Giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và phục hồi xanh hậu COVID-19
Năng Lượng Tái TạoPin Năng Lượng Mặt TrờiTin Tức Năng Lượng Tháng mười hai 29, 2020 Nguyễn Ngọc Trai
Năm 2020, thiên nhiên tiếp tục gióng lên những hồi chuông cảnh báo, dịch bệnh COVID-19 tạo nên cuộc khủng hoảng kép về kinh tế và y tế. Giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thực hiện các biện pháp phát triển bền vững tiếp tục được xem như hướng đi triển vọng nhất trong phục hồi xanh cũng như cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
- Sử dụng than đá và năng lượng hóa thạch tác động như thế nào đến môi trường ?
- Tận dụng năng lượng mặt trời, Cuba giảm phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch
- Đại học Cambridge sẽ loại bỏ hoàn toàn các khoản đầu tư năng lượng hóa thạch
Tác hại của việc đốt nhiên liệu hóa thạch và biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt
Những năm qua, đã có nhiều tài liệu nghiên cứu, báo cáo về tác động của việc đốt nhiên liệu hóa thạch bao gồm than, dầu mỏ, khí thiên nhiên đối với môi trường cũng như sức khỏe con người. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch ước tính làm tăng 10,65 tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm trong khí quyển. Đây là một trong những khí nhà kính làm tăng lực phóng xạ và góp phần vào sự nóng lên toàn cầu. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc vào ngày 09/12/2020, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã tăng đến mức cao kỷ lục, khiến Trái Đất đến gần hơn với kịch bản tăng lên 3 độ C trong thế kỷ này. Theo Giám đốc điều hành UNEP (Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc), năm 2020 là một trong những năm nóng nhất được ghi nhận; cháy rừng, bão và hạn hán tiếp tục tàn phá.
Đại Tây Dương hứng chịu tổng cộng 30 cơn bão trong năm nay – con số kỷ lục từ trước tới giờ. Châu Á – Thái Bình Dương cũng phải đối phó với số lượng kỷ lục các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu. Riêng tại Việt Nam, năm 2020 cũng là năm thiên tai dị thường, khốc liệt, bao gồm 16 loại hình thiên tai với 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn; 120 trận lũ quét, sạt lở đất… Nhiều cơn bão, lũ dồn dập xảy đến, trong đó cơn bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua. Thiên tai đã làm 356 người chết, mất tích và 876 người bị thương (số liệu tính đến ngày 04/12/2020).
Bão chồng bão, lũ chồng lũ gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho người dân (Ảnh: báo Quảng Bình)
Khí thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong các nhà máy nhiệt điện, xi măng, trong các phương tiện giao thông… là “thủ phạm” chính gây ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí được xem là mối đe dọa sức khỏe môi trường lớn nhất thế giới, vừa là nguyên nhân hình thành vừa là yếu tố làm trầm trọng thêm nhiều bệnh tim mạch, hô hấp như đau tim, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… và một số bệnh lý thần kinh, tâm lý. Theo báo cáo Thực trạng Không khí toàn cầu 2020 do Viện Tác động sức khỏe (HEI) thực hiện, ô nhiễm không khí khiến 1,67 triệu người Ấn Độ tử vong trong năm 2019. Còn theo nghiên cứu mới của Greenpeace Southeast Asia – một tổ chức môi trường toàn cầu có trụ sở tại Indonesia, đốt nhiên liệu hóa thạch dẫn tới khoảng 4,5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm, gây tổn thất khoảng 8 tỷ USD mỗi ngày.
- Nhật Bản quyết dùng năng lượng tái tạo thay nhiên liệu hóa thạch
- Việt Nam sẽ bỏ hoàn toàn trợ giá nhiên liệu hóa thạch vào 2020
- Năng Lượng Hydrô Là Gì ?
Trong khi đó, tạp chí y khoa Lancet chỉ ra có mối liên quan giữa các căn bệnh truyền nhiễm như COVID-19 và biến đổi khí hậu. Theo đó, biến đổi khí hậu và các tác nhân thúc đẩy như đô thị hóa, canh tác nông nghiệp có xu hướng xâm phạm môi trường sống hoang dã, tạo điều kiện để các mầm bệnh chuyển từ động vật sang người thường xuyên hơn, dễ dàng hơn. Như vậy, có thể coi COVID-19 như một hồi chuông cảnh báo tiếp theo cho tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu – còn nghiêm trọng hơn so với bài toán về nguồn nhiên liệu hóa thạch cạn kiệt đang đặt ra hiện nay.
Phục hồi xanh – hướng triển vọng cho các mục tiêu về kinh tế và môi trường
Nhiều năm qua, kinh tế xanh được các chuyên gia khoa học và kinh tế đưa ra như một hướng đi triển vọng để đạt song song các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và môi trường. Trong đó, các biện pháp được hướng đến như đầu tư cơ sở hạ tầng – công nghệ không phát thải, giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy trồng rừng, bảo tồn thiên nhiên, đóng cửa các nhà máy than đá… Dịch COVID-19 xảy đến, khái niệm kinh tế xanh được chuyển thành phục hồi xanh, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình phát triển bền vững trong cuộc đua phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.
Tăng cường sử dụng điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo để phục hồi xanh
Chuyển dịch năng lượng là một phần của cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu và đang đạt được nhiều dấu ấn quan trọng. Năm 2020, lần đầu tiên cán cân nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo trong sản xuất điện của EU nghiêng về phía năng lượng tái tạo. Số liệu thống kê nửa đầu năm 2020, năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, năng lượng sinh học đã tạo ra 40% điện năng của 27 quốc gia thành viên EU, cao hơn tỷ lệ 34% của nhiên liệu hóa thạch. Trước đó, theo một thông báo của Liên Hợp Quốc vào cuối năm 2019, đã có 66 quốc gia trên thế giới cam kết giảm phát thải ròng xuống mức 0 vào năm 2050.
Tuy vậy, nhiên liệu hóa thạch hiện vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Theo số liệu tính đến ngày 09/12/2020, các khoản đầu tư vào điện năng của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vẫn hướng đến nhiên liệu hóa thạch với 257,7 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 53%; năng lượng sạch xếp sau với 173,2 tỷ USD, chiếm 35%. Chính vì thế, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi sự nỗ lực và đồng thuận của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và nhấn mạnh rằng các gói phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19 đồng thời sẽ cơ hội để các nước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một tương lai carbon thấp. Phục hồi xanh trong đó có giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một hướng triển vọng để đảm bảo tất cả các mục tiêu kinh tế-xã hội, môi trường trong bối cảnh hiện nay.
*Các thông tin số liệu tham khảo tại Thông tấn xã Việt Nam, Tuổi trẻ, Nhân dân
Nguồn: Tổng Hợp