Sạc pin điện thoại, bếp than sinh điện thắp sáng
Sản Phẩm Năng Lượng Tháng Mười Hai 25, 2015 News Energy
Nangluong.news – Sạc pin di động có đèn chiếu sáng, bếp than sinh điện sạc pin cho điện thoại di động là sản phẩm ấn tượng tại cuộc thi Thanh thiếu niên tham gia đề xuất các giải pháp và ý tưởng sáng tạo tiết kiệm năng lượng năm 2015.
Vừa làm sạc pin vừa làm đèn học
Sạc pin di động đa năng của nhóm tác giả Lê Minh Vương, Trần Minh Hải và Trần Quang Huy, Công ty CP khoa học công nghệ Petech (TP.HCM) giành giải nhất tại cuộc thi Thanh thiếu niên tham gia đề xuất các giải pháp và ý tưởng sáng tạo tiết kiệm năng lượng năm 2015.
Theo anh Vương chia sẻ, xuất phát từ đam mê nghiên cứu khoa học và muốn tạo ra sản phẩm hữu ích, hướng đến mục tiêu tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Nhóm nghiên cứu cùng nhau hợp tác sáng tạo ra sản phẩm sử dụng nguồn điện năng lượng ánh sáng mặt trời và chuyển hóa thành điện năng. Nguồn điện này dùng pin cho điện thoại, máy nghe nhạc MP3, MP4. Chiếc sạc pin di động có khả năng tích trữ năng lượng mặt trời cung cấp cho hệ thống đèn LED được tích hợp cùng với thân sạc có thể làm đèn chiếu sáng khi học tập vào buổi tối.
Ban ngày hệ thống tích lũy điện năng vào mạch lưu điện bằng tấm solar panel mini và đến tối sẽ sử dụng lượng điện tích lũy trong ngày để thắp sáng đèn LED được thiết kế như một chiếc đèn học. Chiếc sạc pin sử dụng hoàn toàn nguồn năng lượng xanh khi chuyển hóa ánh sáng mặt trời thành điện năng hoặc có thể sử dụng như là một cục pin dự phòng thông qua việc sạc điện từ ổ cắm để sạc pin trong tình huống trời mưa mù không có nắng.
“Thiết bị có tổng trọng lượng khoảng 200 gr, có thể gắn lên ba lô khi đi xe máy, du lịch xa. Sản phẩm tiếp tục được cải tiến để tối ưu hóa kích thước nhưng đảm bảo hiệu suất sạc pin, thắp sáng”, anh Vương nói.
Sạc điện thoại từ bếp than
Bếp than đa năng do anh Phùng Văn Còn, giáo viên Trường THCS Bình Thắng (Bình Dương) thiết kế ngoài đun nấu còn tự động chuyển hóa nhiệt năng thành dòng điện. Bếp than đa năng có 3 bộ phận chính: phần bếp đốt than, bộ phận biến đổi nhiệt năng thành điện năng và mạch tăng áp DC. Trong đó, quan trọng nhất là thiết bị biến đổi nhiệt năng thành điện năng ứng dụng theo hiệu ứng nhiệt điện, còn gọi là hiệu ứng peltier. Mạch tăng áp DC có công dụng làm tăng áp từ nhỏ đến lớn và duy trì dòng điện ổn định. Các thiết bị, vật liệu làm bếp than dễ mua ngoài thị trường và có giá rẻ. Nguyên liệu làm bếp than có thể tận dụng từ tấm nhôm của CPU máy tính đã bị hư hỏng.
“Bếp than này khác biệt so với sản phẩm ngoài thị trường là thu hồi nguồn nhiệt từ quá trình đun nấu, chuyển đổi thành dòng điện dùng sạc điện thoại di động, thắp sáng và nghe đài radio”, anh Còn nói.
Cũng theo anh Còn, bếp than đa năng này phù hợp ở miền núi, nơi chưa có điện chiếu sáng hoặc sử dụng trong chuyến du lịch dã ngoại, vừa thắp sáng và đun nấu chuẩn bị tiệc ngoài trời. Hiện tại, bếp than này được làm với số lượng hạn chế cho người thân và bạn bè sử dụng. Nhưng trong tương lai, anh Còn tiếp tục cải tiến mẫu mã, hoàn thiện quy trình sản xuất thành sản phẩm thương mại bán ra thị trường.
Cuộc thi Thanh thiếu niên tham gia đề xuất các giải pháp và ý tưởng sáng tạo tiết kiệm năng lượng năm 2015 do T.Ư Đoàn và Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương phối hợp tổ chức. Qua 2 tháng phát động, cuộc thi có 222 sản phẩm tham gia. Trong tối 19.12, tại Hà Nội, ban tổ chức đã trao giải thưởng cho 16 sản phẩm tiêu biểu. |
Nguồn: Thanhnien.vn