Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Tận dụng năng lượng tái tạo: Chiến lược thắng kép cho ngành chế biến thủy hải sản Tận dụng năng lượng tái tạo: Chiến lược thắng kép cho ngành chế biến thủy hải sản
Khi thói quen và mối quan tâm của người tiêu dùng thay đổi, doanh nghiệp cũng cần thay đổi để đáp ứng thị hiếu... Tận dụng năng lượng tái tạo: Chiến lược thắng kép cho ngành chế biến thủy hải sản

Khi thói quen và mối quan tâm của người tiêu dùng thay đổi, doanh nghiệp cũng cần thay đổi để đáp ứng thị hiếu mới của thị trường. Đó cũng là lý do ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đến năng lượng tái tạo, trong đó có các doanh nghiệp ngành chế biến thủy hải sản.

Tận dụng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời không chỉ giúp các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản tiết kiệm chi phí năng lượng sản xuất, tạo lợi ích kinh tế trước mắt mà còn là một bước đi để đón đầu xu hướng tiêu dùng xanh, tăng giá trị sản phẩm và lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là ở những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU… 

Tiết kiệm chi phí năng lượng – Lợi ích kinh tế trước mắt

Theo nghiên cứu của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, trong chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản, chi phí năng lượng (đặc biệt là chi phí sử dụng điện) xếp thứ 3, chỉ sau chi phí nguyên liệu và nhân công. Ở các doanh nghiệp chế biến thủy sản, mức tiêu thụ điện trung bình cho các hoạt động chế biến là khoảng 57-2.129 kWh/tấn nguyên liệu và 324 – 4.412 kWh/tấn sản phẩm, trong đó hệ thống đông lạnh “ngốn” nhiều điện năng nhất, chiếm đến 70%. 

Sử dụng điện năng lượng mặt trời thông qua hệ thống lắp trên mái nhà xưởng, bãi để xe… là một trong các giải pháp tiết kiệm chi phí điện năng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Từ giữa năm 2017, điện mặt trời đã được khai thác với tổng công suất 980kWp trên mái nhà xưởng của Nhà máy đông lạnh thủy sản số 1 (Đồng Tháp). Dòng điện sạch này đã giúp nhà máy tiết kiệm được khoảng 20% tiền điện mỗi năm. Việc đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái cho Nhà máy đông lạnh thủy sản số 1 được xem là một quyết định mang tầm chiến lược, giúp tiết kiệm hàng tỉ đồng cho chi phí điện sản xuất, bài toán lợi nhuận kinh tế rõ ràng khi hòa vốn chỉ sau khoảng 6 năm và những năm tiếp theo dùng hệ thống điện mặt trời gần như miễn phí.

tan-dung-nang-luong-tai-tao-chien-luoc-thang-kep-cho-nganh-che-bien-thuy-hai-san-1Hệ thống điện mặt trời áp mái ở Nhà máy đông lạnh thủy sản số 1 (Ảnh internet)

Tuy nhiên, tiết kiệm chi phí sử dụng điện trong sản xuất chỉ là một trong các lợi ích trước mắt dễ thấy nhất của điện mặt trời nói riêng, năng lượng tái tạo nói chung đối với các doanh nghiệp. Sử dụng năng lượng sạch được xem là một chiến lược khôn ngoan còn bởi nó có thể giúp mở ra những cơ hội “vàng” để sản phẩm dễ tiếp cận người tiêu dùng hơn, nhất là ở những thị trường quốc tế khó tính.

Tăng giá trị sản phẩm và lợi thế cạnh tranh, đón đầu xu hướng tiêu dùng xanh

Việt Nam đang xuất khẩu thủy sản sang hơn 170 thị trường, nằm trong top 4 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Mỹ, EU, Nhật Bản… hiện là những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của nước ta. Trong đó, với 27 nước thành viên, dân số trên 600 triệu người, lại có bình quân thu nhập và nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao so với thế giới, EU là thị trường lớn và rất tiềm năng với ngành chế biến xuất khẩu thủy hải sản (theo một nghiên cứu, nhu cầu thủy sản ở EU đạt mức 22,03 kg/người/năm, cao hơn 5,34kg/người/năm so với mức trung bình của thế giới). Chinh phục được các thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng khó tính này sẽ mang về lợi nhuận rất lớn cho các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản nói riêng và ngành thủy sản Việt Nam nói chung.

tan-dung-nang-luong-tai-tao-chien-luoc-thang-kep-cho-nganh-che-bien-thuy-hai-san-2Khi thủy hải sản Việt Nam chinh phục được các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như Mỹ, EU, Nhật Bản… lợi nhuận thu về sẽ rất lớn (Ảnh internet)

Tất nhiên, để chinh phục được các thị trường “béo bở” này, sản phẩm thủy hải sản Việt Nam không chỉ cần phải đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, số lượng cũng như chủng loại của thị trường mà còn phải nhanh nhạy “đón” đúng thị hiếu của người tiêu dùng để tăng giá trị sản phẩm và tạo lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.

Hiện nay, tiêu dùng xanh đang là xu hướng toàn cầu. Xu hướng này bắt đầu từ các quốc gia phát triển sau đó lan rộng ra khắp thế giới. Theo đó, người tiêu dùng hướng đến các sản phẩm không chỉ đảm bảo an toàn chất lượng mà còn thân thiện với môi trường, gắn với bảo vệ hệ sinh thái chung. Nhiều khảo sát cho thấy mức độ quan tâm của người dùng đối với sản phẩm gắn với yếu tố môi trường tăng lên rõ rệt. Chẳng hạn, theo khảo sát của Nielsen, có đến 66% người tiêu dùng sẵn sàng chi thêm tiền cho sản phẩm đến từ thương hiệu quan tâm môi trường (con số này vào năm 2011 chỉ 22%). Có đến 73% số người thuộc thế hệ Millennial (những người sinh vào khoảng năm 1980-2000) ủng hộ xu hướng này và con số đó đang tiếp tục tăng. Chính vì vậy, sử dụng năng lượng tái tạo trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ, sở hữu các chứng chỉ năng lượng tái tạo (RECs)… đang là một giải pháp chiến lược giúp các doanh nghiệp đón đầu xu hướng tiêu dùng xanh, thu hút sự quan tâm, yêu thích của các khách hàng tiềm năng. Khi các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản lắp đặt điện mặt trời, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, có những động thái hỗ trợ phát triển nguồn năng lượng sạch và biết cách dùng nó để truyền thông, xây dựng giá trị thương hiệu bền vững, điều này sẽ mang lại thắng lợi kép cho doanh nghiệp trong cuộc cạnh tranh khốc liệt ở các thị trường quốc tế.

Các Tập đoàn, công ty toàn cầu đồng thời là các “ông trùm” công nghệ như Apple, Google, Facebook, Microsoft, Amazon đã tuyên bố đang sử dụng 100% năng lượng tái tạo hoặc sắp tiến tới tương lai ấy. Để duy trì tuyên bố về năng lượng xanh, họ tập trung tạo ra các nguồn năng lượng tái tạo mới song song với việc mua các chứng chỉ năng lượng tái tạo (RECs).

Chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) là công cụ giao dịch được sử dụng để đáp ứng các mục tiêu tiêu thụ năng lượng tái tạo tự nguyện hay tuân thủ các yêu cầu chính sách năng lượng tái tạo. Một đơn vị REC được tạo ra khi một nguồn năng lượng tái tạo sản xuất ra 1 MWh điện và phát lượng điện này lên lưới điện. REC được lưu thông trên thị trường quốc tế và được các hệ thống luật thương mại, thuế, kế toán… của nhiều nước châu Âu và các châu lục khác thừa nhận.

Nguồn: Vuphong.vn