Tăng cường kiểm soát dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng
Tin Tức Năng Lượng Tháng mười một 30, 2015 News Energy
Nangluong.news – Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị tăng cường kiểm soát dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.
Trong thời gian qua, công tác xây dựng các quy định về tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng, mức hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng đã được thực hiện trong một số quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm công nghiệp như xi măng, thép, vật liệu xây dựng; đồng thời, Bộ Công Thương đã có hướng dẫn các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong một số ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Công tác giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy định về tiêu hao năng lượng chưa được quan tâm; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong thực hiện kiểm tra, giám sát đối với dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; một số ngành công nghiệp chế biến như: Gang thép, rượu bia và nước giải khát, nhựa và chất dẻo, giấy và bột giấy,…vẫn chưa có chuẩn mức tiêu hao năng lượng, nhiên liệu; chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ dẫn đến doanh nghiệp không tự giác thực hiện.
Xây dựng lộ trình đến 2020 cần loại bỏ các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng
Để tăng cường việc kiểm soát, quản lý các dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ và các cơ quan liên quan xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng và lộ trình áp dụng cho các ngành sản xuất công nghiệp chưa có quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng, trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc ngành công nghiệp đã có quy định về quy mô công suất, công nghệ và tiêu chuẩn môi trường thuộc chức năng quản lý của Bộ Công Thương (ví dụ như sản xuất thép, cao su nguyên liệu, phân bón NPK,…); xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm, đề xuất nâng cao mức phạt vi phạm (nếu cần thiết).
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng lộ trình cụ thể đến năm 2020 cần phải loại bỏ các công nghệ, thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng vượt định mức cho phép, lạc hậu, ô nhiễm môi trường thuộc chức năng quản lý của Bộ (áp dụng trong sản xuất gang, thép, thiết bị điện gia dụng,….), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ Công Thương cũng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai chương trình khuyến khích chuyển đổi các trang thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng hiệu suất cao phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội theo Quyết định số 51/QĐ-TTg ngày 12/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện; nghiên cứu bổ sung các sản phẩm mới có khả năng tiết kiệm nhiều năng lượng, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2016.
Áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà.
Cũng tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát việc tuân thủ thực hiện các quy định về:
Quy mô công suất, yêu cầu về môi trường, tiêu hao năng lượng, công nghệ và thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng được quy định tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; đề xuất các hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan, đề xuất nâng cao mức phạt vi phạm (nếu cần thiết).
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng trong quá trình xây dựng mới và cải tạo lại đối với tòa nhà có quy mô lớn, chiếu sáng công cộng; triển khai áp dụng các giải pháp, công nghệ, thiết bị, vật liệu tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành có liên quan kiểm tra việc tuân thủ thực hiện Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg ngày 25/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới; đồng thời xem xét bổ sung thêm những sản phẩm công nghiệp và công nghệ sản xuất lạc hậu cần phải loại bỏ, không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản
Chỉ thị nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản, việc tuân thủ thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cấp phép hoạt động khoáng sản cho các dự án phù hợp với tiến độ, giai đoạn sản xuất; yêu cầu các đơn vị khai thác mỏ áp dụng, tuân thủ kỹ thuật khai thác tiên tiến, tận thu tài nguyên khoáng sản, an toàn và bảo vệ môi trường.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn về suất tiêu hao nhiên liệu tối thiểu đối với một số loại phương tiện giao thông vận tải theo điều kiện và khả năng áp dụng từng giai đoạn; nghiên cứu sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế nhiên liệu truyền thống (CNG, LPG, LNG, nhiên liệu sinh học, năng lượng điện, năng lượng có tiềm năng khác) đối với phương tiện, thiết bị giao thông vận tải nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Loại bỏ các phương tiện, thiết bị sử dụng nhiều năng lượng
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện các tiêu chí về quy mô công suất, tiêu hao năng lượng, công nghệ và thiết bị sản xuất công nghiệp đối với các dự án đầu tư tại địa phương.
Bên cạnh đó, rà soát Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của địa phương phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014.
Đồng thời, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, thực hiện việc loại bỏ các phương tiện, thiết bị sử dụng nhiều năng lượng và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới theo quy định tại Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg ngày 25/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.