Nghe giá điện tăng… doanh nghiệp thuỷ sản ‘sốc’
Năng Lượng Mặt TrờiNăng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng ba 16, 2019 Năng Lượng News
Thông tin giá điện sẽ điều chỉnh tăng 8,36% khiến doanh nghiệp lo lắng, đặc biệt là với các doanh nghiệp thuỷ sản bởi điện tiêu thụ cho nuôi trồng, chế biến, hoạt động các nhà máy thủy sản rất lớn.
Thông tin từ cuối tháng 3 này, giá điện được điều chỉnh tăng 8,36% so với giá hiện hành đang khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Doanh nghiệp tiêu thụ điện càng nhiều sẽ chịu tác động càng lớn.
Nguồn điện tiêu thụ cho nuôi trồng, chế biến, hoạt động các nhà máy thức ăn thủy sản đều rất lớn.
Doanh nghiệp “sốc” lo tăng chi phí
Theo ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu, giá điện tăng gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp thủy sản vì ngành này sử dụng điện rất nhiều trong khâu chế biến.
“Công ty tôi có 4 nhà máy chế biến thủy sản, mỗi tháng tiêu tốn khoảng 1,5 tỉ đồng tiền điện, với giá điện tăng như dự kiến thì mỗi tháng phải chi thêm cả trăm triệu đồng cho tiền điện. Trong khi tất cả chi phí khác cũng tăng, như nguyên liệu thủy sản (tăng 20%-30%), lương công nhân, BHXH. Trong khi lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh thủy sản rất thấp, chỉ 2%-3%”, ông Dũng cho biết.
Có cùng quan điểm, chia sẻ với NTNN, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, thông tin giá điện sẽ tăng 8,36% khiến không ít doanh nghiệp sản xuất trong ngành bị “sốc” và lo lắng, bởi chi phí đầu vào tăng sẽ khiến giá thành tăng theo.
Bởi hiện nay, nguồn điện tiêu thụ cho nuôi trồng, chế biến, hoạt động các nhà máy thức ăn thủy sản đều rất lớn.
Do đó, theo ông Quốc, nếu tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến tất cả các kế hoạch sản xuất, chi phí sẽ đội lên không nhỏ, kéo theo giá thành tăng cao, trong khi tình hình cạnh tranh trên thị trường hiện nay ngày càng khốc liệt, khiến các doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn.
“Với giá điện như hiện nay, 1 nhà máy sản xuất cá tra có công suất trung bình mỗi tháng phải trả khoảng vài tỷ đồng tiền điện. Tôi ví dụ có một doanh nghiệp chế biến cá tra khá lớn ở Đồng Tháp, mỗi tháng riêng chi phí tiền điện đã lên tới cả chục tỷ. Ước tính tỷ lệ tiêu hao điện năng cho hệ thống đá vẩy, tủ đông, kho đông, điều hòa không khí… Ở các doanh nghiệp chế biến thủy sản, nhất là chế biến cá tra đông lạnh xuất khẩu chiếm trên 85%. Nay nếu giá điện tăng lên 8,36%, nhân với số tiền điện 10 tỷ đồng, chi phí đội lên rất lớn”, ông Quốc phân tích.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp thừa nhận đã áp dụng mọi biện pháp để cắt giảm chi phí sản xuất, trong đó có cả tiết kiệm điện nhưng giá điện tiếp tục tăng cao sẽ gây khó khăn rất lớn cho sản xuất.
Trong khi đó, thị trường trong nước cũng như xuất khẩu phải cạnh tranh nhau từng đồng, chỉ cần giá bán cao hơn 1-2 đồng là bị đối tác từ chối.
Trước đó, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Công Thương cho biết, Bộ này đã lên phương án về tăng giá điện với “mức tăng trên 8%”. Cụ thể, giá điện sẽ tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành, từ 1.720,65 đồng lên 1.864,04 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Phương án tăng này dự kiến sẽ điều chỉnh ngay trong tháng 3/2019.
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, đáng lý giá điện đã phải tăng trong năm 2018 nhưng vì nhiều lý do đã dời lại sang năm nay. Trong 10 năm qua giá điện đã tăng 7 lần, lần tăng mạnh nhất là 15,28% năm 2011, thấp nhất là mức tăng 5% 2012 – 2013.
Lý do để nhà chức trách đề xuất tăng giá lần này là kết quả sản xuất kinh doanh điện của năm 2017. Tại họp báo công bố giá thành sản xuất điện năm 2017 cuối năm 2018, Bộ Công Thương cho biết, doanh thu bán điện năm 2017 của EVN gần 290.000 tỷ đồng, trong khi chi phí sản xuất kinh doanh điện gần 291.300 tỷ. Sau khi cộng tất cả thu chi của EVN năm 2017, tập đoàn này lỗ khoảng 2.220 tỷ đồng.
Cần tăng giá điện theo lộ trình
Bộ Công Thương đều đưa ra khuyến cáo phải điều chỉnh máy móc, điều hành, tiết kiệm kho lạnh khi cần thiết…
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, những khuyến cáo này không cần thiết. Mọi quy trình sản xuất, các doanh nghiệp đã phải tính toán rất cụ thể, chi tiết và thực hành tiết kiệm từ lâu rồi.
Bộ Công Thương cũng khuyến cáo áp dụng năng lượng sạch, hay năng lượng mặt trời, tuy nhiên chi phí lắp đặt rất lớn. “Nhiều doanh nghiệp cũng muốn sử dụng nguồn năng lượng sạch, nhưng với một nhà máy công suất lớn thì chi phí đầu tư lên tới hàng chục tỷ, thậm chí 20-30 tỷ, trong lúc bối cảnh sản xuất khó khăn thế này, tiền đâu ra?”, ông Quốc đặt vấn đề.
Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiến nghị, nên tăng giá điện theo lộ trình: “Ví dụ, có thể thí điểm chỉ tăng 3-4% rồi từ đó nghiên cứu, xem xét thực tế thế nào, chứ ngay lập tức tăng tới 8,36% thì doanh nghiệp nào cũng bị “sốc”.
Ông Quốc đề nghị ngành điện cần xem xét, có chính sách hợp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. “Đừng vì một vài vấn đề của riêng ngành điện mà làm ảnh hưởng tới cả nền kinh tế”, ông Quốc nhấn mạnh.
Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiến nghị, nên sớm có ưu đãi về vốn vay tín dụng để các doanh nghiệp chuyển đổi sử dụng thiết bị điện cũ sang máy móc mới nhằm tiết kiệm năng lượng, cũng như chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch, điện mặt trời…
Nguồn: Vietnambiz