Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Năm 2018: Cần hành động để “bức tranh môi trường” sáng hơn Năm 2018: Cần hành động để “bức tranh môi trường” sáng hơn
Cùng lật lại những sự kiện môi trường nổi bật trong năm như một cách đúc kết những bài học kinh nghiệm và dự... Năm 2018: Cần hành động để “bức tranh môi trường” sáng hơn

Cùng lật lại những sự kiện môi trường nổi bật trong năm như một cách đúc kết những bài học kinh nghiệm và dự báo những câu chuyện môi trường của năm tới để chuẩn bị đối phó, phòng ngừa và giảm nhẹ.

2017: Màu tối!

2017 là một năm thiên tai nặng nề, gây thiệt hại kinh tế và xã hội lớn trong suốt ba thập niên vừa qua ở VN, dù thiệt hại về nhân mạng chưa phải là cao nhất.

Chưa bao giờ VN có số trận bão xuất hiện ở khu vực Biển Đông nhiều đến thế: 16 trận. Thông thường, mỗi năm nước ta chỉ có 10-12 trận bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở Biển Đông.

Trận bão Damrey (cơn bão được đánh số 12 ở VN) đã tàn phá nghiêm trọng vùng ven biển miền Trung với cảnh báo ở mức cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (mức cảnh báo màu đỏ).

Bão Damrey, đổ bộ vào đất liền sáng 4-11-2017 với sức gió cấp 12, giật cấp 15, đã gây thiệt hại “ngoài sức tưởng tượng” cho vùng ven biển tỉnh Khánh Hòa, nơi mà người dân cho là tương đối an toàn ở vùng ven biển miền Trung trong nhiều năm qua nhờ nằm sâu trong vịnh Nha Trang, vốn có hàng chục hòn đảo lớn nhỏ ngoài khơi che chắn. Riêng trận bão này đã làm 151 người chết, thiệt hại kinh tế ước tính hơn 1.000 tỉ đồng…

Trước đó, trưa 15-9-2017, cơn bão Doksuri (cơn bão số 10) là một xoáy thuận nhiệt đới rất mạnh đã đổ bộ khu vực Nam Hà Tĩnh – Bắc Quảng Bình với gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Bão Doksuri đã làm chết 20 người, bị thương nặng khoảng 200 người và thiệt hại kinh tế hơn 11.700 tỉ đồng.

Sự bất thường của thiên nhiên là một trong các chỉ dấu của hiện tượng nóng lên toàn cầu gây biến đổi khí hậu.

Theo Viện Nghiên cứu không gian Goddard của NASA (GISS) ở Mỹ, tháng 7-2017 là tháng có nhiệt độ toàn cầu cao nhất từng được thống kê suốt 137 năm qua, mặc dù năm 2017 đã ghi nhận sự chấm dứt của hiện tượng khô nóng do El Nino giai đoạn 2015-2016.

Năm qua còn chứng kiến tình trạng sạt lở đã xảy ra nhiều nơi ở các khu vực ven sông và ven biển ĐBSCL, với hình ảnh ấn tượng là gần chục ngôi nhà đổ sập xuống dòng sông Vàm Nao.

Nhiều tranh cãi về nguyên nhân nhưng hầu hết đều tập trung vào tình trạng khai thác cát quá mức trên diện rộng và nguy cơ giảm sút phù sa, chất trầm tích từ thượng nguồn sông Mekong.

Cũng trong năm 2017, báo chí và giới khoa học, nhà quản lý báo động tình trạng phá rừng vẫn diễn ra dù Thủ tướng đã ra lệnh đóng cửa rừng.

Việc phá rừng, làm xáo trộn cảnh quan vùng bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), vùng núi Lào Cai, Sa Pa để xây khách sạn sẽ là những thảm họa tương lai cho lũ bùn, lũ quét, suy giảm chất lượng môi trường, đe dọa sút giảm số lượng lớn các loài động và thực vật hoang dã, có dấu hiệu vi phạm luật đa dạng sinh học.

Trước các lo ngại tác động đến dòng chảy, Bộ TN-MT cũng đã yêu cầu tạm dừng các dự án lấp sông Đồng Nai và Tiền Giang. Ngoài ra, báo chí cũng lên tiếng mạnh mẽ về nạn ô nhiễm khói bụi, mùi hôi từ các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Nhà máy giấy Lee & Man, rác thải, cá chết nhiều nơi…

ĐBSCL: mật độ nhà máy nhiệt điện cao nhất cả nước?

Vấn đề môi trường của năm 2018 sẽ là câu chuyện phát triển năng lượng gặp nhiều rắc rối và bất ổn. Quy hoạch điện VII đã điều chỉnh, từ nay đến năm 2030, Tổng công ty Điện lực VN dự kiến xây dựng thêm các nhà máy điện than mới với tổng công suất 40.000 MW.

Trong số đó, gần một nửa được quy hoạch xây dựng ở ĐBSCL (công suất lắp máy 18.000 MW). Với quy mô phát triển công nghiệp năng lượng như vậy từ nay đến năm 2030, vùng ĐBSCL sẽ trở thành một trong những khu vực có mật độ nhiệt điện cao nhất nước.

Đặc biệt, đoạn từ Cần Thơ đến Trà Vinh, chỉ khoảng 80km đường sông, sẽ trở thành đoạn sông tấp nập tàu chuyển tiếp than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện đang được triển khai ở đây.

Hầu hết nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL đều dùng nhiên liệu chính là than, một số ít dùng dầu DO hoặc khí đốt.

Nguyên liệu than cho các nhà máy này hiện được cung cấp một phần từ các mỏ than ở Quảng Ninh, tương lai gần các nhà máy sẽ sử dụng than nhập khẩu từ Úc hoặc Indonesia.

Mỗi ngày ước tính sẽ có khoảng 170.000 tấn than được vận chuyển bằng đường thủy để phục vụ hoạt động sản xuất điện than ở ĐBSCL. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới môi trường nước và hệ sinh thái dưới nước của ĐBSCL.

Song song với việc gia tăng khói bụi, khí thải dạng SOx, NOx từ quá trình vận hành nhà máy nhiệt điện khi phát tán vào không khí sẽ bị oxy hóa trong không khí.

Trường hợp có độ ẩm cao, sương mù và mưa rơi sẽ tạo nên những trận mưa axit xuống đồng ruộng, ao hồ, gây ảnh hưởng xấu đến cây trồng, các loài thủy sản, các hệ sinh thái, làm ăn mòn vật liệu kim loại và các công trình xây dựng kiến trúc, tượng đài…

Vào mùa mưa, gió mùa tây nam sẽ đưa các đám khói bụi từ khu vực nhà máy nhiệt điện Cần Thơ, Hậu Giang đến các vùng ven biển Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang… Ngược lại, khi có gió chướng, gió mùa đông bắc, các khối không khí mang khói bụi từ các nhà máy nhiệt điện Trà Vinh, Sóc Trăng đưa sâu vào đất liền.

Nhà máy nhiệt điện than cũng là những cỗ máy tiêu tốn nước khổng lồ: khối lượng nước làm mát 14 nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL vào khoảng 70 triệu m3/ngày đêm.

Với nhu cầu sử dụng nước lớn như thế, các nhà máy điện than có thể gây ra cạnh tranh về nguồn nước với các ngành khác như nông nghiệp, thủy sản, khiến tình trạng thiếu nước, đặc biệt là vào mùa khô, càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Đối mặt an ninh nguồn nước

An ninh nguồn nước đang và sẽ thành một vấn đề môi trường quốc gia trong năm 2018 và các năm sau khi vẫn tồn tại hàng chục nhà máy và khu công nghiệp lớn nhỏ, kể cả hàng trăm làng nghề tiểu thủ công nghiệp và chế biến nông thủy sản trên toàn quốc vẫn chưa có những cơ sở xử lý nước thải hữu hiệu.

Chất lượng nước trên toàn quốc nói chung bị suy thoái trầm trọng. Nhiều dòng sông đang bị ô nhiễm nặng nề, chất lượng nước ngày càng xấu đi do mang nhiều độc chất từ các chất thải kim loại nặng, chất thải hữu cơ và vô cơ từ sinh hoạt, các dư lượng hóa dược nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô, nhiều nơi có nước nhưng không thể sử dụng do nguồn nước bị ô nhiễm.

Nguồn nước mặt ở hầu hết các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề đều đã bị ô nhiễm. Nhiều nơi ô nhiễm nghiêm trọng như lưu vực sông Nhuệ – Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai – Sài Gòn. Rừng bị hủy hoại do khai thác trái phép, làm thủy điện… sẽ khiến cho việc điều tiết nguồn nước trong mùa khô vô cùng hạn chế.

Nguồn nước dưới đất cũng bị sụt giảm, nhiều nơi bị nhiễm mặn, nhiễm arsenic hoặc bị thông tầng khiến các chất ô nhiễm trên mặt đất thấm xuống các vỉa nước ngầm. Năm 2018 có thể có nhiều tranh cãi quanh dự án cống Cái Lớn – Cái Bé và các dự án thủy lợi khác về những quan ngại giữa phát triển sản xuất nông ngư nghiệp và nguy cơ phá hủy hệ sinh thái – nguồn nước khu vực. Sự gia tăng đáng sợ số lượng người phát hiện bệnh ung thư trong xã hội là một chỉ dấu về chất lượng môi trường và an toàn thực phẩm.

Chỉ có thể hi vọng rằng năm 2018 sẽ có một số điểm sáng về môi trường, khi nhiều dự án về năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió bắt đầu triển khai ở nhiều nơi.

Xu thế xử lý rác thải đô thị và công nghiệp bằng giải pháp công nghệ đốt lấy điện được chú ý trong xét chọn. Nhận thức cộng đồng của người dân về môi trường và hệ sinh thái được nâng cao hơn khi mọi người bắt đầu nhận thấy giá trị của cuộc sống an lành.

Các cá nhân liên quan đến tội phạm môi trường như phá rừng phòng hộ, xả thải trái phép sẽ phải bị cách chức, truy tố trước pháp luật. Năm mới này có thể sẽ có nhiều góp ý đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo vệ môi trường (ban hành năm 2014) do một số quy định chưa sát thực tế.

Theo đó, các quy định và tiêu chí môi trường có thể phải chỉnh sửa nghiêm ngặt hơn cho mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường, duy trì và phát triển các hệ sinh thái rừng và đất ngập nước.■

Điểm sáng đáng ghi nhận

Trong bức tranh đen về môi trường năm 2017 ở VN, có một điểm sáng đáng ghi nhận là nghị quyết 120 của Chính phủ ban hành ngày 17-11-2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với quan điểm chỉ đạo phát triển bền vững, chú trọng bảo vệ đất, nước và đặc biệt là con người ĐBSCL. Điểm quan trọng của nghị quyết lưu ý là cần tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Nghị quyết đã xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội. Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực.

LÊ ANH TUẤN (VIỆN NGHIÊN CỨU BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, ĐH CẦN THƠ)