Licogi 13 tìm ‘năng lượng mới’ từ điện mặt trời
Năng Lượng Mặt TrờiNăng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng mười một 3, 2018 Năng Lượng News
Việc Công ty cổ phần Licogi 13 (mã LIG, sàn HNX) vừa ký hợp đồng bán điện cho Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là động thái cho thấy, doanh nghiệp này sẽ có những nguồn ‘năng lượng mới’ trong hoạt động kinh doanh giai đoạn tới đây.
Định hướng mới
Ngày 23/10/2018 vừa qua, Công ty Mua bán điện và Công ty cổ phần Licogi 13 đã ký Hợp đồng Mua bán điện từ Nhà máy Điện mặt trời LIG Quảng Trị do Licogi 13 làm chủ đầu tư.
Nhà máy Điện mặt trời LIG Quảng Trị được xây dựng tại xã Gio Hải và xã Gio Thành (huyện Gio Linh, Quảng Trị) có tổng mức đầu tư gần 1.100 tỷ đồng. Công suất định mức của Nhà máy là 49,5 MW; điện năng sản xuất dự kiến đạt 69,7 triệu kWh/năm. Theo kế hoạch, Nhà máy sẽ được vận hành thương mại vào tháng 5/2019.
Chia sẻ về lý do đầu tư Dự án Nhà máy Điện mặt trời, đại diện Licogi 13 cho biết, việc đầu tư Dự án LIG Quảng Trị hoàn toàn phù hợp với chương trình phát triển nguồn điện nêu trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, đồng thời là bước đi đột phá trong việc tiếp cận xu hướng sản xuất, sử dụng năng lượng sạch trong tương lai. Dự án được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích kinh tế chung cho cả nước cũng như cho doanh nghiệp.
Quyết định 428/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:
Đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời, bao gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và nguồn phân tán lắp đặt trên mái nhà.
Đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030.
Điện năng sản xuất từ nguồn điện mặt trời chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% năm 2020, khoảng 1,6% vào năm 2025 và khoảng 3,3% vào năm 2030.
Quy hoạch Điện VII điều chỉnh được thực hiện theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030. Trong đó, một trong những mục tiêu tổng quát là huy động mọi nguồn lực cho phát triển điện lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Quyết định số 428/QĐ-TTg cũng đặt mục tiêu hình thành và phát triển hệ thống điện thông minh, có khả năng tích hợp với nguồn năng lượng tái tạo có tỷ lệ cao.
Về lý do lựa chọn Quảng Trị làm địa điểm đặt Nhà máy, Licogi 13 cho biết, đây là nơi có nguồn bức xạ tốt với số giờ nắng trung bình 1.700 – 2.000 giờ và cường độ bức xạ khoảng 4,6 – 5,2 (theo bản đồ bức xạ mặt trời của Việt Nam đã được quy hoạch và đánh giá bởi các tổ chức trong nước và thế giới). Ngoài ra, Quảng Trị còn có một số ưu thế về vị trí, điều kiện đấu nối với lưới điện quốc gia, hạ tầng kết nối giao thông…
Về tính khả thi của Dự án, ngoài việc đã ký hợp đồng với EVN đảm bảo đầu ra chắc chắn, Licogi 13 cho biết, đã có thỏa thuận hợp tác với nhà thầu thi công chuyên nghiệp để Dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ và đạt chất lượng cao.
Sau ngày hòa lưới điện quốc gia, Licogi 13 sẽ thuê các đơn vị vận hành có uy tín để điều hành Nhà máy trong 2 năm đầu. Trong thời gian đó, các đơn vị vận hành sẽ đào tạo, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ cho các cán bộ chuyên môn của Công ty để đến năm thứ 3, Licogi 13 có thể sẽ trực tiếp vận hành Nhà máy. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư cho Dự án cũng đã được đảm bảo thông qua hợp đồng tín dụng đã ký giữa Licogi 13 và Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Thanh Xuân với giá trị trên 760 tỷ đồng.
Tạo thế 3 trụ cột
Những thông tin về Nhà máy Điện mặt trời LIG Quảng Trị nêu trên đang mở ra hướng đầu tư mới có thể mang lại hiệu quả kinh doanh và nguồn thu ổn định cho Licogi 13 trong những năm tới. Theo lãnh đạo Licogi 13, đây cũng là định hướng của Công ty trong việc phát triển mảng kinh doanh mới, củng cố thêm sức mạnh cho Công ty, trong khi vẫn duy trì ổn định các hoạt động truyền thống trước đây (xây lắp và kinh doanh bất động sản).
Việc mở rộng sang lĩnh vực phát triển năng lượng sạch được Licogi 13 đặt ra từ vài năm gần đây. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2017, Licogi 13 cũng đã thông qua chủ trương góp vốn thành lập Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo, với mục tiêu tìm kiếm, đánh giá và đầu tư các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Sang năm 2018, chủ trương phát triển mảng năng lượng sạch tiếp tục được Licogi 13 hiện thực hóa bằng nội dung trong Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên với việc đầu tư Dự án Nhà máy Điện mặt trời LIG Quảng Trị.
Nguồn: Báo Mới