập trung đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt với Đức.

Việt Nam và Đức đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2011, đã tạo xung lực thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương phát triển mạnh mẽ và sâu rộng trong thời gian qua. Đức tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU (kim ngạch hai chiều năm 2016 đạt hơn 10 tỷ USD, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam vào EU). Tính đến hết năm 2016, có 275 dự án FDI của Đức tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,36 tỷ USD, đứng thứ 5 trong EU và thứ 20 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Chính phủ hai nước nhất trí khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực như công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, tài chính – ngân hàng…; thúc đẩy sớm ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), tạo khuôn khổ mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước nhằm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 20 tỷ USD vào năm 2020.

Tại cuộc Tọa đàm, bà Iris Gleicke cho rằng hợp tác cấp độ địa phương giữa Việt Nam và Đức cần được quan tâm thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới, nhất là việc tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp các địa phương hai nước tăng cường hợp tác, giao lưu.

Các đối tác Đức và các địa phương Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao việc tổ chức Tọa đàm “Gặp gỡ Đức 2017”, nhất là việc tạo điều kiện để 20 doanh nghiệp Đức được gặp gỡ, tiếp xúc với chính quyền và doanh nghiệp các địa phương Việt Nam, qua đó kết nối và tiến tới ký kết các thỏa thuận hợp tác đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới.

Tọa đàm “Gặp gỡ Đức” nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Gặp gỡ Đại sứ” do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức từ năm 2015 nhằm kết nối các địa phương Việt Nam và các đối tác nước ngoài, trong đó ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục-đào tạo, du lịch và lao động./.

Nguồn dangcongsan.vn