Sa mạc xa xôi ở chile là nơi quyết định cuộc cách mạng xe điện và cả những chiếc xe tesla
Năng Lượng Tái TạoTin Tức Năng LượngỨng Dụng Năng Lượng Mặt Trời Tháng ba 13, 2020 Năng Lượng News
Những chiếc xe Formula E với kiểu dáng bắt mắt đã dần xuất hiện trên khắp thế giới với khả năng tăng tốc từ 0 đến 96 km/h chỉ trong 2.8 giây và tốc độ tối đa lên đến 270 km/h.
Chữ “E” trong cái tên Formula E chính là viết tắt của Electicity, hay chỉ dòng xe đua chạy bằng điện. Dòng xe này được trang bị pin lên đến 200 kilowatt được sản xuất bởi McLaren Applied.
Tháng trước, cuộc đua Formula E đã được tổ chức tại Nam Mỹ trong chặng đua Santiago ePrix. Thành phố này là một trong những chặng đua Formula E nức tiếng trong ba năm liền của Chile. Khoảng 1.126 km về phía Bắc thủ đô Santiago là sa mạc Atacama hoàn toàn hoang vắng và nơi đây chính là nguồn năng lượng cho những chiếc Formula E.
Chảo muối
Tia mặt trời chiếu xuống mặt đất nơi đây mạnh mẽ và hầu như không có mưa trong năm.
Đây có vẻ là một nơi cằn cỗi. Tuy nhiên, nó lại là quê hương của loại khoáng chất giá trị nhất và được sử dụng nhiều nhất trong cuộc sống hiện đại: lithium.
Đây là khoáng chất quan trọng vì chúng cho phép lưu trữ điện trong những viên pin có thể sạc lại. Chúng được sử dụng phổ biến trong các thiết bị gia đình, laptop, tấm pin năng lượng mặt trời và tất nhiên là cả xe điện.
Sa mạc Atacama là nơi căn cỗi, tuy nhiên, lithium đang ẩn dấu bên dưới các chảo muối tạo nên một mỏ khoáng tiềm năng (Ảnh: CNN)
Chile có trữ lượng lithium rất lớn. Quốc gia Nam Mỹ này được mệnh danh là “Ả Rập Saudi” của lithium, chúng được tích trữ trong các chảo muối trên sa mạc.
Chính phủ Chile cho biết nước này hiện đang giữ khoảng 48% trữ lượng lithium của thế giới, hầu hết chúng nằm trong các chảo muối thuộc sa mạc Atacama. Chile cũng đang chiếm khoảng 19% sản lượng lithium toàn cầu.
Công ty khai khoáng Albemarle của Mỹ đã trả tiền cho chính phủ Chile để được khai thác lithium từ các chảo muối của nước này. Với khả năng khai thác của công ty Albemarle, lượng lithium khai thác được có thể chế tạo khoảng 1,2 triệu chiếc xe điện mỗi năm.
Quá trình khai thác
Nguồn lithium nồng độ cao được phát hiện trong mạch nước mặn ngầm sâu 30m bên dưới bề mặt sa mạc.
Trong các hồ nhân tạo, nước muối “kết tủa”, đây là quá trình bay hơi nước và chiết xuất các chất khoáng thứ cấp từ nước muối trong khoảng 18 tháng.
Với Albemarle, tỷ lệ chiết xuất ban đầu chỉ khoảng 0,2% lithium. Tuy nhiên tỷ lệ cuối quy trình sản xuất đạt được khoảng 6%.
Lithium sau khai thác được vận chuyển đến thành phố Antofagasta, cách Atacama khoảng 270 km về phía Tây.
Tại đây, các tạp chất sẽ được loại bỏ, lithium được sấy khô và nghiền thành bột trắng.
Có rất ít nước từ các nguồn tự nhiên trong sa mạc Atacama, do đo các nhà máy phải bơm thêm nước từ ngoài sa mạc vào (Ảnh: CNN)
Quá trình sản xuất này không phải là không có tranh cãi. Việc xây dựng các hồ nhân tạo và làm bay hơi nước khiến công ty khai thác bị chỉ trích.
Nguyên nhân là do nguồn nước sinh hoạt nơi đây cực kỳ khan hiếm. Người dân bản địa lo ngại rằng lượng nước sử dụng để sản xuất lithium lên đến 1.900 mét khối mỗi tấn có thể ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân nơi đây.
Tại Salar de Atacama, công nghiệp khai khoáng sử dụng khoảng 65% nguồn nước trong khu vực.
“Quá trình sản xuất cần làm bay hơi nước và chúng tôi bị chỉ trích vì vấn đề này”, Ellen Lenny-Pessagno, quản lý Albemarle tại Chile cho biết.
“Để sản xuất pin cho một chiếc Tesla 3, chúng tôi cần làm bay hơi khoảng 4.000 lít nước. Con số này tương đương với việc sản xuất ra khoảng 250g thịt bò, lượng hạt cà phê cho khoảng 30 cốc và một nửa cái quần jean”.
Tuy nhiên, nước sử dụng để sản xuất những mặt hàng trên lại không dùng nguồn nước từ nơi khác bơm vào sa mạc.
Tăng tuổi thọ pin
Lenny-Pessagno nhấn mạnh rằng dù có những tác động đến khu vực lân cận, pin lithium lại có tuổi thọ “cao hơn rất nhiều”.
Cô cho biết “Viên pin của chiếc xe điện Tesla 3 tuyệt đẹp có thể hoạt động đến 10 năm. Một căn nhà sử dụng các tấm năng lượng mặt trời có thể có điện dùng ngay cả vào buổi tối. Và chúng hoàn toàn có thể tái chế”.
Nghiên cứu đang được thực hiện tại Đại học Chile cho phép kéo dài tuổi thọ pin lithium.
“Chúng tôi đang hướng đến tuổi thọ của chính viên pin (chứ không đơn thuần là tuổi thọ của lithium) có thể sạc lên đến 1.000 chu kỳ và mục đích chính trong nghiên cứu của chúng tôi là thay đổi chất hóa học để viên pin tồn tại lâu hơn”, giáo sư kỹ thuật điện Marcos Orchard cho biết.
Hiệu quả của nghiên cứu này đã được thể hiện rõ qua từng mùa giải Formula E. Trong bốn mùa đầu tiên, các tay đua phải đổi sang một chiếc xe khác ở giữa chặng đua do pin không đủ.
Từ năm 2018, thế hệ xe đua thứ 2 ra đời, những chiếc xe này đã có thể đi đến hết chặng đua mà không cần thay thế.
Chặng đua Formula E đầu tiên trong năm nay được tổ chức vào tháng 1 và người giành cúp vô địch là tay đua 22 tuổi Maximilian Günther (Ảnh: CNN)
Chủ tịch FIA, Jean Todt gần đây đã tiết lộ về bước tiến trong môn thể thao này và tác động của nó đến xã hội.
“Hãy xem xem, ban đầu chúng ta cần đến hai chiếc xe để có thể hoàn thành một chặng đua. Và giờ đây, sau 5 năm, chúng ta chỉ cần một chiếc mà thôi. Chúng ta đã chứng minh rằng đua xe không chỉ là một màn trình diễn mà còn là một phòng thí nghiệm.”
“Chúng tôi không muốn có một chiếc xe trông giống Formula One hay Formula Two, chúng tôi muốn một chiếc xe có kiểu dáng của tương lai”.
Theo lịch trình, thành phố Mexico sẽ là điểm đến tiếp theo của giải Formula E vào 15/2 và Todt hy vọng rằng môn thể thao này sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.
“Tôi luôn cho rằng Formula E là một mô hình thể hiện tầm nhìn tương lai. Một số người cho rằng sẽ có sự cạnh tranh với Formula One nhưng đây là hai cuộc đua hoàn toàn khác biệt. Mỗi cuộc đua đều có giá trị riêng của nó”, ông nói.
Nguồn: Vnreview.vn (theo CNN)