Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Phát triển năng lượng tái tạo: Tạo chính sách hỗ trợ tốt Phát triển năng lượng tái tạo: Tạo chính sách hỗ trợ tốt
Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều thuận lợi nhất trong khu vực để phát triển nguồn năng lượng tái tạo... Phát triển năng lượng tái tạo: Tạo chính sách hỗ trợ tốt

Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều thuận lợi nhất trong khu vực để phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ sức gió, năng lượng mặt trời, rác thải…, song Chính phủ cần có những chính sách, giải pháp cụ thể để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Phát triển năng lượng tái tạo

Phát triển năng lượng tái tạo

Với gần 3.400 km bờ biển, tiềm năng về năng lượng gió của Việt Nam ước tính khoảng 500 – 1.000 kWh/m2 mỗi năm. Bên cạnh đó là nguồn năng lượng mặt trời với lượng bức xạ nắng trung bình 5 kWh/m2/ngày trên khắp cả nước. Tiềm năng kỹ thuật của thủy điện nhỏ cũng dao động ở mức hơn 4.000 MW mỗi năm. Tổng tiềm năng lượng sinh khối của Việt Nam vào khoảng 73 triệu tấn/năm, trong đó sinh khối từ nông – lâm – ngư nghiệp là 60 triệu tấn/năm và từ rác thải khoảng 13 triệu tấn/năm. Nếu tận dụng các nguồn sinh khối này để phát điện thì công suất điện ước tính có thể lên tới 5.000 MW. Tuy nhiên, do chưa được xử lý và sản xuất năng lượng nên hiện nay nguồn sinh khối này đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo báo cáo “Triển vọng kinh tế” của Viện Kế toán công chứng (Chartered Accountant) Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW) công bố mới đây cho thấy Việt Nam là quốc gia có sự gia tăng lớn nhất về tỷ trọng điện được sản xuất bằng năng lượng tái tạo trong khu vực Đông Nam Á.

Ông Scott Corfe- cố vấn kinh tế của ICAEW và là Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (Centre for Economics and Business Research (CEBR)- cho biết, một điều đáng khích lệ đối với Việt Nam là tỷ lệ điện được sản xuất bằng năng lượng tái tạo khá cao thay vì dùng nhiên liệu hóa thạch, trong đó năng lượng hydro chiếm gần một nửa tổng lượng điện phát ra. Song Việt Nam còn phải đối diện với những thách thức về tăng trưởng xanh khi tiếp tục chuyển đổi từ một nền kinh tế nông nghiệp sang sản xuất. “Nếu có chính sách hỗ trợ tốt, các dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn sẽ giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh trong trung và dài hạn”- ông Scott Corfe nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Mark Billington- Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á- khẳng định, để hiện thực hóa các khoản đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo thì chính sách phát triển, thu xếp nguồn vốn, đặc biệt là giá bán điện của Việt Nam phải có thay đổi. Ngoài ra, Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật ở mức cao (như luật, nghị định) để khuyến khích nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Và việc chưa có chiến lược, quy hoạch cụ thể phát triển nguồn năng lượng này ở cấp quốc gia được xem là thách thức dẫn đến việc chậm triển khai các dự án đã cấp phép và thu hút đầu tư mới.

Chính phủ nên kêu gọi đầu tư theo mô hình trái phiếu xanh tại các doanh nghiệp xanh với mức lợi nhuận cao hơn so với các loại trái phiếu, cổ phiếu thông thường để thu hút nhà đầu tư vào các doanh nghiệp năng lượng tái tạo. Chính phủ cũng cần áp dụng mức thuế cao với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến quá trình xanh hóa nền sản xuất công nghiệp…

Theo baocongthuong.