Rất ít nước có tốc độ phát triển điện như Việt Nam
Tin Tức Năng Lượng Tháng mười một 6, 2015 News Energy
Kể từ năm 1990 đến nay, tỷ lệ người dân được cấp điện đã tăng từ 54% lên 98%. Trong hai thập kỷ qua, 10 triệu hộ dân (tương đương với 40 triệu người) đã có điện. Đây là thành quả rất ít nước trên thế giới có thể đạt được trong một thời gian ngắn và địa hình khó khăn như Việt Nam.
Thông tin trên đã được đưa ra tại Hội nghị năng lượng có chủ đề “Định hướng phát triển bền vững cho ngành Điện Việt Nam” vừa diễn ra sáng nay (4/11).
Tỷ lệ người dân được cấp điện đã tăng mạnh
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho biết, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và đặt mục tiêu phát triển điện luôn phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Với sự quan tâm đó, cùng với những nỗ lực không ngừng của toàn ngành Điện, hệ thống điện quốc gia Việt Nam hiện đã có những bước phát triển vượt bậc, đảm bảo cung cấp đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội với chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Kể từ năm 1990 đến nay, tỷ lệ người dân được cấp điện đã tăng từ 54% lên 98% (Ảnh minh họa) |
Cũng theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, kể từ năm 1990 đến nay, tỷ lệ người dân được cấp điện đã tăng từ 54% lên 98%. Trong hai thập kỷ qua, 10 triệu hộ dân (tương đương với 40 triệu người) đã có điện, chủ yếu thông qua quá trình điện khí hóa nông thôn trong chương trình xóa đói giảm nghèo của quốc gia. Đây là kết quả rất ít nước trên thế giới có thể đạt được, trong một thời gian ngắn và với địa hình khó khăn như Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm này, ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam đã làm tốt việc cung cấp khả năng tiếp cận điện cho người dân, với hầu hết 100% dân số có điện. Tiếp cận điện năng cũng đã song hành với cải thiện hiệu quả vận hành và chất lượng dịch vụ.
“Vấn đề chính hiện nay là làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu trong tương lai, khi cùng lúc phải tuân thủ những cam kết của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, ông Axel van Trotsenburg nói.
Việt Nam cần một cơ cấu nguồn điện đa dạng hơn
Cũng theo thông tin tại Hội nghị, Việt Nam có tỷ lệ năng lượng tái tạo cao trong tổng cơ cấu phát điện, với thủy điện chiếm 42% tổng phát điện, cao hơn nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, Việt Nam có thể phát triển hơn nữa các tiềm năng gió và mặt trời, nhưng cần có cải thiện về khung quy định.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kể cả khi khai thác tốt tiềm năng năng lượng tái tạo, Việt Nam vẫn có thể không đáp ứng đủ nhu cầu trong tương lai. Vì vậy, cần tăng cường hiệu quả trong việc sản xuất, truyền tải và phân phối điện cũng sẽ đóng vai trò quan trọng. Một lĩnh vực có lợi ích tiềm năng to lớn là thị trường mua bán điện khu vực.
Cũng theo các chuyên gia, việc tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả, mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo và tăng cường trao đổi điện trong khu vực Châu Á, có thể giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện từ 7% đến 10%/năm cho tới năm 2030.
Trong khi đó, theo bà Anita Marangoly George, Giám đốc cao cấp, Khối Chuyên ngành Toàn cầu về Năng lượng và Khai khoáng của Ngân hàng thế giới, để đảm bảo bền vững về tài chính cho ngành Điện, Việt Nam cần thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả và đảm bảo nguồn đầu tư lớn từ khu vực nhà nước và tư nhân.
“Khi nhu cầu năng lượng gia tăng, Việt Nam cần đẩy mạnh sử dụng năng lượng hiệu quả và khai thác nhiều nguồn năng lượng khác nhau, để đáp ứng nhu cầu đó bao gồm than, khí thiên nhiên, gió, điện năng lượng mặt trời và thủy điện để đảm bảo nguồn cung cấp điện bền vững, tin cậy và giá cả hợp lý. Việt Nam cũng cần cân nhắc tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường trao đổi điện trong khu vực”, đại diện Ngân hàng thế giới chia sẻ.
Yến Nhi